Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Không hề có chuyện “khai tử” môn lịch sử

Hương Giang

Thứ năm, 09/06/2022 - 22:12

(Thanh tra) - Cử tri cho rằng môn lịch sử nếu là môn tự chọn sẽ dẫn đến việc bỏ hoặc “khai tử” môn lịch sử. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: “Thực tế, không phải như vậy”.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trả lời chất vấn. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh báo cáo giải trình một số vấn đề được đại biểu quan tâm và trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Lắng nghe ý kiến để học lịch sử luôn được chú trọng

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) cho biết, những ngày vừa qua nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, có ý kiến khác nhau về môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo gì về vấn đề này?

Trả lời, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói: Đây là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm và các đại biểu Quốc hội đã nêu trong kỳ họp này.

Theo Phó Thủ tướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chương trình giáo dục phổ thông trong đó có môn lịch sử rất cụ thể.

Nhắc lại Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 88 của Quốc hội, Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết, môn lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên). Ảnh: Đ.X

Về một số ý kiến của cử tri cho rằng môn lịch sử là môn tự chọn nên dẫn đến việc bỏ hoặc khai tử môn lịch sử, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Thực tế, không phải như vậy”. Ông nhấn mạnh, môn lịch sử được phân theo 2 giai đoạn, vẫn đảm bảo được có môn học này.

Chương trình giáo dục phổ thông thiết kế theo 2 giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản với môn lịch sử và địa lý là môn học bắt buộc từ lớp 4-9 với tổng thời lượng 560 tiết, phân môn lịch sử chiếm 280 tiết. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10-12 thì môn lịch sử được bố trí làm môn học trong tổ hợp môn học xã hội.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của cử tri, ý kiến các đại biểu Quốc hội; tổ chức hội thảo để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học tập môn lịch sử luôn được tăng cường và chú trọng.

Gói phục hồi kinh tế đã giải ngân 33,5 nghìn tỷ hay 22 nghìn tỷ?

Báo cáo trước khi trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43 về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất.

Thủ tướng đã ban hành 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...

“Đến hết tháng 5/2022 đã thực hiện khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch”, Phó Thủ tướng nói, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã giải ngân hơn 4.800 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 2.400 người theo Nghị quyết số 11.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội). Ảnh: Đ.X

Nghe báo cáo, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) tranh luận, 7 ngày trước vào ngày 2/6, phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói đến hết tháng 5, Chính phủ giải ngân được 22 nghìn tỷ trên 300 nghìn tỷ trong gói phục hồi kinh tế.

“Như vậy cùng một thời điểm tính toán số liệu giải ngân khác nhau là 11,5 nghìn tỷ. Vậy đâu là kết quả chính xác mà Chính phủ đạt được?” bà Mai hỏi.

Trả lời, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay chưa đối chiếu số liệu, nên các cơ quan sẽ phải đối chiếu lại là Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bởi giải ngân vốn, báo cáo từng thời kỳ là khác nhau và đây là nội dung mà trong nhiều cuộc họp của Chính phủ cũng đã nêu.

Ông cho hay, như trong giải ngân vốn đầu tư công, nếu theo cách tính của Bộ Tài chính là trên cơ sở các nguồn đã được quyết toán từ kho bạc Nhà nước; còn báo cáo các tỉnh thành, các dự án là thực tế thực hiện, nên luôn có sự chênh lệch.

“Tôi sẽ kiểm tra lại số liệu để có con số chính xác trong báo cáo của Chính phủ”, ông Minh nhấn mạnh.

Khoảng 1.000 cơ sở nhà đất công chưa xử lý

Đại biểu Nguyễn Hồng Hạnh (đoàn TP HCM) nêu trong việc quản lý và sử dụng tài sản công, đất công, có tình trạng các kho bãi, dự án của các bộ, ngành ở các địa phương bị bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích, có trường hợp không triển khai dự án bị bỏ hoang nhiều. 

Trong khi đó, quỹ đất của địa phương thì hạn hẹp, thiếu quỹ đất để xây dựng trường học, các công trình cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân.

“Chính phủ đánh giá như thế nào về thực trạng này và có chỉ đạo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết tình trạng này như thế nào?”, đại biểu Hạnh chất vấn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 quy định vấn đề này, trong đó nêu rõ nhà đất thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý không có nhu cầu sử dụng thì phải lập hồ sơ đề xuất phương án xử lý; thu hồi, điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển giao quyền sử dụng đất về địa phương quản lý.

Theo tổng hợp của 9 bộ, cơ quan Trung ương và 45 địa phương thì tổng số cơ sở nhà đất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là hơn 10.289. Kết quả sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư là giữ lại tiếp tục sử dụng 8.125 cơ sở; thu hồi 117 cơ sở; điều chuyển 410 cơ sở giữa bộ, ngành, địa phương tùy theo nhu cầu; bán tài sản đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất 236 cơ sở...

“Hiện chưa xử lý khoảng hơn 1.000 cơ sở”, Phó Thủ tướng nói và cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát cùng các bộ, ngành địa phương, đặc biệt là khu vực còn để đất hoang hoá, không sử dụng để làm sao sử dụng hiệu quả đất đai.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm