Xu hướngTrước đây, thú tiêu khiển này chỉ dành cho dân ngoại thành, ven đô, sở trường của họ là câu cá đồng (cá rô, cá trê, cá lóc, cá thác lác…) và cá nước ngọt (cá tra, cá lăng, cá kết, cá chèn leo…), và cá nước lợ (cá bống đục, các ngát, cá hanh, cá chẽm và bống mú…), họ du câu theo con nước thủy triều tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Các hội câu cá Sài Thành thường du câu theo mùa. Những tháng giữa mùa mưa, rừng U Minh, Cà Mau và Mộc Hóa, Long An là điểm đến cho nhưng tay câu thích loài cá đồng và cá nước ngọt. Mùa nước nổi, dịch vụ ghe câu ở Doi Lầu, Cần Giờ và các huyện Ba Tri, Bình Đại, tỉnh Bến Tre cũng hái ra tiền nhờ đưa khách đi câu cá dứa. Sau mỗi chuyến du câu, cần thủ phải chi hơn triệu đồng.Chị Thanh vợ một cần thủ cho hay: “Không biết mấy ổng mê cái gì, mê cá còn hơn mê vợ. Không ngày cuối tuần nào ổng bỏ câu, làm được bao nhiêu tiền đều đổ vô đi câu và mua sắm cần câu… Từ ngày mê câu kéo, chồng tôi bỏ được thói hư, tật xấu”. Một số gia đình cho biết, từ khi phong trào câu cá tại các bờ kênh nở rộ, con em họ ít bị vướng vào các tệ nạn xã hội hơn. “Khi nó thích câu cá, tôi đã thấy nó thay đổi nhiều, trở nên đầm tính và biết nhẫn nại trước mọi việc”, chú Hai ở Đại lộ Võ Văn Kiệt nói về con trai mình. “Bây giờ người khôn của hiếm, câu cá gì cũng hơi bị khó, cá chưa kịp lớn đã bị chúng chích điện, Bọn chích điện tàn sát khắp nơi, ở đâu có nước là ở đó có thằng chích điện”, anh Hải một sát thủ câu cá lăng đã giải nghệ ở Bùi Môn, Hóc Môn nói. Cách đây 5 năm, anh cùng một số chiến hữu và nhóm câu huyện Đức Hòa, Long An đang buông cần câu cá lăng tại cầu Đức Hòa. Lúc đó nước đang chảy xuôi, đội quân ghe cào (dân miệt dưới) hơn 10 chiếc tiến lại vây lấy chân cầu, 2 chiếc chạy về phía nước ngược rắc thứ bộ gì đó, 15 phút sau đội ghe cào bắt đầu tung hoành, cày sới một vùng, cá lăng nổi lềnh bềnh khắp nơi. Anh cùng các cần thủ vội lấy xe chạy xuống chân cầu để tìm đá để xua đuổi bọn chúng, nhưng đã muộn... Kết quả cuộc tàn sát đó, đám ghe cào thu được 1,4 tấn cá lăng, anh Hải kể.Cứ mỗi chiều tan tầm, dạo quanh Bến Bạch Đằng, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Bến Nghé, kênh Đôi Tàu Hủ… số lượng cần thủ đang săn cá lên đến hàng ngàn, họ thuộc nhiều tầng lớp xã hội với đủ loại cần câu.Chiến lợi phẩm của một cần thủVới những dòng kênh “chết", nay được cải tạo, nạo vét đã thu hút những đàn cá đến đây tung tăng bơi lội, một tín hiệu tốt về môi trường. Hàng ngày, có hơn một ngàn cần thủ đến câu ở các cây cầu, bờ kênh cũng gây tác động không tốt về môi trường nơi đây. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị các cơ quan chức năng cho thả cá trên một số đoạn kênh trên. Cơ quan này cũng đang đề xuất việc cấm câu cá để mua bán, đánh bắt cá bằng lưới, chài, câu chùm. Để tạo điều kiện cho nguồn lợi thủy sản phát triển, người dân không nên thả, phóng sinh các loài thủy sản ngoại lai xâm hại đến môi trường như rùa tai đỏ, cá lau kính… xuống dòng kênh.“Nghề chơi” cũng lắm công phuĐể được bộ đồ nghề câu ưng ý cũng phải mất đôi ba chục triệu đồng. Tình cờ gặp nhóm du câu gồm 4 thành viên tại bến ghe đưa câu Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai, trang thiết bị nhiều đến nỗi phải dùng xe hơi 7 chỗ mới chở hết, tổng cộng các thiết bị câu kéo phải ngoài trăm kg. Chú ba Xuân chủ ghe đưa câu bật mí: “Họ là dân câu cá chẽm chuyên nghiệp, tuần nào cũng xuống đây câu qua đêm”.Các đầm nước lợ nằm trong khu vực sông Lòng Tàu, Đồng Tranh, Thị Vải của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm du câu của nhóm lắm tiền, nhiều đầm chỉ cho vài nhóm câu vào “sinh hoạt”. Thậm chí, có đầm “bị mua độc quyền” dành cho các “đại gia” đến từ Hà Nội, Hải Phòng… du câu cuối tuần.Không riêng gì người Việt Nam mê câu kéo, các tay câu Hàn Quốc và Đài Loan làm việc tại các khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai cũng đam mê thú “trời đày” này. Họ là những tay sát cá, cá hanh (cá tráp) nằm trong danh sách hàng đầu của họ. Cao Minh Thuận, một cần thủ người Đài Loan nổi tiếng săn cá tráp, sống ở TP. Hồ Chí Minh hơn 10 năm cho biết, Cá tráp rất giàu dinh dưỡng là món ăn đặc sản của người Đài Loan và Hàn Quốc, giá tại chợ của nước này lên đến 60 USD/kg. Hiện nay, anh đang mở tiệm bán đồ câu cá tại đường Minh Phụng, TP. Hồ Chí Minh. Dân câu tại khu vực bán đảo Cần Giờ thường bị các nhà Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản cảnh báo: Không nên câu cá chìa vôi, nếu câu được nên “phóng sanh”, loài cá này có nguy cơ tuyệt chủng và là loài duy nhất trên thế giới sống ở khu vực này, giá trị thương phẩm của nó cao, có thời điểm lên đến 2 triệu đồng/kg tùy theo cá lớn nhỏ. Hiện nay, chính ngư dân dân địa phương cũng không biết “thực đơn” của loài cá này là món gì, các cao thủ săn “cá khủng”, hiếm đều bó tay với cách thức câu và nơi nó sống. Thi thoảng, chỉ nghe đâu đó một ghe cào, ghe đáy đánh được con chìa vôi dăm ba ký.