Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Làm “thận trọng để tránh sơ suất và trách nhiệm sau này”

Hương Giang

Thứ năm, 02/06/2022 - 19:00

(Thanh tra) - Giải trình trước Quốc hội về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế quy mô 347.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, Chính phủ làm rất chặt chẽ, thận trọng để tránh sơ suất và những trách nhiệm sau này.

Theo Phó Thủ tướng, cơ bản đã hoàn thành các chính sách và đã giải ngân được 22.000 tỷ trên 300.000 tỷ. “Đây cũng là một tiền đề rất quan trọng để tin tưởng rằng gói hỗ trợ này chúng ta thực hiện tốt trong thời gian tới”, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh

Quốc hội dành 2 ngày (1 - 2/6) thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, xử lý nợ xấu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Liệu chúng ta có đang lãng phí cơ hội, thời gian không?

Nêu ý kiến, các đại biểu sốt ruột khi gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua nhanh trong bối cảnh đặc biệt nhưng không được giải ngân bằng “một quyết tâm đặc biệt và cách làm đặc biệt”. “Nếu chậm trễ trong triển khai thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lưu ý.

Phân tích về gói này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Ma nói: “Rất có thể những mục tiêu đề ra phải hoàn thành trong năm 2022-2023 sẽ không thể thực hiện”.

Xét về điều kiện, nguồn lực, quy trình thủ tục hành chính, bà Mai thấy, tất cả đều sẵn sàng và phân cấp tối đa, nên “không có nhiều lý do để chậm”.

“Liệu chúng ta có đang lãng phí cơ hội, thời gian không? Nếu vậy cũng có nghĩa là đang lãng phí nguồn lực, ngân sách”, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể, làm rõ chậm ở đâu, vướng ở đâu và xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc không bảo đảm tiến độ.

“Chúng tôi luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn mà Chính phủ đang phải đối mặt nhưng cũng rất mong chúng ta sẽ không lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở thành nguội lạnh”, bà Mai nói thêm.

Quốc hội dành 2 ngày (1-2/6) thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, xử lý nợ xấu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: Đ.X

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, sau khi Quốc hội thông qua Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo.

Theo ông, đến nay đã ban hành 11/14 văn bản hướng dẫn để triển khai gói này. 3 văn bản còn lại đang xây dựng (gồm: Hướng dẫn về trình tự, thủ tục để thực hiện chỉ định thầu với gói thầu được cơ chế đặc thù trong dự án cao tốc Bắc - Nam và 2 thông tư hướng dẫn về sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ và Quỹ Hỗ trợ viễn thông công ích) vì tính chất “rất phức tạp”.

“Quá trình xây dựng các bộ, ngành và Chính phủ rất thận trọng để tránh sơ suất và những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện bởi gói tiền rất lớn”, Phó Thủ tướng nói.

Cạnh đó, triển khai gói hỗ trợ là nhiệm vụ mới, không trong kế hoạch dài hạn, thực hiện sau khi chịu tác động của đại dịch COVID -19 nên nảy sinh nhiều việc các bộ, ngành “chưa chủ động được”.

Bóc tách gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có quy mô 347.000 tỷ đồng, theo Phó Thủ tướng, phải phân tích mới biết là “chậm hay không chậm để yên tâm”. Như trong 347.000 tỷ có 46.000 tỷ để mua vaccine và trang thiết bị y tế, nhưng hiện dịch đã kiểm soát cơ bản nên sử dụng thì tùy theo tình hình sắp tới.

Như vậy, nếu trừ khoản trên thì gói hỗ trợ còn lại khoảng 301.000 tỷ, trong đó 125.000 tỷ (gồm: 64.000 tỷ tiền miễn, giảm thuế; 38.400 tỷ là chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách; 6.600 tỷ là tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà…) và 176.000 tỷ là đầu tư công.

Phó Thủ tướng thông tin, trong 176.000 tỷ dành cho đầu tư công thì có 2 khoản là hỗ trợ lãi suất của ngân hàng. Dù văn bản ban hành chậm nhưng khi quyết toán giữa các ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình thì giảm lãi suất 2% vẫn từ ngày 1/1/2022.

“Năm 2008 và 2009, chúng ta dành 1 tỷ đô la để hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại. Khi thực hiện chính sách này thời điểm đó còn nhiều bất cập. Do đó lần này, Chính phủ rút kinh nghiệm làm rất chặt chẽ, hướng dẫn bằng nghị định với trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan để khi thực hiện chương trình này thông suốt, thuận lợi”, ông Khái nói và mong Quốc hội thông cảm, chia sẻ.

Tổng hợp lại, theo Phó Thủ tướng, cơ bản đã hoàn thành các chính sách và đã giải ngân được 22.000 tỷ trên 300.000 tỷ. “Đây cũng là một tiền đề rất quan trọng để tin tưởng rằng gói hỗ trợ này chúng ta thực hiện tốt trong thời gian tới”, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Xử nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, sẽ tính giải pháp để giảm giá xăng

Vấn đề nữa, nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại việc siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản chung chung, dẫn đến cán bộ thuế lạm quyền, nhũng nhiễu người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ.

Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói rõ hơn tình trạng trốn thuế, kê khai giá bán nhà đất thấp hơn thực tế nhiều lần.

Trước lo ngại của nhiều đại biểu việc siết thuế này sẽ tạo điều kiện cho cán bộ thuế nhũng nhiễu, Bộ trưởng Tài chính khẳng định đã có nhiều chỉ đạo cấm cơ quan thuế gây phiền hà cho người dân. Ảnh: Đ.X

“Có trường hợp người nộp thuế kê khai giá bán bất động sản tính thuế chỉ 500 triệu đồng, sau đó được giải thích thì kê khai lại là 10 tỷ đồng, nghĩa là kê khai ban đầu thấp hơn 20 lần. Thậm chí, có trường hợp kê khai thấp hơn 40 lần, còn bình quân giá kê khai thấp hơn 6 lần giá thực tế chuyển nhượng”, ông Phớc thông tin.

Theo ông Phớc, việc người bán kê khai thuế thấp cũng là một trong những hành vi trốn thuế. Do vậy, việc siết chặt thu thuế chuyển nhượng bất động sản là đúng luật.

Số liệu của ngành Tài chính cho thấy, 5 tháng đầu năm nay tổng thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản khoảng 16.200 tỷ đồng, vượt thu cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỷ đồng.

Trước lo ngại của nhiều đại biểu việc siết thuế này sẽ tạo điều kiện cho cán bộ thuế nhũng nhiễu, ông Phớc khẳng định đã có nhiều chỉ đạo cấm cơ quan thuế gây phiền hà cho người dân.

“Nếu cơ quan thuế nhũng nhiễu, có lót tay, trục lợi, nhận hối lộ thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh và cho biết, sắp tới, sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, dữ liệu bất động sản để minh bạch, đảm bảo thu thuế chuyển nhượng bất động sản.

Nhiều đại biểu cũng lo lắng về rủi ro giá xăng dầu tăng cao sẽ tiềm ẩn rủi ro cao tới lạm phát, tác động trực diện tới đời sống người dân, nhất là thu nhập thấp. Từ đó, đề nghị Chính phủ cần có ngay giải pháp giảm thêm thuế.

“Tôi đề nghị Chính phủ nâng cao năng lực hệ thống kho dự trữ xăng, dầu để đáp ứng chủ động và dài hạn nhu cầu của nền kinh tế, dự báo sát tình hình để kịp thời điều hành giá một cách hợp lý”, đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói, giảm thuế là một trong nhiều giải pháp để giảm giá xăng dầu và sẽ cân nhắc, đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Theo ông Phớc, từ 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% đến hết năm nay. Dư địa loại thuế này hiện còn 2.000 đồng mỗi lít xăng; 1.000 đồng với dầu, thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, cơ cấu thuế trong mỗi lít xăng còn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT... thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

“Chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa. Khi giảm thuế, đương nhiên phải cắt giảm các khoản chi, trong khi chính sách tài khóa đã được duyệt rồi. Tuy nhiên, Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, giá dầu thô lên chúng ta cũng bù đắp được một phần”, ông Phớc chia sẻ.

Bên cạnh thuế, theo Bộ trưởng Tài chính, muốn giảm giá xăng dầu thì cần đồng bộ nhiều giải pháp khác như tăng cường chống buôn lậu mặt hàng này; thúc đẩy nguồn cung, tức nâng công suất hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn.

Về vấn đề này, chia sẻ bên hành lang chiều 1/6, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nói, “phải cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá”. Trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, có thể tính tới sử dụng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.

“Bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, không làm cũng có thể sai” Căn bệnh sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay cũng được đại biểu đề cập. “Hiện nay nhiều người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nói. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: Đ.X  Vì vậy, một số cơ quan, địa phương chủ động mời cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan công an vào cuộc ngay từ giai đoạn đầu thực hiện các dự án. Từ phân tích cụ thể các nguyên nhân, bà Hoa đề nghị, sửa đổi quy định pháp luật cho rõ ràng, minh bạch hơn, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Cùng đó, luật hóa quy định của đảng, Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung. Đại biểu đề nghị cần lựa chọn đúng cán bộ cho từng vị trí công tác; có chính sách thường xuyên cập nhật bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ. “Cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong công tác phòng ngừa cảnh báo”, bà Hoa nhấn mạnh.

“Nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường” Nêu ý kiến về vấn đề giáo dục, đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tăng cường truyền thông để nhân dân, phụ huynh học sinh hiểu là sách giáo khoa có 2 loại gồm: sách bắt buộc học sinh phải có để học và loại sách bổ trợ, tham khảo không bắt buộc phải mua.  Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: Đ.X Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) nói, ngay tên là “sách tham khảo” đã hiểu là không cần mua. Nhưng nếu sách tham khảo bán thì chắc các bố mẹ học sinh vẫn sẽ mua cho con mình để “bằng bạn, bằng bè”. Ông cho rằng, sách tham khảo là nguồn lợi lớn cho nhà xuất bản. Trong khi nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm đã chỉ ra sách tham khảo chỉ nên dùng cho thầy cô giáo để làm phong phú thêm bài giảng của mình. Học sinh tiểu học không cần có sách tham khảo, vì vậy “nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường”. “Đổi mới sách giáo khoa là rất đúng đắn nhưng cách làm của chúng ta chưa đúng, cần tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa những sản phẩm tốt, rẻ hơn... Chọn cách làm tường minh và khoa học thì sách giáo khoa sẽ trở lại đúng vị trí trang trọng của mình”, đại biểu nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm