Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 09/08/2011 - 08:54
(Thanh tra)- Năm 2011, lần đầu tiên chúng ta tổ chức kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2011). Một lần nữa, chúng ta khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, ghi nhớ những mất mát to lớn, tri ân những người đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; và bằng những hành động thiết thực, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho hàng triệu nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam (CĐDC).
Một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hóa học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng; nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất độc phục vụ mục đích quân sự. Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản, với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. CĐDC đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó Đông Nam bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải). Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000ha, điển hình là rừng ngập mặn Cà Mau.
CĐDC đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh không sao kể xiết. Có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân CĐDC. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở con cháu các nạn nhân CĐDC là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, dị dạng, dị tật bẩm sinh... Đặc biệt, CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3. Phần lớn những gia đình nạn nhân CĐDC đã và đang sống trong khổ đau, bệnh tật, đói nghèo.
Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm CĐDC. Theo Đô đốc Elmo Zumwalt, nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân - Không quân Mỹ ở Việt Nam, có ít nhất 2,6 triệu lượt binh sỹ Mỹ bị phơi nhiễm CĐDC. Mỗi năm, Chính phủ Mỹ phải trợ cấp cho các cựu binh Mỹ bị bệnh liên quan đến CĐDC số tiền hàng tỉ USD (năm 2010 là 13,5 tỉ USD). Theo Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc, có 100.000/300.000 lượt binh sỹ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó có 20.000 người đã chết. Chính phủ Hàn Quốc trợ cấp cho các binh sỹ này mỗi năm 130 triệu USD…
Quan tâm sâu sắc đến vấn đề CĐDC
Ngoài việc ban hành các chủ trương, chính sách, Nhà nước đã chi những khoản kinh phí lớn hàng năm để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe nạn nhân, triển khai các dự án (D.A) tẩy độc, phục hồi môi trường sinh thái. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã chi hàng trăm tỉ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai các D.A chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC, hỗ trợ một số vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC. Hàng năm, Nhà nước chi hơn 50 triệu USD để trợ cấp hàng tháng cho các nạn nhân CĐDC.
Nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ như Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cục Hợp tác về phát triển Cộng hòa Séc… đã có nhiều D.A giúp Việt Nam hoặc phối hợp với Việt Nam thực hiện các D.A khắc phục hậu quả CĐDC từ nguồn tài trợ quốc tế.
Hội nạn nhân CĐDC Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2010 đã vận động ủng hộ Quỹ nạn nhân CĐDC/dioxin được gần 199 tỷ đồng. Số tiền này được chi trợ cấp làm 1.532 ngôi nhà, xây dựng 12 cơ sở bán trú, 298 suất trợ cấp tìm việc làm; 773 suất trợ cấp học bổng, gần 32.000 suất trợ cấp vốn sản xuất, khám chữa bệnh…
Cuộc đấu tranh đòi công lý đã giành thắng lợi bước đầu. Ngày 30/1/2004, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam và một số nguyên đơn gửi đơn tại Tòa án sơ thẩm liên bang đóng tại quận Brooklyn, bang New York, Mỹ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 2/3/2009, trải qua hơn 5 năm, qua 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và Tòa án Tối cao liên bang, vụ kiện mới qua giai đoạn tiền xét xử. Mặc dù Tòa án Mỹ từ chối thụ lý vụ kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam, nhưng vụ kiện đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn, đạt được thành công về nhiều mặt, trong đó, đã vạch trần trước dư luận thế giới âm mưu che đậy tội ác của Mỹ trong tiến hành chiến tranh hóa học bằng luận điệu "dùng chất diệt cỏ để khai quang"; đồng thời, làm cho chính giới lập pháp, hành pháp Mỹ có những động thái chuyển biến bước đầu như thừa nhận có nạn nhân CĐDC, có trách nhiệm trong việc thanh khiết các "điểm nóng"…
Chiến tranh đã lùi xa nhưng thảm họa da cam vẫn còn đó. Nó là nguyên nhân gây nên biết bao thảm cảnh cho người dân Việt Nam. Sự thật phải lên tiếng. Tội ác phải bị vạch trần. Công lý phải được tôn trọng. Đó là tiếng gọi của cuộc sống, của lương tri và lẽ phải.
Ngọc Hoàng
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thái Hải
19:16 13/12/2024Trần Quý
Lê Hữu Chính
Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn