Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hơn 50% dân số của 12 tỉnh sống trong nghèo đói về mọi mặt

Thứ bảy, 03/12/2011 - 10:39

(Thanh tra) - Từ quan điểm phát triển con người, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo, khi bất bình đẳng kinh tế đi kèm với chênh lệch dai dẳng về các kết quả giáo dục và y tế chính có thể làm trầm trọng thêm những chênh lệch hiện có. Điều này gây cản trở đến tiến trình đi lên mức phát triển con người cao hơn.

Đời sống tinh thần của người Việt Nam ngày càng được nâng lên

Báo cáo Phát triển con người quốc gia phân tích mối quan hệ giữa phát triển con người và cung cấp dịch vụ xã hội. Báo cáo tập trung vào các dịch vụ y tế và giáo dục do tầm quan trọng của 2 loại hình dịch vụ này để đạt được mức độ cao hơn về phát triển con người. Báo cáo sử dụng 3 chỉ số phát triển con người chính bao gồm: Chỉ số Phát triển con người (HDI), Chỉ số Phát triển giới (GDI) và Chỉ số Nghèo đói ở con người (HPI). Ngoài ra, còn sử dụng phương pháp đo lường nghèo đói và thiếu hụt phi tiền tệ là Chỉ số Nghèo đói đa chiều (MPI) để xem xét những thay đổi về khía cạnh thu nhập, tuổi thọ, giáo dục và mức sống trong phát triển con người ở cấp địa phương.

Báo cáo Phát triển con người toàn cầu đầu tiên được đưa ra vào năm 1990. Báo cáo này kêu gọi một sự thay đổi cách thức đo lường tiến bộ phát triển và lập luận rằng, con người cần được xem là trung tâm. Báo cáo cũng định nghĩa rằng, phát triển con người là một quá trình mở rộng quyền tự do, sự lựa chọn và khả năng của người dân. Đồng thời, báo cáo đã xây dựng HDI.

HDI đo lường 3 phương diện cơ bản của phát triển con người: Một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh, được tiếp cận với giáo dục, kiến thức và điều kiện sống đầy đủ. Chỉ số này là một thước đo thành quả phát triển thay thế cho những công cụ đánh giá tiến bộ mang tính kinh tế thuần túy như tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm nay cho thấy, giá trị HDI của Việt Nam năm 2011 tương tự như năm 2010. Việt Nam đứng trong nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 128/187 nước được khảo sát.

HDI của Việt Nam đã tăng 11,8% trong giai đoạn 1999 - 2008. Đáng chú ý, tăng trưởng về thu nhập đóng góp hơn một nửa (55,7%) trong mức tăng này trong khi những cải thiện về tuổi thọ và giáo dục chỉ góp phần tương ứng là 31,8% và 12,6%.

Thành công về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được thể hiện ở thứ tự xếp hạng HDI ở mức khá cao. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, tăng trưởng về thu nhập có đóng góp quan trọng hơn so với khía cạnh giáo dục và/hoặc tuổi thọ trong tiến bộ về HDI. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp nhờ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Trong khi đó, tiến bộ về phát triển xã hội, trong đó có y tế và giáo dục, đóng góp ít hơn vào sự thay đổi của HDI ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

Từ năm 1992 - 1999, thành tựu về tuổi thọ đóng góp lớn nhất cho tiến bộ về HDI, nhưng trong giai đoạn 1999 - 2008, tiến bộ về HDI chủ yếu do khía cạnh thu nhập mang lại. Mặc dù tuổi thọ ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng trong giai đoạn 1999 - 2008 đã chậm lại.

Tăng trưởng về chỉ số giáo dục của Việt Nam dường như cũng chậm lại trong thập kỷ qua, đặc biệt trong giai đoạn 2004 - 2008. Đây là điều cần quan tâm do tầm quan trọng của giáo dục trong phát triển con người và do giáo dục đã được khẳng định là một trong những ưu tiên phát triển trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu Báo cáo Phát triển con người của Việt Nam năm 2011 diễn ra mới đây tại Hà Nội với chủ đề “Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người”, bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc UNDP tại Việt Nam nêu rõ: Trong 20 năm qua, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng thêm 37%. Những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong từng chỉ số thành phần của HDI (tuổi thọ, giáo dục và tăng trưởng kinh tế) cho thấy tiến bộ chung về phát triển con người chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế.

Từ năm 1990 - 2011, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng đáng kinh ngạc với mức 228%. Do đó, chính tăng trưởng thu nhập đã góp phần lớn nhất cho tiến bộ đạt được về HDI.

Mặt khác, những tiến bộ về phát triển xã hội, bao gồm cả y tế và giáo dục, diễn ra chậm hơn và đóng góp ít hơn cho HDI của Việt Nam. So với các nước có mức phát triển con người trung bình khác, HDI năm 2011 của Việt Nam ở dưới mức trung bình, đồng thời cũng ở dưới mức trung bình của các nước Đông Á và Thái Bình Dương.

Báo cáo Phát triển con người của Việt Nam năm 2011 cho thấy, phần lớn chi tiêu cho y tế và giáo dục là từ các hộ gia đình. Mức chi tiêu này cao hơn rất nhiều so với mức 30% được coi là tối ưu để đảm bảo công bằng xã hội và tiếp tục phát triển con người. Trong lĩnh vực y tế, chi tiêu hộ gia đình chiếm 56% tổng chi tiêu. Điều này gây tác động rất lớn đối với các hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương - 8,1% số hộ gia đình dành hơn 20% tổng chi tiêu cho y tế trong năm 2008 và 3,7% số hộ bị quay trở lại tình trạng nghèo đói do phải chi quá nhiều cho chăm sóc sức khỏe.

Tất nhiên, HDI là một thước đo trung bình của các thành tựu cơ bản về phát triển con người. Giống như tất cả các con số trung bình, HDI che giấu sự bất bình đẳng trong phân phối thành tựu phát triển con người trên toàn bộ dân số. Để giải quyết vấn đề này, Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2010 đã đưa ra HDI điều chỉnh theo bất bình đẳng, trong đó tính đến bất bình đẳng trên cả 3 phương diện của HDI.

Như vậy, “HDI có thể được coi là chỉ số đo mức độ phát triển con người “tiềm năng”. Còn HDI điều chỉnh theo bất bình đẳng là chỉ số đo mức độ phát triển con người thực tế. Khi HDI của Việt Nam được điều chỉnh theo bất bình đẳng, chỉ số này giảm đi 14%. Nói cách khác, do bất bình đẳng mà Việt Nam đã không thể hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng phát triển con người của mình”, Giám đốc UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.

Giống như ở nhiều nước thu nhập trung bình khác, bất bình đẳng đang bắt đầu tăng lên ở Việt Nam. Theo UNDP, chênh lệch lớn giữa các vùng, các tỉnh, giữa nhóm dân tộc thiểu số với người Kinh/Hoa và giữa các hộ giàu và nghèo biểu hiện rất rõ trong HDI và các chỉ số liên quan. Những chênh lệch này không chỉ tiếp tục mà còn gia tăng trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ các chỉ tiêu giáo dục trong HDI; tiếp cận nước sạch và vệ sinh trong HPI. Mặc dù các tỉnh nghèo hơn đã đạt được một số tiến bộ về HDI, khoảng cách giữa các tỉnh nghèo và các tỉnh giàu vẫn còn rất lớn. Đồng thời, tiến bộ về HDI ở một số tỉnh giàu hơn có xu hướng tăng chậm lại do tiến bộ chậm về chỉ số giáo dục, cụ thể là tỷ lệ nhập học chung.

Liên quan tới GDI, trong khi khoảng cách về giới nói chung đã và đang dần được thu hẹp, một số tỉnh nghèo hơn lại có sự chênh lệch về giới trong giáo dục tăng lên. Trong khi đó, một số tỉnh phát triển năng động lại có khoảng cách chênh lệch thu nhập gia tăng giữa nam và nữ.

Tiến bộ trong HPI là rất rõ, song chênh lệch vẫn còn tồn tại. Trong đó, một số tỉnh có tỷ lệ thiếu hụt rất cao chủ yếu do không được tiếp cận với nước sạch.

MPI được đưa ra trong báo cáo này cho thấy, mức độ thiếu hụt rất cao về phương diện phi tiền tệ ở các tỉnh và các khu vực nghèo hơn của Việt Nam. Theo thước đo này, số người nghèo đa chiều ở Việt Nam nhiều hơn hẳn số người nghèo về thu nhập. Năm 2008, tỷ lệ nghèo về thu nhập là 14,5% trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều là 23,3%. Những thiếu thốn lớn nhất của người dân là thiếu nhà kiên cố, khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh. Giữa các tỉnh cũng có sự chênh lệch đáng kể. Tỷ lệ nghèo đa chiều rất cao ở các tỉnh nghèo nhất Việt Nam: 82,3% ở Lai Châu và 75% ở Điện Biên. Hơn 50% dân số của 12 tỉnh sống trong nghèo đói về mọi mặt.

Chênh lệch trong các kết quả y tế và giáo dục vừa là dấu hiệu vừa là nhân tố tiềm tàng dẫn tới bất bình đẳng kinh tế. Trong 1 thập kỷ qua, bất bình đẳng về thu nhập đang gia tăng ở cả cấp quốc gia và giữa các vùng ở Việt Nam. Điều này đặc biệt rõ ở những vùng có tỷ lệ nghèo thấp nhưng có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn. Ở cấp tỉnh, bức tranh rất không đồng đều vì tỷ lệ nghèo thấp hơn không tương quan chặt với bất bình đẳng thu nhập cao hơn.

Từ quan điểm phát triển con người, UNDP cảnh báo không nên xem nhẹ bất bình đẳng kinh tế gia tăng hay coi đó là ảnh hưởng bình thường của tăng trưởng kinh tế nhanh. Trong trường hợp của Việt Nam, khi bất bình đẳng kinh tế đi kèm với chênh lệch dai dẳng về các kết quả giáo dục và y tế chính thì bất bình đẳng kinh tế có thể làm trầm trọng thêm những chênh lệch hiện có. Điều này có thể gây cản trở đến tiến trình đi lên mức phát triển con người cao hơn.

Ngoài 3 phương diện của phát triển con người vừa đề cập, “môi trường suy thoái, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thách thức biến đổi khí hậu đều đang đe dọa những tiến bộ và thành quả phát triển mà Việt Nam đạt được trong những năm qua. HDI của Việt Nam sẽ còn giảm đi nữa nếu như chỉ số này được điều chỉnh theo mức độ bền vững về môi trường và tăng trưởng xanh”, bà Setsuko Yamazaki lưu ý.

Hạnh Lê - Bích Lan

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm