Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Chính phủ hưởng ứng Ngày Thế giới Tôn vinh người hiến máu

Thứ bảy, 16/06/2012 - 14:40

(Thanhtra) - Hưởng ứng Chiến dịch tình nguyện Hè 2012 của Đoàn Khối các Cơ quan Trung ương và thiết thực kỉ niệm Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu, ngày 15/6, đông đảo cán bộ, thanh niên, đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hiến máu.

Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu (14/6) năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra thông điệp "Mọi người hiến máu đều là anh hùng".

Dưới đây là một số hình ảnh PV Báo Thanh tra ghi lại tại buổi hiến máu của cán bộ, thanh niên, đoàn viên cơ quan Thanh tra Chính phủ, diễn ra ngày 15/6 tại trụ sở Thanh tra Chính phủ.

Ngay từ sáng sớm, nhiều cán bộ, viên chức đã đến đăng kí hiến máu tại hội trường Thanh tra Chính phủ.

Sau khi khai vào mẫu, người hiến máu được kiểm tra sơ bộ sức khoẻ

Lấy mẫu máu kiểm tra nhanh một số bệnh phổ biến trong máu

Theo quy định về bảo đảm an toàn cho người hiến máu, mỗi lần hiến máu tối đa không quá 1/10 lượng máu cơ thể.

Nhiều người đã hiến máu nhiều lần và sức khỏe vẫn rất ổn định

Quy trình lấy máu an toàn và nhanh chóng

Máu sau khi lấy được bảo quản, sau đó qua nhiều công đoạn sàng lọc trước khi tiếp cho người có nhu cầu nhận máu

Sau khi hiến máu, người hiến được bồi dưỡng một suất ăn nhẹ tại chỗ, một món quà lưu niệm và được hỗ trợ một phần chi phí đi lại

Người hiến máu được cấp giấy chứng nhận có giá trị trọn đời tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc Hoạt động hiến máu được sự phối hợp của Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư. Đây là hoạt động thường niên từ khi Thanh tra Chính phủ chuyển ra trụ sở mới tại Cầu Giấy, Hà Nội


Một số điều cần biết về hiến máu nhân đạo

Máu của bạn sau khi hiến phải qua một chu trình nghiêm ngặt mới có thể sử dụng để cứu sống người bệnh: Hiến máu - Xét nghiệm sàng lọc - Tách các thành phần máu - Bảo quản - Người bệnh.

Lượng máu của cơ thể trung bình có khoảng 77ml/kg cân nặng đối với nam, 66ml/kg cân nặng đối với nữ. Như vậy, một người Việt Nam trưởng thành trung bình có khoảng từ 3,5 - 5 lít máu (bằng khoảng 1/13 trọng lượng của cơ thể).

1. Người hiến máu nhân đạo phải là người như thế nào?

- Là người có tinh thần nhân đạo, tự nguyện, không nhận tiền, quà bồi dưỡng, có ý thức về hiến máu an toàn cho người bệnh.
 

- Tất cả mọi người từ 18 - 55 tuổi đối với nữ, 18 - 60 tuổi đối với nam, có mang đầy đủ giấy Chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác.


- Cân nặng >45kg với người đã hiến máu an toàn hoặc cân nặng >50 kg, có thể hiến 350ml máu/lần.
 

- Không nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác.


- Thời gian giữa 2 lần hiến máu tối thiểu là 84 ngày.


- Lượng máu cho không quá 1/10 lượng máu của cơ thể.

2. Trước khi và sau khi hiến máu phải làm gì?

- Đêm hôm trước ngày hiến máu không thức quá khuya, nên ăn nhẹ và không uống rượu bia.
 

- Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao… không thức quá khuya, không uống rượu bia.
 

- Nếu thấy cơ thể hơi mệt mỏi, nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá nhiều. Nên bình tĩnh và yên tâm, đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể biểu hiện đang trong quá trình phục hồi và tái tạo máu. Nếu yên tâm, tinh thần thoải mái và nghỉ ngơi tốt thì những biểu hiện này sẽ nhanh chóng qua đi.
 

- Tiếp tục giữ gìn sức khỏe và tham gia hiến máu nhắc lại. Những đơn vị máu của những người hiến máu nhắc lại sẽ có chất lượng và an toàn hơn rất nhiều cho người bệnh nhận máu.

3. Quyền lợi khi tham gia hiến máu

- Người hiến máu được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí.
 

- Được bồi hoàn máu miễn phí (trong trường hợp người hiến máu không may cần phải truyền máu).


- Được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo tỉnh, thành phố. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến. Giấy Chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và có giá trị suốt đời người hiến máu.


- Được bồi dưỡng một suất ăn nhẹ tại chỗ, trao tặng một món quà lưu niệm, hỗ trợ một phần chi phí đi lại.


- Ngoài ra, người hiến máu còn được tham gia vào các tổ chức, các hoạt động có ý nghĩa dành cho người hiến máu.

4. Quy trình xử lý máu sau khi thu gom về bệnh viện:

- Những túi máu (máu toàn phần) sau khi lấy từ người hiến máu sẽ được bảo quản ở nhiệt độ lạnh và nhanh chóng được vận chuyển về ngân hàng máu.


- Tại ngân hàng máu, những túi máu toàn phần đó sẽ được kiểm tra các xét nghiệm, gồm nhóm máu, HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, giang mai, sốt rét…


- Máu và các chế phẩm máu sau đó sẽ được lưu trữ và bảo quản trong các tủ bảo quản lạnh của kho máu theo thời gian.


- Khi có người bệnh đang cấp cứu hoặc điều trị cần phải truyền máu, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng hoặc tùy từng loại bệnh mà bác sĩ có chỉ định truyền máu hay các chế phẩm máu cho phù hợp. Trước khi truyền máu cho người bệnh, các đơn vị sẽ được định lại nhóm và kiểm tra xem có hòa hợp với máu người bệnh hay không. Việc truyền những túi máu cùng nhóm và hòa hợp với máu người bệnh là một việc rất quan trọng để bảo đảm an toàn cho người bệnh nhận máu.

5. Hiến máu theo hướng dẫn có hại cho sức khoẻ không?

- Không. Hiến máu theo hướng dẫn của thầy thuốc không có hại cho sức khoẻ.


- Máu có nhiều thầnh phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hằng ngày. Do đó, ngay sau khi hiến máu, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8 - 10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3-4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường.


- Những ngày đầu sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường, không gây ảnh hưởng đến các chức năng sống của cơ thể.


- Một số ít trường hợp những ngày sau hiến máu cảm thấy lo lắng và hơi mệt mỏi, nên bình tĩnh và yên tâm, đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể biểu hiện đang trong quá trình phục hồi và tái tạo máu. Nếu yên tâm, tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi tốt thì những biểu hiện này sẽ nhanh chóng qua đi.


Như vậy, mỗi người nếu thấy sức khoẻ tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì có thể hiến máu từ 3 - 4 lần trong một năm.

Hoàng Lan - Phạm Đạt

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm