Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngược Sơn Tiến lắng hồn văn hóa Thổ

Xuân Thống

Thứ năm, 04/11/2021 - 16:20

(Thanh tra) - Xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, lâu nay được nhiều nơi biết đến nhờ mô hình Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian dân tộc Thổ. CLB là nơi không chỉ bảo tồn, lưu giữ, mà còn góp phần tham gia tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Nghệ nhân Trương Sông Hương đang tập luyện cùng các thành viên CLB. Ảnh: Xuân Thống

Từ nghệ nhân giữ hồn văn hóa Thổ

Đối với người Thổ, những làn điệu dân ca, dân vũ và các loại nhạc cụ như: Đàn tính, kèn, sáo, nhị đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình. Hiện nay do nhiều yếu tố khác nhau, nét văn hóa này đang đứng trước nguy cơ mai một.

Không đành lòng trước thực tế đó, ngày ngày tại xã Thọ Hợp, những làn điệu dân ca hay những nhạc cụ truyền thống vẫn được nghệ nhân Trương Sông Hương miệt mài sáng tạo, lưu giữ và truyền dạy. Việc làm đầy ý nghĩa này của ông đã được cộng đồng quan tâm, ủng hộ nhiệt tình...

Ông Trương Sông Hương là một trong số ít những nghệ nhân đầu tiên ở huyện miền núi Quỳ Hợp nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với danh hiệu này, ông Trương Sông Hương đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành về những đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn. Gần 15 năm nay, không phân biệt lứa tuổi, từ các em học sinh, các cụ già đến nam thanh nữ tú ở các bản làng đều tập trung về nhà ôn để cùng học các làn điệu dân ca, dân vũ do nghệ nhân Trương Sông Hương truyền dạy.

Những năm qua, đồng bào dân tộc Thổ ở xã Thọ Hợp xem ông Hương như một "nghệ nhân cộng đồng" thực thụ, bởi vốn hiểu biết thông thái về văn hóa dân gian. Còn nhớ, năm 2006, khi UBND huyện Quỳ Hợp được sự hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án "Cải thiện đời sống của cộng đồng người dân và nâng cao năng lực các tổ chức địa phương" do Phần Lan tài trợ, ông Hương đăng ký tham gia đứng lớp "miễn phí" và làm Chủ nhiệm CLB Văn hoá dân gian dân tộc Thổ ở làng Sơn Tiến, xã Thọ Hợp.

Không lâu khi ra đời, CLB nơi đây đã trở thành điểm đến của những người yêu văn hoá Thổ.

Trong tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng sáo và tiếng hát rộn rã hòa lẫn với những điệu nhảy múa, reo hò của bà con đồng bào Thổ, ông Hương phấn khởi: “Là người con của tộc người trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Việt Nam, với vốn ngôn ngữ và nét văn hóa được quan tâm và biết nhiều hơn chút đỉnh nên tôi muốn giữ lại phong trào, lời ca tiếng hát, các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Thổ. Ngày đêm tôi cũng phải sưu tầm, sáng tác thêm, sưu tầm những bài cổ, giữ lại cho con cháu sau này. Từ việc duy trì phong trào này, về sau các lớp kế cận sẽ học hỏi được, mong rằng giữ lại phong trào, bản sắc của dân tộc Thổ”.

Một buổi tổng duyệt của CLB Văn hóa dân gian dân tộc Thổ, xóm Sơn Tiến trước khi tham gia liên hoan. Ảnh: X.T

Ngoài việc truyền dạy dân ca, dân vũ, nghệ nhân Trương Sông Hương còn đóng góp công sức rất lớn vào việc gìn giữ các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thổ. Hiện tại, ông dành hẳn một gian ở nhà mình để trưng bày trên chục loại nhạc cụ như: Đàn tính, kèn, sáo, nhị… Trong đó, có nhiều hiện vật quý do chính ông sưu tầm và sáng tạo. Cũng nhờ đó, hiện nay trong các dịp lễ tết, hội hè thậm chí cả đám cưới, lễ mừng nhà mới, ngày hội các dân tộc thiểu số hàng năm... thì ngoài phần lễ, phần hội đã được tổ chức bài bản, công phu hơn trước với những tiết mục dân ca, dân vũ được biểu diễn mang đậm nét truyền thống của đồng bào DTTS...

Đến “địa chỉ” bảo tồn, trao truyền văn hóa dân gian thuần Thổ

Chúng tôi có dịp theo chân cán bộ văn hóa xã Thọ Hợp để tận mắt thấy tai nghe qua một buổi diễn tập của CLB. Thật không khỏi bất ngờ và thú vị bởi là một xóm còn nhiều khó khăn, đa phần người dân làm nông nghiệp, song CLB này lại được tổ chức rất chặt chẽ và khá bài bản gồm 2 ban: Âm nhạc và ca múa. Các nội dung hoạt động rất phong phú, đa dạng như việc sưu tầm, sáng tác các làn điệu dân ca Thổ, những điệu trống, kèn, các vật dụng đồ cổ, nghệ thuật ẩm thực và tìm hiểu, lưu giữ phong tục tập quán…

Nghệ nhân ưu tú Trương Sông Hương, Chủ nhiệm CLB Văn hóa dân gian dân tộc Thổ, xóm Sơn Tiến cho biết: Thuở đầu chỉ là đội văn nghệ với số người tham gia rất khiêm tốn, tự phát, nhận thấy phong trào ngày một đi lên khi nhu cầu tham gia của con em ngày một đông, ngày 18/9/2007, CLB ra đời. Đến nay đã thu hút trên 50 thành viên, trong đội văn nghệ có 15 diễn viên, 6 nhạc công, thường thường hàng tháng có một lần luyện tập gây phong trào, giữ phong trào cho con cháu về sau này.

Bên cạnh các giá trị văn hóa dân gian của người Thổ hiện vẫn còn được truyền lại trong nhân dân như kèn, sáo, trống, chiêng, váy, áo, thắt lưng... thì còn nhiều giá trị văn hóa cổ truyền, nếu không kịp thời bảo lưu sẽ rất dễ bị mai một. Nhất là đối với các giá trị phi vật thể như phong tục, tập quán, các chuyện kể, các làn điệu dân ca cổ như đu đu điềng điềng, cồng chiêng, tập tính tập tang, dạ ơi… Đó là những lời ca, điệu hát có tính giáo huấn cao, đồng thời thể hiện vẻ đẹp của đời sống tâm hồn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước của đồng bào dân tộc Thổ.

Nghệ nhân Trương Sông Hương đang hướng dẫn, truyền dạy cho học sinh về bảo tồn văn hóa Thổ. Ảnh: Xuân Thống

Bà Trương Thị Giang, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: “Trong quá trình xây dựng và đóng góp để bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc, văn hóa của xã Thọ Hợp, nghệ nhân Trương Sông Hương đã nhiều cố gắng và trách nhiệm, tâm huyết để có một CLB đi vào hoạt động có hiệu quả, tham gia các hoạt động tại các dịp liên hoan cấp huyện, tỉnh đều đạt những kết quả cao…”.

Giờ đây ông Trương Sông Hương đã có thể thong dong khắp bản trên mường dưới thỏa niềm đam mê của mình. Ông muốn văn hóa bản sắc Thổ luôn tỏa sáng trong vườn hoa đầy hương sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Gia đình nghệ nhân Trương Sông Hương giờ đã trở thành địa chỉ để trao truyền cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc Thổ của Nghệ An.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm