Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thói xấu thị dân

Thứ tư, 19/01/2011 - 19:45

(Thanh tra)-Từ văn minh “Dĩ nông vi bản” tiến lên văn minh công thương nghiệp là một bước tiến dài. Nhưng khi hình thành ra các đô thị, vô hình trung, và cũng có thể lòng quá hối hả cho một quần cư mới mà chúng ta đánh rơi dần “đất lề quê thói”.

Người nào cũng có những tật xấu, một cộng đồng cũng không tránh được tính xấu của cộng đồng, và từ đó các cư dân đô thị mang lấy những thói hư tật xấu của cách quần cư mới, lối sống mới.

Bên cạnh bộ mặt sáng sủa, những tiện nghi sướng thân, bắt mắt là những tính xấu cộng cộng, và trong thói xấu công cộng lại hàm chứa thói xấu “cha chung không ai khóc”. Tôi vẫn nghĩ đất ở nông thôn có mang một thông điệp là máu thịt của mọi người dù mỗi nhà cũng có một địa giới riêng; còn đất đô thị - phải gọi đúng bản chất là những “lô hộ lẻ” - không mang cái hồn mà chỉ được quy thành X đồng/m2, cho nên thói xấu nhà quê với thói xấu thị dân cũng khác nhau.

Trước hết, đó là lối sống mà người này dưới mắt người kia (và ngược lại) là những cá thể người - thay vì là “nhất cận thân nhì cận lân” hoặc người đồng hương của nhau. Cùng con hẻm, chung một chung cư, thậm chí là chung vách nhưng có khi coi nhau như những người không có mối liên hệ thân thuộc nào. Trách nhiệm với nhau ở đây chỉ còn là trách nhiệm trước pháp luật (chứ không phải với người sống cạnh nhau trong một không gian, một cảnh ngộ) về hành vi của mỗi cá nhân đối với những cá nhân khác. Kiểu sống này làm nảy sinh ở những con người thiếu tự trọng một tâm lý lén lút để tránh bị phát hiện, khỏi phải trả lời trước pháp luật (thay vì luật tục cộng đồng và lương tâm) về hành vi của mình gây hại cho người khác. Chờ lúc đêm khuya quẳng một con vật chết hay túi rác ra đường một cách vô tư chỉ miễn sao những thứ ấy ra khỏi căn hộ của mình, nó có làm mất vệ sinh hay không, có gây mất mỹ quan hay không thì… mọi người cùng chịu, cái chính là không ai biết nó của ai là đủ!!

Ở nông thôn mọi người đều biết nhau, thậm chí biết nhiều đời của nhau, lấy đó làm chuẩn khi ứng xử và ngay cả khi đặt tên cho con cháu sao cho không xúc phạm đến hàng xóm, đến người trong làng. Sống ở đô thị người ta xa lạ nhau, không quan tâm đến nhau nên mới có cảnh nhà hàng xóm có đám tang, nhang khói, kèn trống hoặc có lấn một chút vỉa hè dựng rạp làm đám gây chút khó chịu cho tứ cận thì, hoặc nhà bên cạnh vẫn thản nhiên lình xình nhạc trẻ hoặc ra mặt lời qua tiếng lại. Chia sẻ một chút nỗi buồn, có thể là đau thương, với người khác không được sao?

Sự đồng cảm, chia sẻ là điều ít thấy ở cư dân đô thị. Và đó là một thói xấu nguyên nhân của mọi mâu thuẫn. Giữa các cư dân thành thị với nhau thiếu một liên đới trách nhiệm, vì vậy có câu “Cháy nhà hàng phố bình chân như vại”. Trong khi tại làng xóm, thì “ Một người làm đĩ xấu danh cả làng” cho đến nay vẫn là một trách nhiệm bất thành văn nhưng bền bỉ, ít ra là trong ý thức tự giác của mỗi người. Thì ra, một đàng đơn vị là dòng họ, xóm làng còn đàng kia đơn vị chỉ là căn hộ!

Ra đường phố sẽ gặp rất nhiều “lỗi chính tả”. Nhìn lên cao ốc chung cư không ít khi bắt gặp áo quần phơi phóng ngay balcon mặt tiền, thậm chí cả những “con mực khô” cũng có mặt thay vì chúng phải ở trong nhà tắm! Là người ta thiếu trách nhiệm với mỹ quan chung của cộng đồng. Một xe tang đi trên đường phố, không còn ai ngả giùm cái nón vĩnh biệt người chỉ còn trên mặt đất trong một vài giờ nữa; nhiều chiếc xe máy vẫn giành đường cả với người chết và không thiếu những “anh hùng xa lộ” chung một ngày giỗ với người ra nghĩa trang!

Sống ở phố quá quen với tính ích kỷ và chụp giựt. Một bữa nào ngồi xe buýt, nhìn những chiếc xe gắn máy giành từng tấc đường của nhau trở thành nguyên nhân quan trọng của ùn tắc giao thông sẽ thấy lộn xộn là khó tránh khỏi của một dòng người đông đúc. Nhưng nếu đừng ích kỷ thì đã giảm được rất nhiều cảnh xe như nêm cối ngoài đường. Có ích kỷ, chụp giựt nên mới phóng xe chạy khi lỡ va quệt với người khác mà nếu qua mặt được cảnh sát thì kể như… ổn!

Thói đua đòi nhiều khi vô lối đến trơ trẽn cũng là một thói xấu chốn thị thành. Thường dân đơn lẻ đua đòi đã đành và có thể đổ cho là tại dân trí kém, nhận thức chưa cao… chứ như một trường đại học mà đua đòi thì chỉ còn cách nói đó là một thói xấu của những thị dân cao cấp. Một trường đại học lớn ở Sài Gòn in 5.000 cuốn lịch hoành tráng vĩ mô trong dịp Tết và ghi là để “kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long” (!). Lịch có bức tranh "Góc phố An Nam" có ghi dòng chữ “Đ.M đứa nào ở trong cái nhà này”. Khi bị hỏi, hiệu trưởng trường cho biết “bức tranh Góc phố An Nam có giá trị văn hóa siêu vật thể, góp phần làm rõ một loại hình ngôn ngữ dân gian với những tiếng …chửi thề và hình vẽ tục”.  Hỡi ơi, có một thứ “văn hóa” chửi thề và hình vẽ tục? Những câu, hình đấy là có thực nhưng đưa nó lên thành văn hóa, in nó lên lịch cả trường đại học thì chỉ có “anh em kỹ thuật” của trường đại học này mới làm được thôi! Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào và đào ngay phải ổ kiến lửa, cũng là thói đua đòi theo… chuyện khỉ mà ra!

Hầu hết các thành thị VN hình thành theo quá trình Tây hóa, thiếu thời gian hình thành một bản sắc đô thị VN như phố cổ Hà Nội, cho nên đã trở thành mảnh đất tốt cho lối sống “đèn nhà ai nấy rạng”. Nhưng làm sao tạo ra một văn hóa đô thị là vấn đề không dễ dàng, và càng không thể tạo ra với những anh chàng Hai Lúa vừa mới… đổi trang phục, tiện nghi sống mà trong đầu thì tư duy còn nồng mùi bùn và rơm cỏ. Châu Âu phải mấy trăm năm, Nhật Bản cũng không nhanh hơn trong việc xây dựng một đô thị mang sắc thái văn hóa thị dân. Không thể chỉ bằng việc đơn phương đưa ra những quy định hành chính duy ý chí mà có thể có được văn hóa thị dân đúng nghĩa và bền vững. Và vì sao trong khi dạy cho trẻ em những điều cao xa mà lãng quên dạy chúng ngay từ khi còn nhỏ lối sống văn minh, hữu ái và tinh thần trách nhiệm của người đô thị?

Hư Trúc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm