Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tết xưa của người Việt có gì?

Chủ nhật, 22/01/2012 - 14:56

(Thanh tra)- Đóng góp nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng dân gian của Việt Nam, là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, Giáo sư Trần Lâm Biền đã có cuộc trò chuyện thú vị với phóng viên Báo Thanh tra về quan điểm, tục lệ và văn hóa truyền thống của người Việt xưa trong ngày Tết.

GS Trần Lâm Biền.

Tết đón mưa - Tết gốc của người Việt

Giáo sư Trần Lâm Biền cho biết, Tết của người Việt xưa vốn cùng chung với Tết của khu vực Đông Nam Á, đó là Tết đón mưa, được tổ chức vào khoảng trước hoặc sau tháng 4 dương lịch hằng năm.

Hiện nay, lễ hội Đền Gióng (9/4 âm lịch, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là lễ hội còn ít nhiều gắn với Tết đón mưa của người Việt thời xa xưa. Đây là một “hội trận” vừa thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ, vừa thể hiện mong ước “Quốc thái dân an” của nhân dân. Trong lễ hội Đền Gióng có lễ rước ngựa trắng. Theo quan niệm của người xưa, thì ngựa trắng là biểu trưng của mặt trời, không phải là ngựa thần mà theo ánh sáng rước đi… Một điểm khác biệt của lễ hội này là sự xuất hiện của 28 thiếu nữ ngồi lên kiệu tượng trưng cho các nữ tướng giặc. Gia đình nào có con gái được chọn thì rất được trọng vọng…

+ Tết Nguyên đán xuất hiện ở nước ta như thế nào thưa Giáo sư?

- Sau cuộc xâm lược của phương Bắc vào Việt Nam, nước ta có cái Tết chung với Tết của Đông Á là Tết Nguyên đán. Khi vào Việt Nam, Tết Nguyên đán được người Việt chấp nhận bởi nó phù hợp với chu trình thời gian khép kín trong sản xuất của người Việt.

Người ta thường nói, Tết là những ngày nông nhàn. Điều đó đúng nhưng mới chỉ đúng về hình thức. Thực tế, ngày Tết được coi như điểm khởi đầu của một chu trình sản xuất mới. Chu trình này bắt đầu từ ngày mùng Một âm lịch. Đây cũng được coi là một chu trình xuất hiện của loài người.

Theo đó, thời điểm đầu năm, con người hòa nhập với trời đất. Có lễ cúng thần linh, lễ cúng gia tiên. Sau đó, đến với sản xuất, đi cấy đi cày, lúc ngày mùa… rồi lại đến cuối năm và chuẩn bị bắt đầu năm mới. Nó lặp đi lặp lại là một chu trình của thời gian, văn hóa, sản xuất. Chính điểm khởi đầu ấy, có cái gì mong muốn, cầu mong nhất đều được đề đạt với Thần linh, trời đất, gia tiên. Đồng thời, lúc đó con người trở nên hồn nhiên, trong sáng… như lắng nghe được lời thì thầm của vũ trụ.

Chuẩn bị đón tết bắt đầu từ lễ tiễn ông Táo. Nếu như người Trung Hoa tiễn ông Công, ông Táo suốt ba ngày (22, 23, 24 tháng Chạp) thì người Việt chỉ làm lễ tiễn vào ngày 23 tháng Chạp. Từ đó đến Giao thừa là thời gian “tháo khoán”, người ta được tự do, không bị lệ thuộc bởi sự ràng buộc của thần linh, bởi lúc này không ai cai quản, có thể đi làm việc gì bất kể ngày nào mà quan niệm không có ngày xấu. Đến thời điểm Giao thừa, là thời khắc chuyển hóa từ cái cũ sang cái mới, từ một chu trình chuyển giao, con người lúc đó dù ở trong hoàn cảnh nào, trong tâm cũng bừng sáng để đón một năm mới.

Hiểu đúng về hái lộc, lì xì

+ Người Việt xưa quan niệm về hái lộc có gì khác nay không, thưa Giáo sư?

- Trước kia người Việt thường lên đền, cúng bái thần linh, sau này khi chùa “ăn nhập” vào tâm hồn người Việt thì người ta mới đi chùa ngày Tết. Bởi, chùa là nơi để hướng tới điều thiện, gắn với Phật, mà đạo Phật thì gắn với từ bi và thoát tục. Thế nên, người ta đến đấy không để xin lộc, cầu duyên… Hiện nay, một bộ phận người có tư tưởng đến chùa ngày Tết cúng để xin lộc là ảnh hưởng từ đền mà sang.

Về hiện tượng đi hái lộc là tục năm mới, gắn với đền. Hái lộc, theo quan niệm của người xưa chỉ là hái những búp lá non mới nở. Thường là hái búp, lộc cây bồ đề tượng trưng cho trí tuệ ở lại. Búp ấy, khi người ta hái xong khấn với thần linh ở đền, sau đó đem về nhà đặt lên bàn thời gia tiên.

Khác với nhiều hiện tượng hái lộc ngày nay, nhiều người lên chùa chen nhau, dẫm đạp lên nhau để hái lộc. Có người vặt trụi cả cành cây to ở đầu đường, bờ rào nào đó đem về nhà tưởng là lộc nhưng có khi lại đem cái xấu, không hay về nhà.

+ Giáo sư có thể nói những nét đáng chú ý về tục mừng tuổi theo quan niệm của người xưa?

- Về tục mừng tuổi, theo quan niệm của người xưa, mừng tuổi có nghĩa là người già mừng cho người trẻ. Bởi trong nhận thức xưa có ngũ phúc lâm môn (phú - giàu có, quý - sang trọng, thọ - sống lâu, khang - khỏe mạnh, ninh - yên ổn). Nên mừng tuổi phải được bỏ vào trong một cái bao giấy màu đỏ - gọi là bao lì xì. Nếu không viết cả 5 chữ ấy lên bao thì chỉ viết chữ “thọ”, bao hàm cả 5 mong muốn trên. Chữ “thọ” màu đỏ còn tượng trưng cho sinh khí, áo quan thường dùng bằng màu đỏ. Như vậy, việc mừng tuổi của một người lớn tuổi với người ít tuổi bằng chiếc bao màu đỏ để cầu phúc trọn vẹn cho người được mừng tuổi. Tiền ở trong bao lì xì không quan trọng nhiều hay ít mà là đó biểu hiện đầy đủ về cả tinh thần và vật chất.

Tuy nhiên, hiện nay, có hiện tượng cuốn theo kinh tế thị trường, nhiều cơ quan, ngày Tết xòe ra một tập tiền phát cho các cán bộ nhân viên mà không bỏ vào trong bao lì xì giống như quan niệm mừng tuổi xưa. Ngoài ra, còn có hiện tượng trong ngày Tết, người được mừng tuổi chỉ lấy tiền, còn vứt bao đi. Lấy đồng tiền là chính, nhìn cái vỏ bao lì xì coi chỉ như một phong bì đựng tiền cho thấy việc không hiểu về bản chất, nét đẹp, ý nghĩ sâu xa của tục lệ này. Cá biệt, có người còn lợi dụng việc làm lễ ở các đền, chùa tung tiền mừng tuổi… Đây là một hiện tượng trần tục hóa một hình thức, một tục văn hóa thiêng liêng khó có thể chấp nhận được.

+ Xin cảm ơn giáo sư !

Hữu Oanh (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm