Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếng hát vượt không gian và thời gian

Thứ ba, 04/02/2014 - 07:29

(Thanh tra) - Từng có mặt trong đoàn quân tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954, nghệ sĩ Thanh Đính cũng là người cùng Lực lượng văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 lịch sử. Trở thành nghệ sĩ ưu tú từ lớp đầu tiên, với Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cùng nhiều Huân, Huy chương và danh hiệu cao quý, đến nay đã 78 mùa Xuân, nghệ sĩ Thanh Đính vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật cách mạng… Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Đính nay là Trưởng đoàn Ca múa nhạc Cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh.

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Đính.

Nghệ sĩ của cách mạng, của nhân dân

Sinh ra ở Yên Bái, tham gia làm giao liên cách mạng từ năm 10 tuổi, trong chiến dịch Tây Bắc năm 1953, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (sau này là Bộ trưởng Văn hóa của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đã phát hiện ra giọng hát, tuyển Thanh Đính vào Đoàn Văn công Trung ương. Từ đó, ông bắt đầu cuộc đời nghệ thuật gắn liền với cuộc kháng chiến từ những năm “Qua miền Tây Bắc ngút ngàn xa” đến ngày “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” tiếp quản Thủ đô Hà Nội. 

Sau khi cùng Đoàn Văn công Trung ương dự Đại hội liên hoan TNSV thế giới tại Vac-sa-va (Ba Lan) trở về công tác tại Vụ nghệ thuật Bộ Văn hóa, Thanh Đính theo học lớp đại học thanh nhạc, xen những chuyến đi biểu diễn phục vụ chiến đấu của quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh tuyến lửa. Tốt nghiệp Đại học Thanh nhạc đầu tiên năm 1966, NS Thanh Đính tình nguyện đi B cùng đợt với nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà thơ Lê Anh Xuân, NS múa Phương Thảo, bác sĩ Đặng Thùy Trâm chi viện cho chiến trường Khu 5 - Tây nguyên rực lửa. 

Những năm ở chiến trường “Hát trước đoàn quân” có lần Thanh Đính song ca “Trước ngày hội bắn” với nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhiều khi, theo yêu cầu của cán bộ chiến sĩ trước giờ ra trận, một mình Thanh Đính hát 25 bài và hát đến đứt cả dây đàn ghita. Trước Tổng tiến công Mậu Thân 1968, đêm Noel 24/12/1967, Thanh Đính đã “Hát trước họng súng quân thù” tại đồn Trà Kiệu, Quảng Nam. Bị cảm hóa bởi những bài ca cách mạng, hàng chục lính Ngụy đã bỏ ngũ trở về với nhân dân. Ngoài trực tiếp “Hát trước họng súng quân thù” và “Hát trước đoàn quân” trước giờ ra trận, với cương vị Trưởng đoàn văn công Khu ủy, NS Thanh Đính đã cùng Ban tuyên huấn tổ chức xây dựng “lực lượng văn hóa văn nghệ” trên địa bàn, để lại nhiều tình cảm đối với cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Năm 1973 khi Hiệp định Paris được ký kết, NS Thanh Đính cùng Đoàn Văn công Giải phóng đi biểu diễn phục vụ miền Bắc và một số nước bạn bè quốc tế, sau đó trở về Đoàn Văn công Trung ương.  

Đầu Xuân 1975, NS Thanh Đính lại xung phong đi B lần thứ hai trong đội hình Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tiếp quản Sài Gòn với những bài hát “Đất nước trọn niềm vui”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, NS Thanh Đính được được cử đi tu nghiệp bậc trên đại học tại Sophia, Bungari. Trở về công tác tại Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam, NS Thanh Đính hát từ “Hà Nội niềm tin và hy vọng” đến “Gửi em ở cuối con sông Hồng” suốt dọc “Chiều dài biên giới”. NSƯT Thanh Đính chỉ đạo Đoàn Cựu chiến binh hợp luyện tiết mục Nam bộ kháng chiến và Việt Nam quê hương tôi.

Năm 1984 NS Thanh Đính, cùng các NS Quốc Hương, Trung Kiên, Tường Vi, Quý Dương, Thương Huyền, Trần Hiếu, Lê Dung, Thu Hiền được Nhà nước phong tặng lớp danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đầu tiên của nước ta. Trở thành Trưởng đoàn Đoàn Ca múa nhạc Cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh từ năm 1992 đến nay, dưới sự dẫn dắt của anh Đoàn đã vượt qua trên 20 năm tự lực, tổ chức biểu diễn hàng ngàn buổi phục vụ hàng vạn cán bộ chiến sĩ và nhân dân, được công chúng cả nước mến mộ.

Ý nguyện chung

Tài liệu chúng tôi có được thể hiện, ngày 20/12/1986, Anh hùng Núp của “Đất nước đứng lên” và các Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum cũ đã có thư gửi Hội đồng nghệ sĩ Trung ương nêu rõ: “Trong những năm kháng chiến NS Thanh Đính đã có mặt sống và chiến đấu cùng cán bộ chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bước chân anh vượt đỉnh Ngọc Linh qua các nẻo đường Trường Sơn đến với bản làng. Ở đâu có đồng bào là ở đấy có tiếng hát cách mạng của anh, trong sáng vô tư mà không đòi hỏi. Đôi khi sốt rét rừng người mệt, nhưng hễ có cán bộ chiến sĩ yêu cầu là anh vẫn gượng dậy đánh đàn và hát cổ vũ họ lên đường. Chúng tôi coi Thanh Đính và gia đình anh là thành viên của cộng đồng các dân tộc, đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu cao quý hơn cho NSƯT Thanh Đính, để đáp ứng mong muốn và niềm tin đối với những NS chân chính của Đảng và nhân dân”. Tiếp theo, ngày 08/8/1997, nguyên Phó ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V Trương Công Huấn đã có văn bản gửi Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương nêu rõ: “Là NS của Đoàn Văn công Trung ương vào hoạt động ở chiến trường miền Nam từ năm 1966, đến năm 1975, Thanh Đính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tiếp quản Sài Gòn. Từ khi được phong NSƯT anh vẫn giữ phẩm chất cách mạng biểu diễn nghệ thuật, được Đảng và nhân dân tin cậy”. Cuối văn bản vừa nêu, nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công đã bút phê: “Tôi xác nhận tinh thần phục vụ vô điều kiện của NS Thanh Đính, đề nghị Ban VHTT Trung ương và Bộ Văn hóa - Thông tin, nghiên cứu phong tặng đặc cách danh hiệu NSND cho đồng chí Thanh Đính”. 

Ngày 09/3/2003, nguyên Phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn Trần Bạch Đằng đã có văn bản lần thứ 2 gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, nêu việc: “Vừa rồi tôi có dịp đọc lại hồ sơ, trong đó có cả những văn bản đề nghị của các đồng chí Võ Chí Công, Lưu Hữu Phước, Bảo Định Giang và các đồng chí khác, được biết vấn đề tặng danh hiệu NSND cho NSƯT Thanh Đính vẫn chưa được giải quyết, không rõ sự chậm trễ này do đâu. NS Thanh Đính là người có tài, có đức biểu hiện ở tinh thần phục vụ và kết quả cống hiến, ở điểm này không phải mọi NS đều đạt được. NS Thanh Đính xứng đáng danh hiệu NSND, rất mong đồng chí Bộ trưởng quan tâm”. Cũng liên quan đến NSƯT Thanh Đính, ngày 22/12/2009, nguyên Tổng bí thư BCHTƯ Đảng Lê Khả Phiêu cũng đã có bút phê: “Khi trên đường Trường Sơn tôi đã biết tiếng NS Thanh Đính. Nay gặp Đoàn Ca múa nhạc Cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh lại được nghe anh hát và không ngờ giọng hát của anh còn truyền cảm hào hùng. Những người NS  cách mạng từ kháng chiến chống Pháp đến nay còn rất hiếm. Đất nước có hòa bình, chúng ta không thể lãng quên một thế hệ NS xả thân vì Tổ quốc, không thể bỏ rơi những người NS  như anh. Anh xứng đáng là NS  của nhân dân”.    

Trên 10 năm hoạt động ở chiến trường, NS Thanh Đính được Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam tặng thưởng 1 Huân chương Quyết thắng và 2 Huân chương Giải phóng. Hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật phục vụ chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, NS Thanh Đính được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy chương Chiến thắng Hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cùng nhiều Giải thưởng nghệ thuật, rồi Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất. Vậy nhưng, trong đợt xét tặng danh hiệu NSND vừa qua, với tiêu chí “sau khi được phong NSƯT đối tượng được xét NSND phải có nhiều giải thưởng” và “Trường hợp xét đặc cách NSND đối với NSƯT Thanh Đính có 4 phiếu không tán thành”, người NS của cách mạng, của nhân dân ấy đã theo Đảng suốt 2 mùa kháng chiến, từng “Hát trước họng súng quân thù và “Hát trước đoàn quân” trước giờ ra trận, được Nhà nước tặng hàng chục Huân, Huy chương cao quý vẫn không được vinh danh.

Đến đây tôi chợt nhớ, trong một lần nói chuyện thơ trong chiến tranh cách mạng với lớp trẻ hậu sinh, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã “tự vịnh” lại những câu thơ của chính mình: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/Câu hát đó viết từ rừng le rừng khộp/Sài Gòn năm ấy lô nhô cao ốc/Em chưa biết gì về rừng khộp rừng le”. Có lẽ cũng vì thế, nên trong nhận thức của một số người hôm nay, NSƯT Thanh Đính chưa thành “danh” thành “hiệu”, nhưng đã từ lâu và sẽ còn mãi mãi NSƯT Thanh Đính từng “Hát trước họng súng quân thù” và “Hát trước đoàn quân” trước giờ ra trận, anh đã là người NS của nhân dân.

Trúc Lâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm