Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngày Tết tìm hiểu về nguồn gốc trò Xuân Phả, huyện Thọ Xuân

Văn Thanh

Thứ ba, 24/09/2024 - 15:00

(Thanh tra) – Trò Xuân Phả ở Thọ Xuân, Thanh Hóa là trò diễn dân gian đã có từ lâu đời, ngày nay thường được các nghệ nhân ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân diễn xướng vào các dịp Tết đến, Xuân về và các ngày lễ trọng đại của tỉnh và đất nước.

Trò Xuân Phả được biểu diễn ở Lễ hội Lam Kinh. Ảnh: VT

Theo lời của các nghệ nhân xã Xuân Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa thì người dân làng Xuân Phả bao đời vẫn lưu truyền về nguồn gốc của trò diễn này có từ thời Nhà Đinh (968 - 980). Truyền thuyết kể lại rằng, trên đường dẫn nghĩa quân đi dẹp loạn sứ quân cuối cùng trong loạn 12 sứ quân, đó là sứ quân Ngô Xương Xí ở Bình Kiều Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay), Đinh Bộ Lĩnh khi đến đất Quan Thành thì dựng trại, đóng quân tại đây.

Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh đã cử sứ giả đi cầu để giúp ba quân đánh thắng trận để thống nhất đất nước. Sứ giả nhận mệnh đi đường thủy ngược dòng Sông Chu thì gặp giông tố nổi lên nên phải trú lại trong nghè Xuân Phả. Nghè Xuân Phả là nơi thờ Đại Hải Long Vương, một vị thần rất linh thiêng theo tín ngưỡng người Châu Ái. Đến đêm, thần Hoàng làng Xuân Phả đã báo mộng cho sứ giả về cách phá giặc. Thấy kế hay, Đinh Bộ Lĩnh bèn làm theo và đã đánh bại được quân của Ngô Xuơng Xí thống nhất đất nước với danh xưng nhà nước Đại Cồ Việt.

Hiện nay, trò Xuân Phả gồm có 5 điệu múa đại diện cho văn hoá của năm khu vực lân bang với nước Đại Cồ Việt xưa, đó là Hoa Lang (điệu múa của Vương quốc Cao Ly ngày nay là Triều Tiên), Chiêm Thành (một bộ tộc ở phía Nam nước Đại Cồ Việt), Ai Lao (nước Lào ngày nay), Ngô Quốc (tên một quốc gia thời cổ đại ở Trung Quốc), Lục Hồn Nhung (tên một bộ tộc phía Bắc Đại Cồ Việt).

Tưởng nhớ đến công lao thần Hoàng làng Xuân Phả báo mộng, Vua Đinh sau đó đã cho đem toàn bộ cống phẩm đến tế tại đền thờ Đại Hải Long Vương. Vua Đinh đã trực tiếp giao cho Hoàng hậu Nguyệt Nương trách nhiệm huấn luyện đội múa để hàng năm thực hành các điệu múa này tại nghè Xuân Phả vào dịp hội làng. Sau này, theo thỉnh cầu của người dân làng Xuân Phả, các điệu múa này đã được truyền lại cho người dân tự tập, tự diễn.

Từ đó, điệu múa có tên là Xuân Phả hay còn gọi là Ngũ quốc lân bang đồ cống tiến, và được các thế hệ người dân làng Xuân Phả lưu truyền đến ngày nay trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo ở Xứ Thanh.

Tháng 9/2016, trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Di sản này đã không chỉ là báu vật văn hóa xứ Thanh mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Trò Xuân Phả thường xuyên được người dân sinh hoạt dưới nhiều hình thức. Năm 1936, trò Xuân Phả được vua Bảo Đại mời vào biểu diễn tại Hội chợ Kinh đô Huế, sau đó được đưa đi biểu diễn tại Sài Gòn và Hà Nội.

Trong Lễ hội Lam Kinh 2018, một lễ hội lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá, trò Xuân Phả đã được biểu diễn với ý nghĩa mở ra cho một thời kỳ thịnh vượng, một cuộc sống ấm no hạnh phúc của người dân. Đây là những minh chứng cho sức sống trường tồn của trò Xuân Phả trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân xứ Thanh.

Theo các nghệ nhân ở xã Xuân Trường, 5 trò Xuân Phả, mỗi trò đều có trang phục khác nhau. Mặc dù có nhiều trò sử dụng áo 5 thân, quần dài trắng có kiểu may giống nhau, nhưng màu sắc thì hoàn toàn khác nhau. Người Cao Ly trong trò Hoa Lang mặc áo màu xanh nước biển. Người Chiêm Thành trong trò Chiêm Thành mặc quần áo màu đỏ, đội mũ đỏ. Người Lục Hồn thì mặc áo màu xanh chàm, đây là một bộ tộc ít người cư trú ở vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa. Người Trung Hoa trong trò Ngô Quốc mặc áo màu thanh thiên. Xuân Phả còn được coi là một diễn xướng tổng hợp tính chất trò, tính chất ca, tính chất múa.

Điểm nổi bật trong nghệ thuật trò Xuân Phả là luôn tôn trọng nội dung múa, các điệu múa đều có quy định chặt chẽ. Từng trò trong cả một hệ thống đều có vũ đồ rõ ràng. Quy cách múa cũng được quy định chặt chẽ và sử dụng nhiều động tác như múa tay, múa chân, múa có đạo cụ (cờ, quạt, gươm, giáo...). Đặc biệt các điệu múa trong Xuân Phả sử dụng những động tác giật vai, lắc đầu, múa toàn thân, nhảy nhỏ... là hiện tượng hiếm có trong lịch sự phát triển của múa nhân loại.

Riêng người Lào trong trò Ai Lao thì mặc quần dài và áo cánh trắng, quấn xà cạp màu xanh chàm, có một tấm thổ cẩm dệt hoa văn Lào, quàng chéo từ vai phải sang hông trái.

Có 3 trò sử dụng mặt nạ. Người Cao Ly mang măt nạ bằng da bò, có mũi thẳng và cao, đội mũ da màu đen có chóp nhọn, có ria mép. Người Chiêm Thành mang mặt nạ bằng gỗ sơn màu đỏ, mũi thấp và ngắn, hai mắt bằng lông chim công, không có ria mép, để thể hiện người Châu Á. Người Lục Hồn mang mặt nạ gỗ sơn trắng, người cằm nhọn là đàn bà, người cằm tròn là đàn ông, mặt nạ nhiều răng là người nhiều tuổi, mặt nạ ít răng là người ít tuổi, mặt nạ của người Lục Hồn chủ yếu thể hiện về mặt tuổi tác.

Đặc biệt trong hai trò Lục Hồn Nhung và Ai Lao, có đội mũ nan đan bằng tre như hình cái rế. Người Lào thì trên mũ nan ấy buộc nhiều sợi rễ cây si dài đến chấm vai, tượng trưng cho tóc dài. Người Lục Hồn thì gắn nhiều búi bòng bong được vót ra từ tre hoặc nứa, tượng trưng cho tóc ngắn, nhằm biểu hiện cho các bộ tộc ở vùng rừng núi xa xôi. Không chỉ màu quần sắc áo, người xưa đã sử dụng đến mặt nạ, mũ, râu tóc để thể hiện nét đặc trưng chủng tộc.

Ngày nay, ngoài ngày lễ chính của trò Xuân Phả, để bảo tồn di sản độc đáo này của địa phương, các nghệ nhân ở xã Xuân Trường đã tổ chức các buổi dạy múa định kỳ cho các em học sinh trong các hoạt động ngoại khoá kết hợp giữa nhà trường và cộng đồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm