Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ 3: “Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm”

Thứ ba, 21/05/2013 - 14:57

Ông Nguyễn Văn Thanh, giám đốc Ban quản lý dự án điện mặt trời, khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-5 trước khi loạt bài về dự án điện mặt trời tại 70 xã miền núi đặc biệt khó khăn được đăng tải.

Ông Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: Minh Quang

>> Kỳ 1: Lật tẩy một bản báo cáo đẹp
>> Kỳ 2: Làm xong, bỏ đó

Ông Thanh cho hay:

- Dự án “Ứng dụng điện năng lượng mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc VN” được hình thành từ khoảng năm 2000, khi đó hoàn toàn là ý tưởng và được các bộ ngành ủng hộ, dự kiến đầu tư điện cho các xã nằm ngoài quy hoạch điện lưới quốc gia.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm việc với nước ngoài, xây dựng báo cáo, thẩm định quốc tế... thì đến năm 2009 mới được triển khai và bắt đầu đầu tư đến các địa phương.

* Theo lãnh đạo xã Háng Đồng và huyện Bắc Yên (Sơn La), từ khi chuyển thiết bị lên đến nay không có ai đến lắp đặt, ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?

- Trong 70 xã của toàn bộ dự án, đây là xã khổ nhất, khó nhất, chúng tôi không tiếc công sức để chỉ đạo nhà thầu làm một cách có trách nhiệm. Trong báo cáo gửi lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, tôi cũng nêu nguyên nhân chậm trễ ở Háng Đồng, đó là đường vào xã này bị tắc, sáu tháng liền mới thông được đường.

Còn về việc lắp đặt, đúng là do nhà thầu chậm trễ trong thi công nên chúng tôi phải thuê một người hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt. Đó là ông Vũ Xuân Hùng - phó trưởng Phòng giáo dục huyện Bắc Yên. Về đơn vị thi công, tại Cao Bằng và Sơn La là Công ty cổ phần Cơ giới và hạ tầng (thuộc Tổng công ty Sông Hồng).

Thú thật là chúng tôi cực khổ với nhà thầu thi công công trình ở xã Háng Đồng. Trong cả bảy nhà thầu thi công thì cơ bản đến tháng 7/2011, sáu nhà thầu kia thi công xong tại các xã theo hợp đồng.

Tại thời điểm đó, nhà thầu Công ty cổ phần Cơ giới và hạ tầng mới chỉ thi công hoàn thành được 8/12 xã, có hai xã đang thi công và hai xã là Sơn Lập (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) và Háng Đồng là chưa thi công.

Đến nay, việc lắp đặt tại xã Sơn Lập đã xong. Về việc không đảm bảo tiến độ của nhà thầu, ban quản lý dự án sử dụng hết tất cả các biện pháp từ đôn đốc, hội họp đến lập biên bản, thậm chí đề xuất đưa ra ý kiến hủy hợp đồng nhưng đều không hiệu quả bao nhiêu.

* Thưa ông, chính xác thì dự án này đến nay đã được nghiệm thu chưa và tổng chi phí được xác định là bao nhiêu?

- Đến nay dự án đã được nghiệm thu hết nhưng chưa thanh quyết toán. Tổng dự toán của dự án là 184 tỉ đồng, toàn bộ vốn vay là 5.485.000 euro và vốn đối ứng của VN. Tuy nhiên, con số chi phí chính xác phải chờ khi quyết toán xong dự án.

Ông Lê Đại Nghĩa (điều phối chương trình, Đại sứ quán Phần Lan):

“Chúng tôi sẽ đi thực địa một số dự án”

Chúng tôi đã có lịch công tác rồi, sẽ sớm thu xếp để có thể đi thực địa, tìm hiểu trực tiếp một số địa bàn liên quan đến dự án. Chúng tôi đã yêu cầu Ủy ban Dân tộc nộp báo cáo rà soát và họ cho biết sẽ cho dịch sang tiếng Anh và chuyển cho đại sứ quán.

Hiện nay dự án mới nghiệm thu các công trình cụ thể chứ chưa nghiệm thu toàn bộ. Về giải ngân hết hay chưa thì chúng tôi không có thông tin vì đây là khoản vay giữa Bộ Tài chính VN và Ngân hàng Nordea. Chính phủ Phần Lan chỉ đứng ra bảo lãnh chứ không có một đồng ngân sách nào cho dự án này.

H.GIANG

* Ông luôn khẳng định dự án đã hoàn tất tại 70 xã hưởng thụ dự án, nhưng hai ngày trước đây (ngày 11/5), chúng tôi có mặt tại xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) thì phát hiện các thiết bị của dự án vẫn nằm trong kho. Ông lý giải gì về vấn đề này?

- (Ngồi lặng đi một lát)... Cái này thì tôi chưa liên lạc được với anh Ngọc, cán bộ của tôi đang ở Sơn La. Thời điểm bàn giao tại hai xã Tân Xuân, Chiềng Xuân thì cán bộ của tôi nói tại Chiềng Nơi chưa được thi công hoàn chỉnh, lắp đặt rồi nhưng còn lỗi kỹ thuật nên chưa bàn giao được. Chúng tôi sẽ có thông tin khi cán bộ này về.

* Lãnh đạo xã Chiềng Nơi cho biết khi đơn vị vận chuyển bàn giao thiết bị xong thì không có ai đến lắp đặt, họ nhiều lần kiến nghị nhưng không được hồi âm?

- Về công văn kiến nghị, chúng tôi sẽ rà soát lại. Tại xã Chiềng Nơi, chúng tôi chỉ biết là thi công chậm, cũng đốc thúc rất nhiều. Trong đó có chuyện đi lại khó khăn nên chậm.

* Đường đi khó nhưng thiết bị vẫn chuyển vào được, tại sao cán bộ lắp đặt không vào được?

- Khi không thể liên lạc được với nhà thầu, ban quản lý đã cử cán bộ cùng những người có kinh nghiệm lắp đặt lên để làm thay công việc cho nhà thầu. Theo cán bộ của ban thông báo, thiết bị đã được chuyển đến các bản và dự kiến sẽ hoàn thành việc lắp đặt tại xã Chiềng Nơi trước ngày 25/5.

* Theo ông, việc thiết bị để hàng năm trời mà không được lắp đặt là trách nhiệm của ai?

- Nếu đúng theo logic thì khi ký hợp đồng kinh tế với nhà thầu, đây là trách nhiệm của nhà thầu. Hợp đồng đã nói rõ về chất lượng - tiến độ thi công. Đứng trên góc độ trách nhiệm thì ban quản lý dự án đã làm hết trách nhiệm, đã làm cả việc của nhà thầu thi công.

Ban quản lý dự án có một phần trách nhiệm

Ban quản lý dự án có trách nhiệm một phần trong việc triển khai thực hiện, ông Sơn Minh Thắng - thứ trưởng, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trao đổi như vậy qua điện thoại với Tuổi Trẻ (ông Thắng đang đi công tác - PV) về tình trạng tiền tỉ phơi mưa nắng ở dự án “Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc VN”. Ông Thắng cho biết:

- Tôi đã làm việc với tham tán Đại sứ quán Phần Lan về vấn đề dự án điện mặt trời chưa được hoàn thành ở một số xã, đã có trao đổi cụ thể để phía bạn xem xét đầu tư cho giai đoạn tới, cũng như yêu cầu ban quản lý dự án báo cáo cụ thể về tình hình dự án. Phía Phần Lan cho biết sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc đi kiểm tra thực tế tại địa bàn để đánh giá xem giai đoạn 1 đầu tư như thế nào, có đúng mục tiêu hay không, sử dụng nguồn vốn có tốt hay không, có hiệu quả không. Họ cũng yêu cầu đi thực tế và có đề nghị ban quản lý dự án tạo điều kiện thuận lợi cho họ đi kiểm tra.

* Theo báo cáo của ban quản lý dự án, Háng Đồng là xã cuối cùng được lắp đặt điện mặt trời trong dự án này nhưng thực tế không phải như vậy. Ông có nắm được thông tin này không?

- Báo cáo đã hoàn thiện tại 70/70 xã là không phải, mà thực tế còn hai xã là Háng Đồng và Chiềng Nơi như tôi đã thông tin. Chỗ Chiềng Nơi thì chưa rõ cụ thể thế nào mà phải chờ báo cáo.

* Theo ông, tại sao có sự chậm trễ trong việc lắp đặt thiết bị khiến người dân chưa được thụ hưởng những hiệu quả mà dự án sẽ mang lại?

- Theo như ban quản lý dự án báo cáo lên thì giai đoạn 1 có bảy nhà thầu, trong đó nhà thầu số 5 là Công ty cổ phần Cơ giới và hạ tầng (thuộc Tổng công ty Sông Hồng) triển khai quá chậm. Ban quản lý dự án đã thúc giục nhiều lần, có nhiều văn bản và các cuộc làm việc yêu cầu triển khai nhanh hơn.

Tuy nhiên, có một số vấn đề khó khăn về cả chủ quan và khách quan. Chủ quan là năng lực nhà thầu này vừa yếu về nguồn tài chính, vừa kém về kỹ thuật. Khách quan thì nhà thầu này thi công tại hai tỉnh Sơn La và Cao Bằng, đều là những địa bàn vùng sâu vùng xa, khó khăn về đi lại, một số xã không có đường ôtô đi đến xã nên vận chuyển thiết bị rất khó.

Như tại Háng Đồng, tôi có nghe anh em báo cáo bị lở núi phải đến sáu tháng mới thông được đường. Ngoài ra, tại Háng Đồng xã bàn giao mặt bằng chậm cũng là một nguyên nhân.

* Với tư cách là chủ đầu tư dự án, Ủy ban Dân tộc thấy có vấn đề gì khi để thiết bị dự án cất giữ hai - ba năm không lắp đặt, dẫn đến việc người dân không được hưởng lợi từ dự án? Ở đây có trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân nào?

- Tôi đã yêu cầu ban quản lý dự án phải xem xét trách nhiệm thuộc về ai, nhà thầu hay địa phương, hay ban quản lý... Tất nhiên, ban quản lý dự án có một phần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, triển khai dự án. Tại sao các nhà thầu khác làm tốt mà nhà thầu này làm chưa tốt, tại sao không cắt nhà thầu này?

Cho đến nay chưa có báo cáo cụ thể thế nào nên chúng tôi chưa đặt vấn đề kiểm điểm. Nhưng trước mắt đã yêu cầu phải có biện pháp giải quyết tình trạng này. Sau khi có báo cáo cụ thể, sẽ xem xét trách nhiệm thuộc về ai để kiểm điểm và có biện pháp xử lý.


(Tuổi trẻ)

(còn nữa)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm