Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoàng Nam
Thứ sáu, 27/09/2024 - 15:55
(Thanh tra) - Bão số 3 Yagi đã tan, nước lũ cũng đã rút, nhưng nhưng hậu quả nặng nề mà thiên tai, bão lũ vẫn còn rất nặng nề. Các cấp, các ngành, các địa phương đang khẩn trương chung tay hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, tái thiết kinh tế .
Những khó khăn mà người dân miền Bắc phải gánh chịu do hậu quả của cơn bão số 3, luôn được đồng bào cả nước dõi theo, ủng hộ và chung tay giúp đỡ. Ảnh: TTM
3 triệu khách hàng tại 15 tỉnh, thành bị mất điện
Theo số liệu cập nhật từ Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, siêu bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống điện miền Bắc, khiến cho hơn 6,1 triệu khách hàng bị ảnh hưởng.
Quảng Ninh, Hải Phòng là những địa phương có hệ thống điện bị tàn phá nặng nề nhất, trong đó, tại Quảng Ninh, 100% hệ thống lưới điện của tỉnh bị tê liệt, 110.000 khách hàng bị ngừng cấp nước, hàng chục nghìn thuê bao di động không có sóng….
Ngay sau khi bão số 3 Yagi tan, nước các sông ở thượng nguồn dâng cao đã gây ra trận lũ kỷ lục, làm ngập lụt tại các tỉnh phía Bắc như: Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, Nam Định, Tuyên Quang... hệ thống lưới điện gặp sự cố, các công ty điện lực phải chủ động ngừng cung cấp điện để bảo đảm an toàn cho người dân, nhiều nơi vì vậy bị mất điện diện rộng, dài ngày.
Theo ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, lần đầu tiên trong lịch sử ngành Điện đối mặt với thiệt hại lớn như vậy. Có thời điểm, công suất điện bằng 0, sản lượng điện bằng 0 và chúng tôi có tới trên 3 triệu khách hàng tại 15 tỉnh, thành bị mất điện.
Tuy nhiên, với tinh thần "sát cánh bên nhau," các đơn vị điện lực trong cả nước đã chung tay, góp sức, giúp ngành Điện miền Bắc nhanh chóng khắc phục sự cố, cấp điện trở lại để nhân dân sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Theo Công ty Điện lực Quảng Ninh, có tổng cộng 1.288 người tham đã đến hỗ trợ Quảng Ninh, trong số đó, 805 người từ 26 đơn vị thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, 273 người từ 6 đơn vị thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung và 210 người từ các đơn vị thuộc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, tham gia giúp sức. Sau hơn 10 ngày làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, lưới điện của Quảng Ninh được khôi phục hoàn toàn, cung cấp điện trở lại phục vụ sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế của địa phương.
Tại các địa phương như: Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn… công tác sửa chữa, khắc phục lưới điện còn khó khăn gấp bội, khi nước lũ dâng cao kỷ lục, mưa lớn không ngớt, gây sạt lở, lũ ống lũ quét vô cùng nguy hiểm. Với phương châm nước rút tới đâu, xử lý tới đó, lưới điện của các tỉnh phía Bắc đến nay về cơ bản đã được khắc phục hoàn toàn, cấp điện trở lại phục vụ sinh hoạt cho nhân dân và hỗ trợ các đơn vị trong việc cứu hộ, cứu nạn, tái thiết cuộc sống.
Các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương khắc phục
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, ở thời điểm các trạm phát sóng bị ảnh hưởng nhiều nhất, có nhà mạng bị mất trên 50% mạng lưới.
Theo thống kê, bão số 3 Yagi đã gây mất liên lạc tại 15 tỉnh, thành phố, với 6.285 trạm thu phát sóng di động bị ảnh hưởng do mất điện.
Tuy vậy, trong quá trình khắc phục, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, dồn toàn bộ lực lượng từ các tỉnh không bị thiệt hại, tạo thành các nhóm khắc phục sự cố, ưu tiên việc khắc phục thông tin di động; điều các xe phát sóng di động, dùng đường truyền vệ tinh cho một số khu vực ưu tiên; chuẩn bị các xe phát sóng chuyên dùng, sẵn sàng phục vụ khi các tỉnh cần để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.
Trong thời điểm hệ thống viễn thông chưa được khắc phục hoàn toàn, các nhà mạng đã cho phép người dân chuyển vùng di động giữa các mạng miễn phí để đảm bảo liên lạc không bị gián đoạn. Một số đơn vị viễn thông cũng thiết lập các trạm sạc miễn phí, mở cửa 24/24h, cung cấp hệ thống wifi, hỗ trợ người dân trong việc liên lạc.
Đến nay, cơ bản mạng lưới viễn thông của các tỉnh đã khôi phục hoàn toàn, đã giúp hệ thống điện, nước, viễn thông sớm hoạt động trở lại bình thường sau bão; giúp người dân đảm bảo sinh hoạt, thông tin liên lạc, ổn định cuộc sống.
Các ngân hàng vào cuộc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Ước tính, có khoảng hơn 23.000 lượt khách hàng vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng bới cơn bão số 3 Yagi, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng là gần 40,5 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại là trên 10 nghìn tỷ đồng.
Ngay sau khi có sự chỉ đạo của Chính phủ, ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã lập tức vào cuộc, đưa ra những chính sách thiết thực, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, tìm kiếm cơ hội mới để gây dựng lại sinh kế.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ban hành gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng, với lãi suất giảm từ 0,5 đến 2% cho cả khoản vay hiện hữu và vay mới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 Yagi. Đối với việc cho vay mới, đặc biệt là trong trường hợp không có tài sản thế chấp, BIDV sẽ đánh giá, xem xét tính khả thi, khả năng quản lý, khả năng sinh lời của phương án sản xuất, để trao đổi, thống nhất giữa BIDV và khách hàng.
Đối với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), tất cả các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân chịu thiệt hại từ bão số 3 Yagi đều được hỗ trợ giảm lãi suất với mức giảm lên đến 2%/năm tùy từng mục đích, kỳ hạn vay vốn cho các khoản vay tại VietinBank.
Chính sách hỗ trợ này áp dụng cho cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới đến hết ngày 31/12/2024. Quy mô gói hỗ trợ của VietinBank lên đến 100 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm tới 0,5% lãi suất cho vay trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 Yagi tại các địa phương thuộc khu vực bị ảnh hưởng. Ước tính chính sách này sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 130 nghìn tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lên tới 100 tỷ đồng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 6/9 – 31/12/2024 đối với khách hàng bị thiệt hại trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực tiếp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 Yagi và lũ lụt sau bão.
Đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 6/9 đến 31/12/2024, Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác cũng đã chủ động đưa ra các chính sách giảm lãi suất, khoanh nợ, miễn lãi chậm trả với các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.
Sự chung tay, ủng hộ, chia sẻ của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng với người dân, doanh nghiệp sẽ giúp cho quá trình khôi phục sản xuất, tái thiết lại kinh tế, ổn định đời sống nhân dân diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn. Các khoản vay dù lớn, dù nhỏ, song sẽ mang lại hiệu quả lớn trong bối cảnh hiện nay, tạo hiệu ứng và điều kiện tốt nhất để kinh tế tại những vùng bị ảnh hưởng bớt khó khăn, sớm phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn sau bão.
Dấu ấn tích cực từ lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở
Dù mới được thành lập theo Luật số 30/2023/QH15, nhưng lực lượng an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở với vai trò là cánh tay nối dài của lực lượng công an, đã ghi dấu ấn đậm nét trong việc hỗ trợ người dân, các lực lượng chức năng ứng phó và cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, an ninh, trật tự tại địa phương.
Họ sát cánh cùng lực lượng Công an hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn, cùng với lực lượng Công an chính quy thường trực 24/24h tại các vị trí trực chốt, phối hợp cùng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng hỗ trợ nhân dân gia cố đê bối, tuyên truyền, vận động, sơ tán người già, người yếu thế, trẻ em và tài sản đến nơi an toàn, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.
Họ có mặt ở khắp mọi nơi, từ những tuyến đường ngập lụt đến những ngôi nhà bị tốc mái, luôn sẵn sàng giúp đỡ, bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân sơ tán đảm bảo an toàn; trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn; vận chuyển lương thực, thực phẩm hỗ trợ những hộ bị ngập…
Mưa lũ đã đi qua, nhưng tình người còn ở lại. Đó chính là sự ghi nhận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đối với sự giúp đỡ, đồng hành của lực lượng Công an cũng như lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở trong những ngày qua.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.
Phương Anh
15:41 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Hoàng Nam
15:38 22/11/2024N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Văn Thanh
12:44 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình