Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Rồng trong văn hóa Việt

Thứ hai, 30/01/2012 - 12:18

(Thanh tra) - Vì Rồng là biểu trưng cho cội nguồn nòi giống, người Việt sử dụng hình ảnh Rồng trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ dân dã đến ngôi cao chín bệ, Rồng hiện diện từ văn hóa vật thể đến đời sống tâm linh.

Ảnh minh họa

Với người Việt, Rồng ra đời từ thời Hồng Bàng bằng truyền thuyết đầy huyền thoại Con Rồng - cháu Tiên. Tiên và Rồng là một cặp đôi, vật tổ theo  lối tư duy từ triết lý âm dương mà có, để giải thích cội nguồn tổ tiên của người Việt. Tiên được trừu tượng hóa từ giống chim để rồi Mẹ Âu Cơ đẻ trứng, còn Rồng là con vật được trừu tượng hóa từ hai con vật phổ biến ở Đông Nam Á là rắn và cá sấu, xuất phát từ tính cách trọng tình cảm, hiếu hòa của cư dân nông nghiệp.

Rồng còn là một trong 12 con giáp ứng với thập nhị địa chi. Rồng gắn liền với mong ước phồn thực, với biểu tượng cầu mưa trong sinh hoạt của người Việt. Bởi với cư dân nông nghiệp lúa nước, mưa thuận, gió hòa là yếu tố hàng đầu, nên hình ảnh Rồng thường đi kèm với mây trời, sóng nước. Dân gian vẫn cho rằng, hiện tượng gió lốc cuốn nước ngoài biển là Rồng đáp xuống uống nước để lên trời làm mưa tưới mát ruộng đồng.

Các nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã có lý khi khái quát: Con Rồng đã “ẩn phục mấy nghìn năm, bỗng bay lên ở thành Thăng Long vào đầu thời nhà Lý 1010, và đi theo con đường phát triển của dân tộc trong gần một nghìn năm, để hoá thành một bộ chín Rồng, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngước nhìn ra biển Đông. Sức sống của Rồng cũng lâu dài, mãnh liệt như chính lịch sử tiến hóa của dân tộc”.

Truyền thuyết kể rằng, một lần đất nước bị giặc ngoại xâm, Trời sai Rồng mẹ mang một đàn con xuống giúp. Giặc tan, Rồng mẹ và đàn con ở lại hạ giới. Chỗ Rồng mẹ xuống nước là Hạ Long, nơi đàn con xuống nước là Bái Tử Long, đuôi đàn Rồng quẫy tung sóng trắng là Bạch Long Vỹ… Vì lẽ đó, sách cổ thường nhắc đến Rồng vàng xuất hiện như một điềm tốt, và chữ Long thường được dùng để đặt tên cho nhiều địa danh ở nước ta như Hàm Rồng, Hàm Long, Thăng Long, Long Môn, Long Điền, Cửu Long, Bình Long, … Trong bộ tứ linh: Long - Lân - Quy - Phụng, Long là linh vật đứng đầu, biểu tượng cho uy lực nam tính, Phụng biểu tượng cho nữ tính. Vì vậy, Rồng - Phụng biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi.

Hơn hết, sự kiện không thể phai trong tâm trí người Việt là nơi khởi đầu ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ cũng gắn với hình ảnh Rồng, một “Nhà Rồng” thân thương.

Sự thay đổi về hình tướng Rồng cũng thể hiện sự hình thành, phát triển của nước Việt qua các triều đại. Nếu như Rồng thời Hùng Vương còn gần với nguyên mẫu cá sấu, thì Rồng thời Lý kết hợp hài hòa của cá sấu và rắn với thân hình uốn lượn nhịp nhàng, biểu trưng cho ổn định xã hội và mưa thuận gió hòa, cộng thêm chòm tóc, chòm lông dài và dày cùng viên ngọc trong miệng nói lên sự mềm mại, hiền từ, phù hợp với tinh thần Phật giáo đang chi phối đời sống xã hội bên cạnh vương quyền, mà đại diện là những vị vua đức độ, giàu lòng vị tha.

Hình ảnh Rồng thời Trần uốn lượn thoải mái, linh hoạt hơn, phản ánh sự phát triển năng động của thời đại, củng cố một bước cao hơn quyền lực xã hội của giai cấp phong kiến, của chế độ quân chủ Trung ương tập quyền. Rồng thời Hồ mập mạp, to khỏe, biểu hiện sự sung sức, táo bạo của vương triều vừa mới sáng lập bằng cuộc cải cách của Hồ Quý Ly.

Thời Lê, khi Nho giáo đã trở thành Quốc giáo, xã hội kỷ cương hơn, uy lực của vua đến tột đỉnh, hình dáng Rồng cũng dũng mãnh, dữ tợn hơn với móng quặp, sừng dài, râu rậm, mặt mũi đanh, sắc, bờm dựng… Sang thời Mạc, dáng Rồng chấp vá, uốn khúc tuỳ tiện, phản ánh một thời kỳ hỗn độn, phân liệt, tranh chấp.

Khi nhà Nguyễn được thiết lập, Nho giáo trở lại vị trí Quốc giáo, nhưng xã hội đi vào giai đoạn suy tàn, nên Rồng thời Nguyễn hình dáng hung tợn, lộ vẻ bề ngoài dọa nạt.

Rồng năm móng thuộc đặc quyền của vua, biểu trưng cho sức mạnh các triều đại phong kiến nên được trang trí phổ biến ở mọi công trình kiến trúc cung đình, lăng tẩm. Việc chọn đất để dựng đế đô, xây lăng tẩm, bao giờ cũng dựa trên nguyên tắc tả Thanh long, hữu Bạch hổ. Khi dân gian dùng hình ảnh Rồng để trang trí ở đình chùa miếu mạo, thì chỉ được phép dùng Rồng bốn móng hoặc ít hơn. Nhưng Rồng trong dân gian đơn giản, kiểu thức cũng linh hoạt, phong phú và gần gũi đời sống hơn.

Rồng còn là mô típ xuyên suốt trong nghệ thuật tạo hình cổ. Múa Rồng cũng là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc ở nước ta. Rồng còn đi vào lĩnh vực văn chương như một biểu tượng đẹp đẽ, cao quý, có giá trị về tinh thần lẫn vật chất.

Chỉ là một con vật tưởng tượng, nhưng con Rồng đã đi vào tâm thức của người Việt. Bằng sức mạnh Thăng Long, Việt Nam nhất định sẽ có một cuộc chuyển mình tốt đẹp, tự tin hơn để đưa đất nước vững bước đi lên.

Kỳ Châu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm