Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

An ninh học đường: Góc nhìn và dư luận

Ngô Quốc Đông

Thứ ba, 12/12/2023 - 07:00

(Thanh tra) - Một sự kiện đau lòng vừa diễn ra tại một trường trung học cơ sở ở Tuyên Quang. Cô giáo đã trở thành nạn nhân của hành vi tấn công của một nhóm học sinh. Sự việc gây sốc cho dư luận khi một nhóm học sinh chốt cửa, quây và dồn ép cô giáo để ném dép, văng tục, chửi bới, và thậm chí đến mức cô giáo ngất xỉu.

Cô giáo H, bị học sinh dồn vào tường, có lời lẽ xúc phạm (ảnh cắt từ video). Ảnh: Nguồn Internet

Các clip lan truyền trên mạng ghi lại cảnh tượng khó tin, khi nhiều học sinh tham gia vào hành động tấn công này. Sự vô tình lan truyền hình ảnh xấu và không có cách can thiệp nhanh chóng đã làm vấn đề nghiêm trọng về quan hệ giáo viên-học sinh và tình trạng an ninh học đường.

Sự kiện được các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, nhưng đã đặt ra câu hỏi về tình trạng quan hệ giữa giáo viên và học sinh, cũng như về tinh thần "tôn sư trọng đạo" và môi trường học đường hiện nay.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra các vụ việc xúc phạm và bạo lực đối với giáo viên. Nhưng rõ ràng đã cho thấy việc bất ổn trong quan hệ thầy, cô với học trò chưa phải đã chấm dứt một cách triệt để, nhất là trong bối cảnh tục hóa, làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến mối quan hệ này.

Thông tin ban đầu từ sự việc, có thể có mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh. Bởi lẽ không thể vô cớ mà cả nhóm học sinh có cùng một loại phản ứng tâm lý tập thể. Có nghĩa là trong lòng chúng cũng đã bị dồn nén những bức xúc hay không hài lòng với giáo viên của mình. Tuy nhiên, hành vi của học sinh như nhốt cô giáo trong phòng, nói tục, và ném dép vào người cô là không thể chấp nhận được. Điều này là vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về sức khỏe, và tính mạng con người.

Như vậy, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh cần phải được giải quyết không chỉ từ môi trường học đường mà còn từ gia đình và xã hội. Các phụ huynh phải thường xuyên nhắc nhở cảnh báo con em họ về những hành vi lệch chuẩn với thầy cô, cần dạy con em mình giữ truyền thống tôn sư trọng đạo. Mặt khác, bản thân chính giáo viên cũng cần tiết chế, điều chỉnh hành vi và cách thức truyền đạt kiến thức của mình cho đúng mực. Với xã hội và dư luận đám đông, càng không nên cổ vũ những hành vi sai phạm của học sinh hay kết án cô giáo không làm đúng chức trách của mình. Bởi vì, dư luận nếu nghiêng về phía nào, đều không tốt cho các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Để ngăn chặn những vụ việc đau lòng như vụ hành hung giáo viên ở Tuyên Quang không lặp lại, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ mọi bên. Môi trường học đường cần tạo ra chuẩn mực, văn minh và thân thiện. Đồng thời gia đình và xã hội cũng cần có sự quan tâm đặc biệt trong việc giáo dục nhân cách và đạo đức con em mình.

Sự kiện trên cũng đặt ra câu hỏi cho ngành Giáo dục về chất lượng đội ngũ giáo viên, quy trình tuyển dụng, và vai trò của cơ quan quản lý giáo dục trong việc đảm bảo môi trường học tập an toàn và tích cực. Ngày nay, cả ngành Giáo dục, cộng đồng và phụ huynh cùng nhau đối mặt với trách nhiệm chung để xây dựng một môi trường học tập và giáo dục tích cực. Tất cả cần phải nỗ lực để trả lời một câu hỏi lớn là: Phải làm sao để nhà trường, nơi mà tất cả mọi người, từ giáo viên đến học sinh, đều có thể phát triển và học hỏi mà không phải lo lắng về sự an toàn cho giáo viên và sự lệch chuẩn của học sinh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm