Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngày Xuân ở đền Củi

Thứ ba, 17/01/2012 - 06:30

(Thanh tra)- Từ quốc lộ 1A, dọc theo chân núi Ngũ Mã chưa đầy 300m, đền Củi (còn gọi là đền Chợ Củi) - ngôi đền linh thiêng toạ lạc bên dòng sông Lam uốn theo triền núi, tạo nên cảnh non nước hữu tình. Hàng năm, đền thu hút một lượng lớn khách đến tham quan, đặc biệt là dịp Tết đến, Xuân về.

Đền Củi

Đền Củi, thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, được xây dựng từ cuối thời Lê sơ. Tam quan ngôi đền liền kề bờ sông, cao hai tầng, kiến trúc theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt” với những đường nét điêu khắc tinh tế. Từ tam quan bước lên mười hai bậc đến hạ điện. Ngôi đền được bố trí thành các cung thờ Tam toà Thánh mẫu, Ngũ vị Tôn ông, cung Hoàng mười, cung Trần Triều. Phía dưới cung thờ Tam phủ là cung thờ Ngũ vị quan lớn, trong đó có các vị quan lớn như Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tứ. Dưới cung Ngũ vị quan lớn là hàng thờ các ông Hoàng, từ ông Hoàng Nhất tới ông Hoàng Mười, tương truyền là con trai của Long Thần Bát Hải Đại vương ở hồ Động Đình.

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, mỗi ông Hoàng đều gắn bó với một nhân vật lịch sử có thật. Ví như ông Hoàng Mười, trong tâm thức của người xứ Nghệ, là hiện thân của Lê Khôi, vị tướng của nghĩa quân Lam Sơn có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, làm quan lớn trải qua ba đời vua nhà Lê là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Ông Hoàng Mười được nhà vua giao trọng trách thống soái đại quân trấn thủ ở Hoàn Châu, là người vừa có công dẹp giặc, vừa có công chăm sóc dân chúng làm ăn, khai thông buôn bán các miền, nhờ vậy mà đời sống dân tình ngày một khá giả.

Một năm kia, giặc ngoại bang xâm lăng, ông đã đốc thúc binh sĩ, xông pha chiến trận dẹp tan giặc. Chiến thắng trở về, bỗng một trận cuồng phong ập đến, nhà của dân chúng đổ nát hết. Thương dân, ông cùng binh sĩ lên ngàn chặt tre, đốn gỗ đưa về dựng nhà giúp dân. Dân chúng ngày một kính trọng ông. Một lần, khi xuôi bè về đến chân Ngàn Hồng (núi Hồng Lĩnh ngày nay), cuồng phong ập đến, cuốn đi vị anh hùng. Quân sỹ và dân chúng chưa kịp mai táng thì mối đùn lên thi hài ông, đắp thành mộ. Dân chúng lập đền thờ tại chân núi Ngũ Mã, nay là đền Củi, hay còn gọi là đền Hoàng Mười để tri ân vị tướng có công với dân, với nước.

Cũng có truyền thuyết cho rằng, ông Hoàng Mười chính là vị thần Kim Quy hiện lên trao gươm báu giúp Lê Lợi đánh tan quân Minh.

Ông Hoàng Mười thờ trong đền Củi, dù là hiện thân của thần thánh hay một nhân vật lịch sử có thật, đều rất gắn bó và có nét phù hợp với tâm lý, tính cách của người xứ Nghệ. Đó là con người có chí khí, văn võ song toàn.
Điểm độc đáo nữa ở đền Củi là nơi đây có cung Chầu Mười. Ông là người Thổ, có công giúp Lê Lợi đánh tan quân Liễu Thăng nhà Minh, trấn an biên giới phía Bắc nước ta. Bên ngoài là cung thờ Trần Triều -  Trần Hưng Đạo Đại Vương, đây là nhân vật lịch sử, được nhân dân phong là Thánh. Trong đạo Mẫu, ông được quy về dòng dõi Long Vương. Bên ngoài hạ điện có hai tầng mái, trông bề thế, thâm nghiêm nhưng vẫn thanh thoát, uyển chuyển. Bức tường giữa hai tầng mái có đề bốn chữ Linh Từ Thánh Mẫu, nghĩa là đền thiêng thờ Thánh mẫu.

Là ngôi đền có tiếng linh thiêng nên những năm gần đây, cứ vào dịp Tết, du khách trong Nam, ngoài Bắc lại đến dâng hương rất đông. Mọi người cùng nhau thắp hương cầu lộc, cầu tài, mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, vợ chồng con cái hạnh phúc. Trong khói hương trầm thơm ngát, du khách được thả hồn vào cõi hư vô, xua tan đi hết những phiền muộn, âu lo.

Ông Nguyễn Sỹ Quý, thôn 2, xã Xuân Hồng, nhà ở cạnh đền, cho biết: “Cha ông, dòng họ tôi có truyền thống tâm linh, thường quan tâm tu bổ, hương khói các đền, chùa. Ở xóm này có một ngôi chùa gọi là chùa Thập Sơn, nên xóm này gọi là xóm Thập Sơn. Ngôi chùa vẫn còn. Cha ông tôi đã có 8 đời gắn bó với di tích đền Chợ Củi, làm nhà cạnh đền, tự nguyện tu bổ, hương khói cho đền”.

Theo ông Quý, hiện nay đền Chợ Củi còn có nơi thờ tự tổ tiên dòng họ Nguyễn Sỹ. Dòng họ Nguyễn Sỹ ở Xuân Hồng không xây dựng nhà thờ riêng mà có một gian thờ tổ tại đền. 

Lý giải về việc này, ông Quý nói: Từ các đời trước, dòng họ Nguyễn Sỹ đã gắn bó với đền, có công tham gia xây dựng, tu bổ, hương khói. Vùng này trước đây rất hoang vắng, chỉ có gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh là bố ông Quý nhà cạnh đền. Năm 1968, máy bay Mỹ ném bom phía sau núi Ngũ Mã, tuy không trúng đền, nhưng sức ép đã làm bay toàn bộ mái ngói. Lúc ấy, người dân phải sơ tán, trong hoàn cảnh chiến tranh không ai chăm lo đến đền chùa.

Thấy cảnh đền đổ nát, bà nội ông Nguyễn Sỹ Quý đứng ra vận động bà con giúp sức, thậm chí ra tận Hà Nội, Hải Phòng để vận động các nhà hảo tâm, mua tranh lợp lại đền. Sau hai lần lợp tranh, gia đình tiếp tục đứng ra vận động bà con và các nhà hảo tâm đóng góp mua ngói về lợp. Trong thời chiến, đền Chợ Củi và nhà ông Nguyễn Sỹ Quýnh thành nơi chứa lương thực, đạn dược phục vụ kháng chiến. Đồ thờ tự trong đền bị mất gần hết, dòng họ Nguyễn Sỹ lại vận động bà con đóng góp, mua lại. Trong việc này có công lao của ông Bảng, nay đã mất.

Có một sự kiện khẳng định công lao giữ gìn di tích của dòng họ Nguyễn Sỹ, đặc biệt là ông Nguyễn Sỹ Quýnh. Năm 1971, xã Xuân Hồng tổ chức đoàn phá dỡ di tích đền Chợ Củi. Trước đó, cùng năm, xã Xuân Hồng đã phá chùa Báo Ân, một ngôi chùa lớn tại xã, nhưng ông trưởng đoàn bị tai nạn gãy chân. Trước tình thế đó, ông Nguyễn Sỹ Quýnh xin xã Xuân Hồng giữ lại cho gia đình một toà đền để thờ cúng tổ tiên và thánh thần (đền có ba toà nhà). Do đó, xã Xuân Hồng đã không phá dỡ đền.

Trước đó, hầu như không có khách vãng lai đến đền Chợ Củi. Từ năm 1980, đền mới bắt đầu có khách và ngày càng đông. Khoảng năm 1984 - 1985, xã Xuân Hồng tổ chức quản lý đền, rồi Hội Phụ lão quản lý, nhưng không thành công. Xã lại giao cho một cá nhân là người xã khác đến quản lý, nhưng ông này làm được một năm, ôm tiền công đức bỏ trốn. Từ khoảng năm 1993, ông Nguyễn Sỹ Quýnh đứng ra quản lý đền cho đến khi già yếu thì chuyển giao cho hai con trai là Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá. Cũng năm 1993, đền Chợ Củi được Bộ Văn hoá công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Từ đó đến nay, ông Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá làm quản lý đền, thu tiền công đức, hàng năm đều nộp đầy đủ vào ngân sách xã theo quy định, ngoài ra còn ủng hộ các nhà trường, đoàn thể ở địa phương.

Ông Quý cho biết thêm: "Để chuẩn bị đón Tết Nhâm Thìn 2012, ngoài việc tăng cường công tác an ninh trật tự, Ban Quản lý đền đã có kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên như nhóm đón tiếp, nhóm hướng dẫn khách thắp hương, nhóm ghi tên công đức. Ngoài ra, còn chú trọng công tác vệ sinh môi trường, hạn chế thấp nhất việc đốt vàng mã, lên đồng xem bói trước cổng đền".


PVBTB

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm