Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người S’tiêng ở sóc Bom Bo

Thu Huyền - Nhật Tường

Thứ sáu, 05/11/2021 - 21:59

(Thanh tra) - Dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay trong thời bình xây dựng quê hương, đất nước, đồng bào dân tộc S’tiêng ở sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đều một lòng sắt son và tràn đầy nhiệt huyết với Đảng, với cách mạng, với dân tộc.

Đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo giàu truyền thống cách mạng và đời sống văn hóa phong phú. Nguồn ảnh: Tỉnh ủy Bình Phước

Truyền thống hào hùng

Sóc Bom Bo (nay là thôn Bom Bo, thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) là địa danh lịch sử nổi tiếng, là biểu tượng của tình quân dân thắm thiết trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Hình ảnh xuyên đêm đốt đuốc, giã gạo nuôi quân của người dân đồng bào S’tiêng đã trở nên quen thuộc khi đi vào âm nhạc qua bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Đó là hình ảnh đẹp đẽ của một vùng đất cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo đã không quản hiểm nguy, băng rừng lội suối vào căn cứ Nửa Lon (nay thuộc xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng) để theo cách mạng. Ở đó, trai tráng thì tham gia bộ đội, du kích; phụ nữ, người già thì ngày đêm giã gạo phục vụ kháng chiến. Dù cuộc sống hết sức gian khổ, chủ yếu phải ăn củ rừng, rau rừng nhưng đồng bào vẫn đoàn kết, kiên quyết bám trụ căn cứ, trở thành hậu phương tiếp tế lương thực cho các chiến sĩ nơi tiền tuyến.

Tại căn cứ Nửa Lon, đồng bào S’tiêng vẫn không quên bản quán, họ lập ra một sóc mới, cũng lấy tên là sóc Bom Bo. Nhiều người con của sóc Bom Bo đã hăng hái tham gia cách mạng, lập những chiến công lớn, tiêu biểu như Điểu Lên, Điểu Siêng, Điểu Briêng…

Sau khi đất nước được thống nhất, người dân Bom Bo lại rời căn cứ kháng chiến, trở về sóc cũ. Những anh hùng, dũng sĩ, những người con kiên cường của đồng bào S’tiêng lại bước vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương.

Xây dựng cuộc sống mới

Ngày nay, thôn Bom Bo đang đổi mới không ngừng. Đường giao thông đã được đầu tư thoáng, rộng, rải nhựa kiên cố. Trong thôn, trong từng nhà, ánh điện chiếu sáng thay cho ánh đuốc lồ ô bập bùng của những ngày kháng chiến gian khổ.

Theo thống kê, thôn Bom Bo có gần 2.000 nhân khẩu, trong đó 96% là dân tộc thiểu số, hầu hết là đồng bào S’tiêng. Nhờ chính sách định canh, định cư, chủ trương xóa đói giảm nghèo và đề án hỗ trợ phát triển cây điều mà cuộc sống nơi đây được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, số hộ khá tăng lên và 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường.

Với tinh thần cách mạng và lòng tự hào về truyền thống quê hương, đồng bào S’tiêng ở thôn Bom Bo đang từng ngày hăng say lao động, góp tiền, hiến đất, góp ngày công, cùng chung tay xây dựng xã Bình Minh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Cuối năm 2015, Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo giai đoạn 1 đã được khánh thành với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, trên diện tích hơn 113ha. Đây không chỉ là nới lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử của người S'tiêng nói chung và đồng bào sóc Bom Bo nói riêng mà còn là điểm du lịch độc đáo của tỉnh Bình Phước.

Mỗi năm, Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đón hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu. Đó là cơ hội để người dân Bom Bo thể hiện lòng tự hào về truyền thống quê hương, về những huyền thoại bên ánh lửa lồ ô giữa đại ngàn. Đó cũng là cơ hội để họ mở rộng các dịch vụ du lịch, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm