Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Học phí tăng, cửa vào đại học khó trăm bề

Lê Phương

Thứ ba, 03/09/2024 - 17:25

(Thanh tra) - Đến thời điểm này, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm học 2024 - 2025 đợt 1 có đến hơn 122 nghìn thí sinh không xác nhận nhập học (chiếm 18,3%). Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tăng học phí bởi nhiều người nói, mất 4 năm học ra trường vừa tốn tiền, mất thời gian lại khó xin việc, thu nhập không đáng là bao.

Số thí sinh xác nhận nhập học đại học đợt 1 năm học 2024 đến 17h ngày 27/8 là 551.479/673.586 thí sinh trúng tuyển trên hệ thống (đạt 81,87%). Ảnh: LP

Nhiều trường học phí tăng cao

Theo nghị định của Chính phủ, việc tăng học phí sẽ thực hiện từ năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, 3 năm học qua Chính phủ đã đề nghị các cơ sở giáo dục công lập không tăng, giữ ổn định mức học phí. Đến năm học 2024 - 2025, sau khi tính toán, Chính phủ quyết định cho các trường được tăng học phí để phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Mùa tuyển sinh ĐH năm 2024 - 2025, thí sinh trúng tuyển đã hoàn tất xác nhận nhập học trực tuyến và một số trường đã hoàn thành xác nhận nhập học trực tiếp đợt 1. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 năm học 2024 đến 17h ngày 27/8 là 551.479/673.586 thí sinh trúng tuyển trên hệ thống (đạt 81,87%).

Trước thời điểm thí sinh xác nhận nhập học, hàng loạt các trường đã công bố học phí của năm học 2024 - 2025, mức học phí tăng đến 20% so với các năm học trước đã khiến nhiều em học sinh và gia đình lo lắng và lựa chọn cho mình ngành học, trường học phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình, trong đó có nhiều em phải bỏ dang dở vì học phí quá cao, gia đình không thể đáp ứng.

Theo đó, từ năm học 2024 - 2025, học phí của ĐH Quốc gia Hà Nội từ 14 - 60 triệu đồng/năm; ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ hơn 14 - 80 triệu đồng/năm; ĐH Bách khoa Hà Nội từ 25 - 55 triệu đồng; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân từ 16 - 22 triệu đồng/năm; Trường ĐH Y Hà Nội từ 15 - 55,2 triệu đồng; Trường ĐH Luật Thành phố Hồ Chí Minh từ 32,5 - 181,5 triệu đồng/năm tùy chương trình; Học viện Ngân hàng có mức đóng học phí từ 14,1 - 37 triệu đồng. Với chương trình liên kết quốc tế, học phí dao động 340 - 380 triệu đồng cho cả khóa 4 năm, có thể cao hơn nếu sinh viên chọn học năm cuối ở trường liên kết; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông từ 27 - 55,5 triệu đồng/năm học; Trường ĐH Xây dựng Hà Nội từ 263.000 - 868.500 đồng/tín chỉ; ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội từ 15 - 37 triệu đồng/năm; Học viện Tài chính từ 25 triệu đồng/năm học, cao nhất 700 triệu đồng/khóa học…

Các chuyên gia đánh giá, cho dù học phí của ĐH công lập tăng song vẫn chưa đáp ứng được nguồn thu của nhà trường. Tuy nhiên, việc tăng học phí lại là áp lực của nhiều sinh viên và những em gia đình có hoàn cảnh khó khăn có lẽ sẽ phải từ bỏ giấc mơ vào ĐH.

Theo lộ trình mà Chính phủ đã phê duyệt, học phí ĐH sẽ tiếp tục được tăng đến năm học 2026 - 2027. Đó sẽ là một áp lực mà ngay từ bây giờ, những gia đình có con học phổ thông đã phải tính toán và chuẩn bị tài chính để theo học ở bậc cao hơn.

Gánh nặng học phí

Chị Lê Thị Ly (45 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, năm học 2024 - 2025 con gái chị vào lớp 12, hiện gia đình và con đang lựa chọn ngành, chọn trường cho con để phù hợp với năng lực và kinh tế của gia đình. “Trước giờ việc học của con, gia đình tôi không can thiệp. Tuy nhiên trước ngưỡng cửa quan trọng sắp tới gia đình buộc phải có những tư vấn, định hướng để việc học của con sắp tới được thuận lợi, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, nhất là lực học của con và tránh trường hợp đứt gánh giữa đường”, chị Ly chia sẻ.

Cửa vào đại học ngày càng khó đối với các em học sinh thuộc diện gia đình khó khăn. Ảnh: LP

Chị Ly cho biết, gia đìnhị có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chị là công nhân thu nhập thấp, chồng là lái xe tự do thu nhập cũng bấp bênh. Gia đình chị có 2 con đang tuổi ăn học, 1 cháu học năm cuối THPT và 1 cháu học bậc THCS, khi biết từ năm học 2024 - 2025 và các năm sau học phí sẽ không ngừng tăng, đã khiến gia đình khá lo lắng. Không biết hai vợ chồng sẽ xoay sở thế nào mới có thể cho con tiếp tục theo học.

Nguyễn Thủy Tiên, học sinh lớp 12, Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết, ngoài vấn đề chọn ngành theo sở thích, năng khiếu của bản thân thì học phí cũng là điều em cần phải cân nhắc khi lựa chọn ngành nghề học trong những năm sắp tới. "Việc học của em được bố mẹ rất quan tâm. Bố mẹ cũng chia sẻ với em nhiều cũng như có những tư vấn trong việc chọn ngành, trường. Mặc dù, bố mẹ cho em tự quyết ngành nghề lựa chọn, tuy nhiên, em vẫn phải nhìn vào điều kiện kinh tế của gia đình để chọn học có mức học phí phù hợp", Thủy Tiên chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Phương (Hà Tĩnh) cho biết, cách đây gần 10 năm, gia đình chị cũng có con nhập học ĐH, nhưng tổng học phí cho 4 năm học chỉ ở mức khoảng hơn 20 triệu đồng. Năm học 2024 - 2025, con út của gia đình chị cũng vừa nhập học 1 trường trên địa bàn TP Hà Nội, mức học phí cho 1 năm đối với ngành con học cũng đã gần 30 triệu đồng, bằng 4 lần học phí của đứa lớn cách đây gần 10 năm. “Điều này đang vượt qua khả năng của một gia đình làm nông", chị Phương cho biết.

Đến thời điểm này, việc xác nhận nhập học và nhập học ĐH đợt 1 đã được các trường triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều em học sinh đang phân vân trong quá trình chọn trường để xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo, thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

Nguyễn Hoàng Hiệp (Thanh Hóa) cho biết, ngoài cân nhắc ngành nghề yêu thích thì vấn đề học phí được em và gia đình quan tâm. “Em đỗ nguyện vọng 1 một trường ĐH ở Hà Nội, nhưng vì học phí một năm học quá cao lên tới gần 50 triệu đồng/năm, bố mẹ đều làm nông, thu nhập ở mức thấp, nếu chọn trường có mức học phí quá cao gia đình sẽ không thể nào chu cấp được trong 4 năm học. Do vậy, em đã từ bỏ nguyện vọng 1 để chờ xét tuyển bổ sung trường khác có mức học phí vừa phải để đỡ gánh nặng cho bố mẹ", Hiệp nói.

Còn đối với các em sinh viên đã và đang học tại các trường ĐH, khi trường có thông báo tăng học phí, nhiều em đồng loạt bày tỏ sự bức xúc và ngỡ ngàng với mức học phí phải nộp. “Em và gia đình đã rất cố gắng, bố mẹ em làm nông, thu nhập khó khăn, với số tiền bố mẹ cho và em cố gắng làm thêm để chi trả mức học phí gần 20 triệu đồng/năm, giờ trường lại thông báo học phí tăng 10% làm tăng áp lực của em và gia đình thêm. Không biết em có tiếp tục theo đuổi được sự nghiệp học ĐH không. Em và bố mẹ sợ không thể gánh nổi”, một sinh viên bày tỏ.

Một sinh viên khác cũng cho biết, việc tăng học phí khiến nhiều sinh viên không thể chi trả. “Không đóng đủ học phí sẽ không được thi, điều đó đồng nghĩa với trượt môn và không thể tốt nghiệp”.

Chia sẻ về việc các trường ĐH đồng loạt có thông báo tăng học phí trước thời điểm tuyển sinh ĐH năm học 2024 - 2025, tại hội nghị về giáo dục ĐH, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, lộ trình học phí hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 19 về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Lý do là "khung và mức thu học phí còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo". Bên cạnh đó, lương cơ sở tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7, dẫn đến quỹ tiền lương của các đơn vị tăng cao. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này khiến các trường khó cân đối nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, rất khó để nói học phí hiện nay cao hay thấp nhưng thực tế là mức thu hiện tại chưa đủ bù chi cho hoạt động đào tạo của trường.

Ông Trình cũng cho biết, ngoài ra, nhà trường vẫn phải tiếp tục đầu tư cho cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, thực hành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong bối cảnh học phí vẫn là nguồn thu chính của các ĐH, mức thu quá thấp sẽ khiến các trường gặp vô vàn khó khăn.

Việc tăng học phí của các trường ĐH là thực hiện theo lộ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, trong giai đoạn khó khăn như thời gian qua, thu nhập ngày càng thấp của người lao động, trong khi các chi phí ngày càng tăng sẽ khiến cho mơ ước vào được cánh cửa ĐH của con em lao động và người dân ngày càng khó khăn hơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm