Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gian nan đường về quê

Thứ năm, 27/01/2011 - 12:27

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tết là cuộc sống của những người lao động tha hương bị đảo lộn. Để có những ngày sum họp cùng gia đình, họ không chỉ tốn kém về tiền bạc mà còn gặp biết bao gian khổ trong hành trình về quê.

Chen lấn mua vé ở Bến xe Miền Đông

Ác mộng xe đò

Vợ chồng anh Nguyễn Quốc Tuấn (30 tuổi) và chị Trần Thị Nữ (26 tuổi) cùng quê ở H.Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh về đến nhà lúc 12 giờ đêm ngày 26/1 mà cứ ngỡ vừa trải qua một cơn ác mộng. Hai vợ chồng anh chị làm việc trong KCX Tân Thuận, Q.7, TP.HCM. Vì không có tiền mua vé máy bay và cũng không có thời gian xếp hàng mua vé tàu nên anh chị cùng đứa con nhỏ quyết định đi xe giường nằm về quê ăn tết. Anh chị cắt phép năm, đưa con về quê thăm gia đình nội ngoại trước tết một tuần. Tối 20.1, gia đình anh Tuấn lên xe giường nằm với giá vé 750 ngàn đồng/người. Khi anh chị lên, chỉ còn băng ghế sau cùng, nằm được 6 người. Thấy rộng rãi anh chị mừng thầm trong bụng.

Nhưng khi xe đến Bình Dương thì khách ở đâu ào lên chật cứng. Ngay chỗ nằm của anh chị có thêm 8 người khách nữa. Mọi người trên xe phản ứng, nhà xe quát: “Câm miệng thì được về nhà!”. Thấy vậy họ phải cắn răng chịu đựng. Ra đến Đồng Nai, quá ngộp vì đông người, đứa con trai 2 tuổi của anh Tuấn chịu hết nổi, mồ hôi túa ra nhưng người lạnh buốt, thở khó nhọc. Thấy vậy anh chị quyết định xin xuống xe. Nhưng nhà xe nhất quyết không cho. Tới nước này anh Tuấn phải van xin cho xuống xe nếu không con trai sẽ chết mất. Khi đến  một nơi vắng vẻ, không có đèn đường, xe dừng lại. Một người lơ xe nhảy xuống, lôi hành lý của anh chị ra vứt giữa đường. Một người lơ khác bắt anh chị trả 200 ngàn đồng mới cho xuống. Anh chị vô cùng sợ hãi vì chỗ này quá vắng vẻ. Sau hơn 30 phút vẫy xe, cuối cùng  cũng có một chiếc dừng lại. Lần này cảnh giác hơn, anh Tuấn lên trước quan sát thì thấy hai chiếc ghế đầu tiên đang trống khách. Lơ xe bảo: “Đi xe này bao ghế đầu chỉ 700 ngàn đồng/người”. Mừng như bắt được vàng, anh chị vội vã lên xe. Khi 3 người đang thiu thiu ngủ thì lơ xe lại quát bảo ra ghế sau ngồi. Khi anh Tuấn cự lại thì cả nhà xe cười hô hố. Lúc này xe dừng lại, hai người khách lớn tuổi bước lên. Lơ xe lại tiếp tục nói “đi xe này bao ghế đầu”. Hai người khách nghe thế liền hí hửng leo lên xe.

Anh Tuấn kiên quyết không chịu thì nhà xe đòi đánh và dọa sẽ tìm nơi vắng vẻ để thả xuống nên anh Tuấn đành phải xuống ghế sau cùng ngồi. Ở đây chỉ có hai ghế và đã có 2 cô gái ngồi. Nhưng lơ xe quát nạt, bắt hai cô kia ngồi chung một ghế, để một ghế cho gia đình anh Tuấn. Quá ấm ức nhưng anh Tuấn phải chịu đựng vì nếu to tiếng, thiệt thòi vẫn là gia đình anh. Đi được một quãng đường nữa, hai người khách mới lên được ngồi ghế đầu lại bị đuổi xuống dưới. Lúc này mọi người mới biết, hai ghế đầu để trống là nhà xe dùng câu khách.

Gian nan chiếc vé tàu

Chị Nguyễn Thị Phúc, SN 1971, quê Nghệ An, làm công nhân Công ty gỗ H.V, H.Thuận An, Bình Dương cũng vất vả trăm bề mới mua được vé tàu để về quê ăn tết. Thế nhưng khi có vé rồi lại gặp hết rắc rối này đến rắc rối khác.

Ngay ngày đầu tiên ga Sài Gòn thông báo bán vé tàu tết, chị Phúc đã xin công ty nghỉ  để xếp hàng mua vé. Thế nhưng sau một ngày vật vã, chen lấn, vẫn không  thể mua được vé. Sang ngày thứ 3, chị nhờ người em đang học ở TP.HCM ra xếp hàng mua giùm, nhưng vẫn phải về tay trắng. Sau một tuần tốn kém vì nhờ vả khắp nơi, chị Phúc quyết định đến các đại lý mua. Thế nhưng tới những nơi này, ở đâu cũng hét giá cao, vé cứng từ TP.HCM - Vinh mà từ 1 triệu - 1,2 triệu đồng.

Khi chị Phúc chuẩn bị về xe đò thì có người bạn làm cùng công ty, tên Phương bán lại cho một vé, khởi hành vào trưa 25.1 với giá 600 ngàn đồng. Sáng sớm ngày 25.1, chị Phúc lên ga thì ở đây cho biết, số CMND của chị không trùng với số CMND ghi trên vé, chị bật khóc nức nở. Sau khi vé không được chấp nhận, chị Phúc về lại Bình Dương tìm người bạn để “chia sẻ rủi ro” nhưng người này đã bắt xe về quê. Lúc này chị mới biết mình bị lừa. Phương cũng mua vé lại từ một người khác với giá 500 ngàn đồng. Nhưng khi đọc báo thấy nói rằng, số CMND của người đi tàu phải trùng với số CMND ghi trên vé nên Phương đã bán lại cho chị Phúc. Quá đau khổ và mệt mỏi, chị Phúc báo với gia đình là ở lại Bình Dương đón tết. Nhưng đã 40 tuổi mà vẫn chưa lấy chồng, năm nay gia đình mai mối cho một người đàn ông nên ở nhà bắt chị Phúc phải về quê. Sáng 26.1, chị ra mua vé xe về Nghệ An với giá 650 ngàn đồng.

Không biết hành trình về quê của chị Phúc có gian nan như trường hợp của gia đình anh Tuấn hay không? Hai câu chuyện trên chỉ là một trong hàng trăm ngàn trường hợp sinh viên, người lao động tha hương vất vả về quê đón tết.

Đến các khu tập trung công nhân đông trong dịp này mới thấy hết những người sống xa quê mong mỏi được về nhà đến mức nào, dù biết rằng phải chen chúc mua vé tàu xe, bị nhồi nhét trên xe, bị hành hạ, bị hét giá cao…; cùng bao hiểm nguy đang rình rập trên đường về.

(TNO)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm