Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tất bật ôn thi

Thứ năm, 05/04/2012 - 15:01

(Thanh tra) - Dù Bộ GD-ĐT vừa công bố các môn thi tốt nghiệp trung hoc phổ thông (THPT), nhưng lúc này, với nhiều trường đã là thời điểm nước rút để phân loại và tập trung ôn luyện cho học sinh. Chưa đến nỗi căng thẳng và tất bật, nhưng mỗi trường đều đã có kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất.

Học sinh mệt mỏi với việc học và học

Vì thương hiệu… 

Đối với các trường THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT hết sức quan trọng, đặc biệt là các trường ngoài công lập vì tỉ lệ tốt nghiệp “đẹp” sẽ khiến cho trường có được uy tín, tạo sức hút trong các đợt tuyển sinh. Trong khi đó, các trường công lập, nhất là những trường nhiều năm đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao, cũng vất vả không kém để cố gắng giữ vững thành tích. Xuất phát từ mong muốn đó, lúc này,  nhiều trường đang “tăng tốc” ôn tập cho học sinh.

Theo ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh, không khí ôn luyện cho học sinh khối 12 đang diễn ra khá sớm tại các trường. Nhiều trường như THPT Nguyễn Khuyến, THPT Thái Bình, THPT Hồng Hà, ngay từ sau Tết đã có kế hoạch và lịch học tăng cường một số môn chính như Toán, Văn, Anh Văn, Lý, Hóa để giúp học sinh hệ thống lại kiến thức trước khi thi kết thúc học kỳ 2 (khoảng tháng 4). Chính vì thế với học sinh yếu, kém việc học ca 2, ca 3 tại trường hoặc dưới sự kèm cặp của giáo viên bộ môn là điều không lạ.

Với Trường THPT Hàn Thuyên, ngay từ đầu học kỳ 2, nhà trường  đã có kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh tất cả các buổi sáng và ba buổi chiều. Các buổi chiều còn lại, học sinh yếu phải vào trường học bài với sự hướng dẫn của giáo viên. Để buộc học sinh phải học bài đúng tiến độ, trường sẽ tổ chức kiểm tra một tiết, hoặc 15 phút hàng tuần. Những học sinh học yếu, trường sẽ có biện pháp kèm cặp riêng.

Thầy Ph, quản nhiệm Trường Hàn Thuyên cho biết, việc tăng cường ôn tập cho học sinh đều được nhà trường thực hiện hàng năm. Ngoài việc giúp các em hệ thống lại kiến thức, tăng cường ôn luyện còn giúp các em tránh được tình trạng lơ là học tập. Với những tiết học tăng cường, ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh yếu, kém, nhà trường không bắt các em phải đóng bất cứ khoản phí phát sinh nào.

Em Nguyễn Nhật Phương, học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết: “Trước Tết, bọn em được học các môn phụ nhiều hơn. Bởi khi các môn phụ đã được giải quyết xong, tụi em sẽ có thêm thời gian ôn luyện các môn chính như Toán, Văn, Tiếng Anh”.

Thạc sĩ Nguyễn Công Phủ, Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc cho rằng, việc tăng tiết, đẩy nhanh ôn tập cho học sinh ở một số trường có tỷ lệ học sinh yếu, kém là điều bình thường. Với trường thuộc vùng khó, vùng xa, với tỷ lệ đầu vào của học sinh không cao, thì việc nhà trường tăng khoảng 30% tiết học với các môn chính như: Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa ngay từ đầu năm học nhằm giúp học sinh ổn định kiến thức là điều hầu hết các trường phải làm.

Bởi vậy, ở một số trường ngay từ đầu năm lớp 12, các giáo viên phải tăng cường bám sát giáo trình để học sinh có đủ kiến thức trong kỳ thi tốt nghiệp.

… Và vì thành tích

Vì áp lực thi cử và tỷ lệ đậu cần phải đạt so với kế hoạch nên nhiều trường THPT (ngoài công lập) đã cho học sinh cuối cấp nhập học rất sớm. Có nơi, tháng 8 đã nhập học, nên đến cuối tháng 3 là đã xong chương trình.

Như vậy, khi Bộ GD - ĐT công bố môn thi tốt nghiệp, trường sẽ học theo chương trình của môn thi vừa ôn tập. Kiểu học nước rút trên không chỉ giúp học sinh có thời gian ôn tập các môn phải thi, mà việc phân loại học sinh cũng dễ dàng, từ đó có kế hoạch kèm cặp cho các học sinh yếu, kém.

Dù hiện nay mới chỉ bước vào đầu tháng 3, nhưng không khí ôn thi tốt tại số trường THPT như Long Trường, Thạnh Lộc, Đăng Khoa, Bình Khánh, Trung Lập…  hướng đến những môn sẽ thi tốt nghiệp đã bắt đầu “nóng” từng ngày.

Lý giải về việc sớm đẩy nhanh công tác ôn thi cho học sinh, ông Lê Trọng Chì - Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đăng Khoa cho biết: “Do đầu vào học sinh của trường hơi yếu, nên phải tập trung ôn tập cho các em từ sớm để vượt qua kỳ thi”.

Tuy nhiên khi đặt vấn đề có chăng các trường dân lập đang nhồi nhét học sinh, nhằm có kết quả đẹp cuối năm? Thầy Chì chia sẻ, với học sinh yếu, chúng tôi chỉ tập trung hệ thống những kiến thức nền, để giúp các em có thể đạt được điểm tốt cho bài thi chứ, không ôn tập theo kiểu nhồi nhét. Bởi học sinh đã yếu rồi mà nhồi nhét thêm cũng phản tác dụng.

Theo ý kiến của nhiều học sinh và giáo viên, việc thi tốt nghiệp tuy quan trọng, nhưng cũng không quá khó nếu có phương pháp học tập khoa học, hợp lý. Tuy nhiên, một số trường THPT ngoài công lập do muốn tỉ lệ tốt nghiệp của mình phải thật cao, nên vô tình tạo nên sức ép học tập quá lớn nơi các em. Hệ quả không ít em học sinh cảm thấy ngán ngẩm và mệt mỏi với lịch học không khác gì kiểu hành xác mà trường mình đang áp dụng.

Em Hà Khánh Linh, học sinh lớp 12A3  Trường THPT Dân lập Nguyễn Khuyến cho biết, trường bắt đầu đẩy nhanh công tác ôn luyện từ đầu học kỳ 2, giờ học suốt từ sáng sớm đến tối mịt. Những ngày đầu em thật sự không chịu nổi và ngán với cái kiểu học dồn ép ấy, nhưng riết rồi cũng quen. Với lại, phương pháp khảo bài của các thầy cô cũng rất nhẹ nhàng, chủ yếu là khuyến khích tụi em tự học nên áp lực thi cử thật ra không quá lớn…

  Nguyễn Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm