Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Một số nguyên tắc trong quản lý đối với hoạt động tôn giáo

TS Ngô Quốc Đông (Viện Nghiên cứu Tôn giáo)

Thứ năm, 03/11/2022 - 22:21

(Thanh tra) - Hiến pháp và các quy định về pháp luật đối với tôn giáo ở Việt Nam đều ghi rõ: Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Bình đẳng là nguyên tắc ứng xử của xã hội tiến bộ.

Nhà thờ Phú Nhai, Nam Định. Ảnh: https://toplist.vn/

Đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân

Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của con người đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người.

Tín ngưỡng là hoạt động thể hiện sự tôn thờ tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng, thờ cúng thần thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

Có điều, mức độ của niềm tin, sự tôn thờ ấy ở mỗi con người, mỗi cộng đồng người mỗi giai đoạn lịch sử là khác nhau. Niềm tin tôn giáo khó áp đặt cũng không dễ tước đoạt, nó tồn tại như nhu cầu khách quan của đời sống hiện thực. Vì vậy tự do tín ngưỡng cũng có nghĩa là con người được tự nguvện hướng tới một lực lượng siêu nhiên, đồng thời cũng có quyền khước từ hoặc loại bỏ niềm tin đã có. Tự do tín ngưỡng cũng có nghĩa là không chấp nhận sự độc tôn các tham vọng thôn tính của tôn giáo này đối với tôn giáo khác, càng không thể áp đặt hoặc gạt bỏ niềm tin thông qua quyền lực chính trị.

Tuy nhiên, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là vô giới hạn, vì quyền của người này, cộng đồng này khi vượt qua giới hạn nào đó có thể vi phạm vào quyền chính đáng của những người khác.

Tự do theo nghĩa chân chính của nó là tự do của người này, cộng đồng này không vi phạm đến tự do của người khác và cộng đồng khác. Chính vì những lý do trên Nhà nước có trách nhiệm quản lý và điều chỉnh các hoạt động của cá nhân và tổ chức tôn giáo sao cho những hoạt động ấy diễn ra trong khuôn khổ của pháp luật, không ảnh hưởng đến xã hội.

Thực hiện bình đẳng tôn giáo trước pháp luật

Với một đất nước nhiều loại hình, tổ chức tôn giáo, có tôn giáo truyền vào từ rất sớm như Phật giáo (trên dưới 2.000 năm), Hồi giáo (gần 600 năm), Công giáo (gần 500 năm), có tôn giáo mới truyền vào như Tin lành (hơn 100 năm), Baha’i (hơn 60 năm), hoặc là mới ra đời ở Việt Nam như Cao đài (gần 100 năm), Phật giáo Hòa Hảo (hơn 73 năm)... Có tôn giáo chỉ có một tổ chức như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo... Có tôn giáo lại có nhiều tổ chức tồn tại độc lập như Cao đài có hơn 10 hệ phái, Tin lành có đến vài chục hệ phái... Có tôn giáo truyền vào sớm góp phần tạo ra văn hóa, đạo đức lối sống, tâm lý của người Việt Nam, góp phần gìn giữ và bảo vệ độc lập dân tộc “hộ quốc an dân” như Phật giáo. Cũng có tôn giáo truyền vào tạo ra những khác biệt, thậm chí xung đột về văn hóa, lại có sự lợi dụng của các thế lực xâm lược để lại những khoảng cách với dân tộc, những vấn đề trong mối quan hệ với chính quyền, như Công giáo, Tin lành...

Trước thực trạng tôn giáo như nói trên, việc ứng xử đặc biệt chú ý đến bình đẳng tôn giáo, tránh việc quan tâm đến tôn giáo này, hệ phái này, không quan tâm đến các tôn giáo khác, hệ phái khác.

Không được ứng xử với các tôn giáo theo hướng “duy tình”, lấy tình cảm là chính, mà phải căn cứ trên nền tảng pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

Chúng ta cần lưu ý, trong Hiến pháp và các quy định về pháp luật đối với tôn giáo ở Việt Nam đều ghi rõ: Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Bình đẳng là nguyên tắc ứng xử của xã hội tiến bộ.

Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, không phân biệt nghĩa vụ và quyền lợi của công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, công dân theo tôn giáo và không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng mọi quyền lợi công dân, đồng thời có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân. Đây là nguyên tắc đồng thời cũng là nội dung quan trọng của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Quan tâm chức sắc tôn giáo

Ở Việt Nam có lực lượng chưc sắc nhà tu hành đông đảo. Hầu hết các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo ở Việt Nam là người có tri thức, được đào tạo chức sắc rất căn bản. Chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo là những người hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ. Ở những mức độ khác nhau, chức sắc các tôn giáo có thần quyền. Do đó chức sắc các tôn giáo có uy tín và ảnh hưởng rất quan trọng đối với tín đồ, không chỉ trong đời sống tinh thần mà ngay cả trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội. Số đông chức sắc các tôn giáo đã vượt qua sự khác nhau giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội là sự khác nhau giữa hữu thần và vô thần, để tìm đến sự tương đồng là tinh thần dân tộc và chủ nghĩa nhân văn. Chính lực lượng chức sắc này đã góp phần quan trọng đưa các hoạt động tôn giáo theo đường hướng tiến bộ, gắn bó với dân tộc, đất nước. Tuy nhiên cũng có một bộ phận chức sắc không vượt qua sự dị biệt này nên họ có thái độ thành kiến, thậm chí có người còn đố kỵ với cách mạng.

Bên cạnh đội ngũ chức sắc, nhà tu hành như nói trên, ở nước ta còn có đội ngũ các chức việc rất đông đảo. Họ là những người do tín đồ bầu ra ở cơ sở. Họ là người hoạt động tôn giáo bán chuyên nghiệp. Họ giúp cho các hoạt động của chức sắc, nhà tu hành ở cơ sở trong việc quản lý và hướng dẫn tín đồ.

Chức sắc, nhà tu hành, chức việc là lực lượng quan trọng trong mối quan hệ giữa giáo hội với Nhà nước và là đầu mối trong quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo. Đồng thời do vị trí ảnh hưởng của các chức sắc, nhà tu hành đối với tín đồ và xã hội nên trong công tác tôn giáo nói chung, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo nói riêng, việc quan tâm tới chức sắc, nhà tu hành rất quan trọng và cần thiết.

Bám sát thực tiễn các tôn giáo để hướng dẫn quản lý cho tốt

Quản lý hoạt động tôn giáo là một loại hình quản lý đặc thù có nhiều điểm khác so với công tác quản lý đối với các lĩnh vực khác. Nếu không thấy tính đặc thù của quản lý hoạt động tôn giáo mà quản lý theo lối hành chính thông thường, hoặc “tăng cường” theo hướng tất cả các hoạt động tôn giáo đều qua sự chấp thuận của chính quyền sẽ dẫn đến quan hệ tôn giáo với Nhà nước “bằng mặt chứ chưa bằng lòng”.

Trong quản lý hoạt động tôn giáo phải cùng với sự hướng dẫn các hoạt động của các tôn giáo, coi việc hướng dẫn là nội dung quản lý. Đồng thời, chú ý khai thác tính tự quản của các tổ chức tôn giáo vì các tôn giáo đều hoạt động theo giáo luật hoặc hiến chương điều lệ đã đăng ký với chính quyền. Do đó, các tổ chức tôn giáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hoạt động tôn giáo của mình.

Công tác quản lý tôn giáo phải chú trọng việc đối thoại, lắng nghe trên tinh thần tôn trọng sự thật, chân thành và thẳng thắn để tạo sự đồng thuận. Làm được điều đó sẽ tránh được những hệ quả phiền phức bởi nếu việc áp dụng pháp luật, xử lý tình huống có liên quan đến tôn giáo không tốt có thể đẩy những vụ việc tôn giáo đơn giản thành phức tạp, tạo thành những điểm nóng tôn giáo và xung đột xã hội.

Thống nhất giữa sinh hoạt tôn giáo và bảo tồn giá trị văn hóa

Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bao giờ cũng thể hiện qua sinh hoạt vật chất của con người. Tín ngưỡng, lòng tin tôn giáo được vật chất hóa trong đời sông xã hội thể hiện qua kinh sách, luật lệ, lễ nghi... Các cơ sở thờ tự của tôn giáo thường là nơi thờ phụng của tín đồ các tôn giáo, đồng thời cũng là nơi giữ gìn văn hóa vật thể và phi vật thể. Những công trình kiến trúc, những tác phẩm hội họa, điêu khắc, những bản nhạc, bài ca, y phục đến trang trí, bày biện... thực hiện các nghi thức tôn giáo đều thể hiện nét văn hóa đặc trưng của từng tôn giáo cụ thế. Vì vậy, sự tồn tại của tôn giáo cũng có nghĩa là sự bảo lưu văn hóa. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không thể không quan tâm đến sinh hoạt tín ngưỡng dân gian và tôn giáo truyền thống mà nhân dân ta lưu giữ qua nhiều đời nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị văn hóa đích thực không thiếu những hiện tượng phản văn hóa có trong tôn giáo, những hủ tục cũ lạc hậu, thương mại hóa trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo... Những hiện tượng ấy trà trộn, thấm thấu vào sinh hoạt tôn giáo làm biến tướng, không lành mạnh. Bởi vậy Nhà nước quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo làm sao vừa gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời loại bỏ dần những hiện tượng phi văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.

Hài hòa giữa các lợi ích, đảm bảo các hoạt động tôn giáo vì lợi chính đáng

Người có tín ngưỡng, tôn giáo và người không có tín ngưỡng, tôn giáo thường có những nhu cầu đòi hỏi trong đời sống xã hội. Đối với tín đồ các tôn giáo, nhu cầu tâm linh của họ được Nhà nước tôn trọng và tạo mọi điều kiện để họ đáp ứng nhu cầu ấy. Nhưng ở vào một thời điểm nào đó đứng trước nhiều nhu cầu thì ở đây đòi hỏi tín đồ phải giải quyết hài hòa, thỏa đáng giữa ích cá nhân, lợi ích tập thế với lợi ích chung của xã hội.

Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của Tổ quốc và của Nhân dân được khuyến khích. Mọi hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, lợi đụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, phá hoại sự nghiệp đoàn kết toàn dân, làm phương hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc và hoạt động mê tín dị đoan đều bị lên án và xử lý vi phạm theo pháp luật quy định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024
Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...

Văn Thanh

12:44 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm