Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 29/01/2012 - 08:59
(Thanh tra)- Chẳng biết tên làng Hằng Nga có từ bao giờ. Từ xa nhìn lại, làng như con rùa nằm ngủ quên trên cánh đồng yên ả. Cánh đồng thì đổi màu theo mùa còn ngôi làng thì vẫn vậy, một ngọn đồi thẳm xanh huyền sử. Bây giờ, tên làng xưa đã không còn, có chăng chỉ còn lưu lại trong ký ức của những người con quê hương. Qua bao thăng trầm lịch sử, tên làng được đổi thành Thường Nga và nay là xã Nga Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Làng Hằng Nga (nay là xã Nga Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Những người giữ lửa cho tâm hồn làng quê kể lại rằng: Ngày xưa nơi đây là một vùng hoang vắng, chỉ cách rừng già chưa đầy một cây số, dân cư thưa thớt, lác đác mấy nhà dựng trại. Có một buổi chiều, người làng thấy một con chim thiên nga từ phía núi Hồng bay về, lượn quanh ngọn đồi ba vòng rồi đáp xuống đỉnh đồi… từ đó làng có tên là Cắng Nga.
Tương truyền có một năm, dịch bệnh hoành hành khắp nơi, người chết như rạ, dân tứ xứ chạy về đây tránh dịch và tránh loạn. Thấy vùng đất phong thủy hữu tình, đất đai màu mỡ nên đã ở lại lập nghiệp, sinh sống. Làng Cắng Nga dần dần trở nên đông đúc. Nhiều dòng họ hội tụ về đây như: Đường Công, Đường Đăng, Đường Văn, Nguyễn Sỹ, Nguyễn Công; tiếp đến là họ Phan, Phạm, Lương, Trần, Trường, Ngô… Cũng từ đây làng có nhiều nghề mới như nghề mộc, nghề đan lát, nghề xe tơ dệt vải, cuộc sống yên vui, thanh bình qua nhiều thế kỷ.
Trong quần thể đình, đền, chùa ở đây phải kể đến đình làng Thường Nga cao to lừng lững tọa lạc giữa sân Cụp. Với những trụ lim cỡ người ôm, xung quanh xây đá ong trông càng cổ kính. Chùa Nương Mong trầm mặc dưới chân động Thiên Bồng. Chùa Trộ Nác thâm nghiêm với những cây lộc vừng có độ tuổi gần nửa thế kỷ. Đặc biệt nơi đây có khu Đền Cả thờ thần mỹ nữ ở phía Tây làng Thường Nga. Đền có khuôn viên rộng khoảng 300m2, quay mặt ra sông. Trên bức hoành phi ghi 4 chữ: “Ngất niên thiên trị”. Người xưa truyền rằng đền rất linh thiêng. Những đêm rằm, khi trăng nghiêng về dãy Giăng Màn, quanh hồ bán nguyệt trước khu đền có chín người con gái mặc áo quần lụa trắng, ngồi chơi nguyệt cầm và hát lên khe khẽ. Đó là chuyện kể ngày xưa, còn bây giờ, ngôi đền đã không còn.
So với ngày xưa, Nga Lộc bây giờ không sầm uất như trước. Trai, gái lớn lên, ra tỉnh học hành, kiếm sống, để lại ông già, bà lão với những cánh đồng. Đi qua đền thờ mỹ nữ xưa giờ chỉ còn cái móng đền trơ trọi mà ngậm ngùi nhớ tiếc một thời quá vãng.
Nhớ khi xưa nơi đây là cái nôi sinh ra vô vàn mỹ nữ, tiếng thơm vang xa tận kinh thành. Bao nhiêu triều vua đã cho quan quân về tuyển chọn nên làng Hằng Nga chỉ còn lại nửa vế đối: “Hằng Nga cửu thế cửu cung phi ”. Nhớ câu chuyện xưa kể về nỗi khổ đau của hai chàng trai trong làng. Chuyện kể rằng: Thời đó trong làng có anh Chắt Tráng và anh Cháu Vạng là hai thanh niên lực lưỡng, tráng kiện nhất làng. Cả hai đều đem lòng yêu cô Thị Ngoan, con của một chức sắc trong làng. Những đêm trăng sáng hai chàng trai thường đến trước ngõ nhà nàng để thể hiện tình cảm bằng tiếng sáo, tiếng tầm vinh.
Một ngày đầu Xuân, nàng Thị Ngoan theo cha đi lễ chùa, Chắt Tráng thấy vậy bèn chạy về nhà lấy chạc cày làm gióng, lấy khúc tre đực làm đòn gánh, nghễu nghện gánh hai bồ thóc ra cổng đình làng, để thể hiện với nàng sức lực của mình. Cháu Vạng cũng không chịu kém anh chặt hai cây tre non làm gióng, lấy ỉn cày làm đòn gánh, gánh hai chum mật mía ra cổng đình làng. Vừa đi anh vừa hát nghêu ngao. Nhưng cũng mùa xuân ấy, quan quân triều đình về đón nàng vào cung. Hai chàng trai uống hết mấy vò rượu rồi đêm xuống, họ bỏ làng ra đi.
Năm tháng đã xa, nay ở làng chỉ còn ngôi mộ phế tàn bên lưng đồi hoang dã. Đó là mộ của một hoàng phi. Người dân vùng này gọi đây là Mã Ả. Trước khi qua đời nàng có di nguyện được về quê yên nghỉ. Có phải tấm lòng nàng nhớ thương nguồn cội hay tâm hồn nàng khắc khoải về những mùa ấu thơ?
Phan Tùng Lưu
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền