Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 04/07/2013 - 09:42
(Thanh tra) - Với tình yêu bao la và lòng biết ơn sâu sắc Bác Hồ, cụ ông gần 80 tuổi đã thực hiện ước mơ của mình từ khi còn trẻ là tìm kiếm, sưu tầm những bức ảnh về Bác. Hơn 4.000 bức ảnh là kho tàng quý giá mà ông đã dốc sức suốt gần 30 năm qua.
Ông Trâm bên kho tàng ảnh Bác Hồ. Ảnh: Trần Mơ
Hành trang tìm kỷ vật
“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” đó là câu nói đầu tiên chúng tôi nghe được khi tiếp xúc với ông Trần Mỹ Trâm, sinh năm 1937, quê ở xóm 5 Nam Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông là nhà giáo đã nghỉ hưu, từng giảng dạy ở thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh), sau đó chuyển về làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện Can Lộc.
Năm 1998, sau khi nghỉ hưu, ông đã dành hết thời gian của mình cho việc tìm kiếm những bức ảnh về Bác.
Ông Trâm tâm sự: “Khi đang còn công tác giảng dạy ở trường, tôi đã có 1 tập tranh ảnh hơn 200 tấm về Bác. Từ khi Bác mất năm 1969, tôi đã có ý thức sưu tầm ảnh về Bác, nhưng vì chiến tranh và bận công tác nên chưa thực hiện được”.
Sau khi nghỉ hưu, đặc biệt từ khi Đảng phát động cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ông đã quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ còn dang dở của mình.
Ông Trâm vừa lấy tập tư liệu cho chúng tôi xem vừa chia sẻ: “Để có được tài sản vô giá như thế này không dễ, mình phải có tâm và có tầm mới làm được, phải luôn luôn nghĩ về Bác”.
Hằng ngày, ông đến các trường học, UBND thị trấn, UBND huyện… để xin tư liệu. Cứ nghe đâu có ảnh hoặc tư liệu về Bác là ông tìm đến xin, mua lại, đổi lại hoặc mượn đi photo. Ông tìm đến các cơ quan nhờ tập hợp báo để điểm báo, tìm kiếm ảnh Bác, cuối tháng tập hợp đi photo để lưu giữ. Ông nhờ anh em, bạn bè ở cả trong Nam, ngoài Bắc, ai có hình ảnh về Bác thì báo lại, bằng cách này hay cách khác, cố làm sao để có được bức ảnh, nếu ở xa thì nhờ họ gửi qua bưu điện còn ở gần thì tự đến lấy bởi theo ông “bức ảnh nào của Bác cũng quý”. Ông còn nói: “Một tuần mà không tìm được thêm bức ảnh nào về Bác là cứ thấy trong người khó chịu, đứng ngồi không yên”.
Ông thường nhờ bà Thìn bán kẹo, bà bán nước chè ở ngã ba Nghèn, hễ có sách báo cũ có hình ảnh Bác thì gọi cho ông để đổi lại những cuốn sách hay khác. Cũng có nhiều khi nghe bạn bè giới thiệu, ông phải ra tận Thanh Hóa, Hà Nội, có khi vào Đồng Tháp để tìm ảnh Bác.
Khi tìm được nhiều ảnh Bác về, ông phân chia thành từng nhóm khác nhau, chú thích rõ ràng dưới bức ảnh để xem dễ hiểu. Ông ép platic, đóng thành từng tập, từng cuốn lớn. Trong các tập album, ông còn tỉ mẩn cắt những hình hoa đẹp từ sách báo để dán vào cho những tấm hình đỡ khô khan. Những cuốn album được ông nâng niu, gìn giữ như báu vật trong nhà, ngăn nắp, phẳng phiu.
Kho tàng ảnh Bác
Nhiều chục năm lăn lội tìm kiếm, giờ đây ông đã có kho tàng với hơn 4.000 bức ảnh quý về Bác. Ông đặt tiêu đề cho cuốn album lớn của mình là “Những hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác”, trong đó chia ra làm 5 phần nội dung, phần một: “Chân dung Bác qua các năm và qua các loại hình nghệ thuật”, phần hai: “Những hình ảnh hoạt động của Bác từ năm 1911 đến 1969”, phần ba: “Tư liệu liên quan về Bác”, phần bốn: “Gia thế Bác Hồ”, phần năm: “Những tài liệu bổ sung”. Với mỗi nội dung, ông bỏ công sắp xếp hình ảnh, chú thích cho phù hợp.
Ông Trâm vừa lật từng trang về chân dung Bác qua các năm và qua các loại hình nghệ thuật cho chúng tôi chiêm ngưỡng vừa tự hào khoe: “Về ảnh chân dung chúc Tết của Bác, tôi thu thập được trọn vẹn từ năm 1945 đến năm 1968. Tuy nhiên, năm 1946 không có bởi năm đó Bác Hồ đi công tác ở Trung Quốc”.
Những bức ảnh về Bác, ông Trâm thu thập được đủ mọi thể loại, ảnh chụp, tranh bằng hình vẽ, tượng, ký họa, điêu khắc. Cũng có nhiều tác phẩm làm bằng cát, bằng gỗ, đá.
Hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ đa dạng trên mọi lĩnh vực, với mọi đối tượng. Đó là những bức ảnh Bác hoạt động trong nước, nước ngoài; Bác với thiếu niên, nhi đồng; Bác với phụ nữ, công nhân, nông dân, bộ đội; Bác với Đảng…
Khi hỏi về tấm ảnh mà ông cho là đặc biệt nhất thì ông hồ hởi: Cả chặng đường dài tìm kiếm, bức ảnh nào đối với tôi cũng đặc biệt cả, nhưng có nhiều tấm ảnh đắt giá như: Bác Hồ ngồi thiền trong núi, Bác trên chiến hạm Emile Bertin, Bác ở Thái Lan khi còn thanh niên… “Có bức tôi tìm được nhưng ở bảo tàng chưa chắc đã có” - ông khẳng định.
Ông sưu tầm ảnh Bác với lòng thành kính trọng Bác. Bên kho tàng nhỏ của mình, ông tâm sự: “Mong muốn của tôi là sưu tầm được thật nhiều, đầy đủ ảnh về Bác để cho mình chiêm ngưỡng và cho con cháu sau này khắc ghi ơn Bác”. Ông nói thêm: “Mình chịu ơn cách mạng rất nhiều, ngưỡng mộ Bác, nên cố công tìm kiếm chân thành không vụ lợi”.
Không những gìn giữ hơn 4.000 bức ảnh mà trong căn phòng nhỏ của ông còn lưu giữ được 1 tủ sách báo, tài liệu liên quan đến Bác và những vị lãnh tụ vĩ đại mà ông kính phục như Các Mác, Ăng Ghen, Lê Nin… và các nhà hoạt động cách mạng tài ba của dân tộc.
Khi nghe tin phong phanh có 100 bức ảnh về Bác Hồ ở Pháp chưa được công bố, ông vui vẻ nói thêm: “Khi nào có trong tay 100 bức ảnh Bác Hồ ở Pháp và tập sách “Hồ Chí Minh tiểu sử” (tái bản 2010) thì tôi sẽ thực hiện ý nguyện là mở phòng trưng bày ảnh Bác tại nhà”.
Chia tay chúng tôi, ông còn dặn: “Khi nào các cháu có ảnh Bác hoặc thấy có ai tài liệu về Bác thì xin lại cho ông nhé”.
Chúng tôi cảm thấy nể phục ông hơn bởi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, tóc bạc phơ lại thêm bệnh thấp huyết áp mà ông vẫn theo đuổi thực hiện bằng được những ước mơ của mình và càng thấm thía hơn lời ông nói: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Trần Quý
Lê Hữu Chính
Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn