Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người dân khổ vì nước thải công nghiệp

Thứ năm, 10/03/2011 - 09:21

(Thanh tra)- Khu công nghiệp (KCN) Thụy Vân, TP Việt Trì (Phú Thọ) hiện có 61 dự án (D.A) đầu tư, trong đó có 51 D.A đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho trên 20.000 lao động. Không thể phủ nhận được hiệu quả kinh tế của KCN Thụy Vân. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, hàng nghìn người dân Thụy Vân đã, đang phải gồng mình chống đỡ với môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe người dân…

Bà Lộc cho PV quan sát nguồn nước đen kịt, hôi thối tại cánh đồng Con Gái, xóm Nội.

Người dân ăn, uống, tắm rửa nước ô nhiễm, hít thở không khí ô nhiễm thì làm sao mà tránh được bệnh tật?

Ô nhiễm nghiêm trọng
Phần lớn D.A đầu tư vào KCN Thụy Vân là các ngành: Cơ khí, sản xuất bao bì, chế biến nông sản thực phẩm, dệt may, sản xuất nhựa, giấy, sợi và vật liệu xây dựng. Trước khi đi vào hoạt động, các nhà đầu tư đều xây dựng đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đạt quy chuẩn Việt Nam 24:20009/BTNMT cột B và đã được cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ kiểm tra phê duyệt.

Trên thực tế, khi đi vào sản xuất, một số doanh nghiệp (DN) đã không thực hiện đầy đủ, đúng nội dung cam kết. Tệ hại hơn là có những DN không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, như: Xưởng giặt, tẩy của Cty SeshinViệt Nam; Nhà máy Sản xuất bia (Cty Cổ phần Bia rượu Hùng Vương). Còn những DN sản xuất quy mô lớn, phát sinh lượng nước thải lớn thì đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ, hoặc chỉ xây dựng nhằm… đối phó với cơ quan chức năng và chỉ vận hành khi có đoàn kiểm tra. Vì vậy, chất lượng nước thải sau xử lý đưa ra hồ chứa không đạt tiêu chuẩn quy định. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng tại KCN và vùng nông thôn lân cận.

PV Báo Thanh tra đã nhiều lần có mặt tại hồ chứa nước thải KCN Thụy Vân và tận mắt chứng kiến môi trường nước trong hồ. Thật rùng rợn khi nhìn màu nước đen nhầy nhụa, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ai đi qua khu hồ nước đều phải bịt khẩu trang. Hôm lặng gió, mùi hôi thối quẩn lại, bao phủ lên KCN và các khu dân cư xung quanh. Ngày lộng gió, mùi hôi thối "tỏa" vào khắp các ngõ, xóm của xã Thụy Vân. Chị Nguyễn Thị Chúc, dân xóm Nội, mở quán bán hàng giải khát ở xóm Phú Thịnh bức xúc: "Hôm nào trời đang nắng mà mưa thì cả xã Thụy Vân này phải hứng chịu một bầu không khí nồng nặc hôi thối từ hồ chứa nước thải KCN bốc lên, không thể chịu nổi. Tôi phải bỏ nhà dưới xóm Nội lên đây ở mà vẫn không thoát được". Còn ông Nguyễn Văn Thành, 65 tuổi, người xóm Phú Thịnh bày tỏ: "Mấy chục nhà máy đổ nước thải vào một cái hồ, hơn 10 năm nay, nước đã đóng váng đen nhầy nhụa, cứ mưa là nước tràn bờ đổ xuống cánh đồng xóm Phú Thịnh, xóm Nội. Mấy năm nay, người dân gửi đơn kiến nghị từ xã lên tỉnh mà chẳng thấy chuyển biến, thậm chí ô nhiễm còn nặng hơn. Không chỉ riêng con người mà con cua, con cá trong ao, cây lúa trên ruộng cũng… không sống được".                                           

Biết PV Báo Thanh tra đi thực tế tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thụy Vân, bà Nguyễn Thị Lộc, xóm Nội bỏ việc nhà đưa PV ra khu đồng Con Gái. Cánh đồng này nằm ở hạ lưu hồ chứa nước thải KCN Thụy Vân. Trước khi đi, bà Lộc vào nhà lấy cho mỗi người một chiếc khẩu trang, rồi nói: "Bịt mũi, bịt miệng lại, ra đấy các chú không quen không chịu nổi mùi hôi thối đâu".

Buổi chiều, cánh đồng vắng lặng. Đứng trên đường, chỉ tay xuống ruộng lúa, bà Lộc nói: "Vụ này, người dân xóm Nội, xóm Phú Thịnh đã cấy lần 2 rồi mà lúa không sống nổi. Nhà nông chẳng lẽ lại bỏ ruộng. Người dân xuống ruộng cấy lúa mà trang bị bảo hộ lao động, chống độc còn hơn cả thợ lò vào hầm than, như: Khẩu trang, ủng, găng tay nhựa, khăn bịt mặt. Nước dưới ruộng độc hơn nước trong hố ga. Người thật khỏe mới dám xuống đồng cấy lúa. Bà con cấy được hạt lúa nào cũng để chăn nuôi thôi chứ không dám ăn vì cơm có mùi hôi lắm".

Theo chị Nguyễn Thị Ngư, xóm Mỹ Hóa: "Nước, đất bẩn ngoài ruộng còn nhìn thấy mà tránh, mà phòng. Không khí trên trời thì tránh thế nào, ai mà không phải hít thở, chẳng nhẽ lúc ăn cơm, đi ngủ cũng đeo khẩu trang. Người lớn đã vậy, con trẻ thì khổ lắm, sống trong không khí ô nhiễm độc hại thế này rồi cũng phát bệnh sớm".

Để chứng minh cho điều mình nói, chị Ngư, bà Lộc cầm cái que tre bước xuống ruộng khua khua vào mặt nước. Cái que đen kịt, váng nước vỡ ra mùi hôi thối bốc lên ngạt thở. "Đấy các chú thấy nhé. Cây lúa, hạt thóc sống trên đất, nước như thế thì làm sao mà tránh khỏi ô nhiễm”, bà Lộc bức xúc. Chị Ngư cho biết, nhà chị có 5 sào ruộng trên cánh đồng Gò, nhưng chỉ cấy được 2 sào, bỏ 3 sào vì lúa không sống được. Trong xóm, có nhà bỏ cả mẫu ruộng không cấy vì nước, đất ô nhiễm. PV hỏi: “Người dân bị thiệt hại như thế, KCN có bồi thường không”? Chị Ngư nói: "Có bồi thường, nhưng vụ được vụ không. Mức bồi thường không đáng bao nhiêu so với cái mất của người dân. Người dân đầu tư mấy chục triệu đồng đào ao, nay bỏ không, nước ao tràn bờ mà không ai dám nhúng chân, nhúng tay xuống. Hộ ông Tường, xóm Nội mấy năm trước có thả cá, nhưng khi bán thì không ai mua, nấu làm thức ăn cho lợn, con lợn cũng không ăn".

Bệnh ung thư đang "tấn công" Thụy Vân
Một thực trạng báo động cho sức khỏe người dân các xóm: Nội, Ngoại, Phú Thịnh, Phú Hậu của xã Thụy Vân đó là căn bệnh ung thư. Mấy năm gần đây, đặc biệt là trong 2 năm 2009 - 2010, ở Thụy Vân đã có trên 10 người chết vì căn bệnh này. Phần lớn người chết đều ở lứa tuổi từ 30 - 40.

Ông Đinh Văn Hùng, xóm Nội cho biết: “Năm 2010, xóm Nội đã có 6 người chết vì bệnh ung thư, đều ngoài 30 tuổi”. Em trai ông Hùng là Đinh Văn Sinh, 37 tuổi cũng bị bệnh ung thư. Gia đình đưa đi viện nhưng căn bệnh đã ở giai đoạn cuối nên anh Sinh đã chết trước Tết Tân Mão 2011, bỏ lại 2 đứa con nhỏ cho vợ.

Đưa PV ra giếng nước trước sân nhà, ông Hùng cho biết, khi chưa có KCN, nước giếng trong, mát, sạch. Nhưng đã gần 10 năm nay, nước giếng của mấy chục hộ xóm Nội đều bị ô nhiễm nặng. Người dân ăn, uống, tắm rửa nước ô nhiễm, hít thở không khí ô nhiễm thì làm sao mà tránh được bệnh tật. Dân kêu nhiều nên năm 2008, công trình nước sạch mới được xây dựng. Người dân thoát được cảnh ăn uống, dùng nước bẩn, nhưng còn không khí thì không biết đến bao giờ mới… sạch. "Đời con, đời cháu của người dân Thụy Vân sẽ phải chịu đựng môi trường ô nhiễm, độc hại đến bao giờ", ông Hùng băn khoăn.

Bà Nguyễn Thị Lộc cho biết, cách đây 3 năm (2008), KCN Thụy Vân đã làm thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng hệ thống đường ống đưa nước thải từ hồ chứa ra ngoài khu cánh đồng xóm Nội, Phú Thịnh, Phú Hậu. Dân Thụy Vân thấy vơi đi nỗi lo ô nhiễm mà bao năm phải chịu đựng. Nhưng, ống cống đưa về xếp trải dài trên cánh đồng xóm Nội đã 3 năm nay vẫn "nằm" đấy.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ cần phải có biện pháp kiên quyết, cứng rắn xử lý nghiêm những DN không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung cam kết bảo vệ môi trường tại KCN Thụy Vân để trả lại không khí trong lành, coi trọng sức khỏe của người dân Thụy Vân.

Hồng Bài

               

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm