Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trà Vân
Thứ sáu, 14/05/2021 - 11:52
(Thanh tra)- Cứ vào mỗi độ trăng tròn tháng Tư Âm lịch, những người con Phật lại hướng tâm về đại lễ Vesak - kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh.
Tại chùa Hoa Yên, Yên Tử, Quảng Ninh đã diễn ra lễ Phật đản Phật lịch 2565, Dương lịch 2021. Ảnh: TV
Lễ tắm Phật tại nhà
Tối qua, ngày 2/4 Âm lịch, tại chùa Hoa Yên, Yên Tử, Quảng Ninh, lễ Phật đản Phật lịch 2565, Dương lịch 2021 đã được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Không chỉ chùa Yên Tử, mà hàng trăm ngôi chùa khác trên cả nước cũng tổ chức đại lễ thông qua mạng xã hội.
Nhiều Phật tử cho rằng, đây là năm thứ 2 họ đón mùa Phật đản không trọn vẹn do đại dịch Covid-19. Nhưng, họ vẫn vui khi giác ngộ được chân lý của đức Phật, tu là tại tâm. Bởi bất cứ nơi nào trên thế gian này, cũng đều có sự hiện diện của chư Phật. Chỉ khi lòng tĩnh tâm, việc làm hướng thiện, thì mọi việc mình làm sẽ được viên mãn.
Bà Vũ Thị Nga, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: Mùa Phật đản năm nay, chúng tôi tham gia các khoá lễ trực tuyến, cúng dường bằng hình thức online. Trong các khoá lễ, các đạo tràng còn hồi hướng công đức đến những bệnh nhân bị chết vì dịch bệnh Covid-19. Các sư thầy cầu nguyện cho quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ. Chúng tôi thật sự xúc động, sẻ chia với những mất mát với nhân dân Ấn Độ, nơi đang bị dịch bệnh Covid hoành hành gây bao đau thương mất mát, làm đau lòng những người con Phật.
Hoà thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi tăng, ni tổ chức cầu nguyện quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ trong mùa Phật đản Phật lịch 2565.
Các chùa vận dụng sáng tạo các hình thức kính mừng Phật đản vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân, đồng bào Phật tử. Khuyến khích các hình thức kính mừng Phật đản trực tuyến, online, các gia đình Phật tử tôn trí bồn tắm Phật tại tư gia.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi các chùa, cơ sở tự viện thực hành khóa lễ tụng kinh cầu nguyện quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ trong mùa Phật đản: Kinh Khánh đản, Kinh Chuyển Pháp luân, Kinh Phổ môn, Kinh Dược sư…
Giáo hội kêu gọi tăng, ni, Phật tử thể hiện tinh thần tương thân, tương ái bằng việc tiếp tục ủng hộ quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Đại lễ Phật Đản năm nay đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2021), đặc biệt là vào dịp diễn ra ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn những người con Phật cùng nhau thực hiện lý tưởng và lời dạy của Đức Phật, nỗ lực tu tập, trau dồi vượt lên trên sự cám dỗ của vật chất, hóa giải nghiệp chướng; thể hiện là một sứ giả hòa bình, cùng nhau chung sống hòa hợp trên nền tảng từ, bi, hỷ, xả, thực hiện một đời sống đạo đức vị tha, kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc.
Các cấp Giáo hội, các địa phương cần có nhiều hoạt động Phật sự sáng tạo, thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tích cực hưởng ứng ngày hội toàn dân bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công rực rỡ.
Thế giới bình đẳng trong tiếp cận vắc xin Covid -19
Trong thông điệp đại lễ Phật đản Phật lịch 2565, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi các quốc gia ngồi lại với nhau, hợp tác tìm giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, chia sẻ bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin phòng dịch Covid-19, không có sự phân biệt. Mọi người phải nêu cao sự đồng thuận, đoàn kết chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội vượt qua đại dịch, ổn định đời sống, và phát triển đất nước.
Theo Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Phật hiện thân ra đời vì lợi ích, hạnh phúc cho số đông. Không chỉ thường trụ ở cõi đời này để giáo hóa chúng sinh mà Đức Phật còn hiện hữu hàng ngày làm lợi ích cho chúng sinh. Cuộc đời lịch sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là hình ảnh chân xác chỉ ra con đường diệt khổ, lan tỏa tình yêu thương và ánh sáng hòa bình khắp mọi hành tinh.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Giáo hội đã yêu cầu tăng, ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố trong phòng, chống dịch.
Tại các tỉnh, thành phố đã có các ca mắc Covid-19, hoặc nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng thì các chùa, cơ sở tự viện cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của chính quyền địa phương, tạm dừng mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người.
Tại các tỉnh, thành phố chưa phát hiện các ca mắc Covid-19 thì các chùa, cơ sở tự viện không tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người. Trong trường hợp thật sự cần thiết khi được chính quyền cho phép thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, Thông điệp 5K của Bộ Y tế: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn, hạn chế tối đa số lượng người tham dự; nghiêm túc khai báo y tế online, tiêm vắc xin phòng dịch.
Công tác chuẩn bị đại lễ Phật đản 2565, an cư kết hạ và Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp huyện (2021-2026) của các địa phương đều phải căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế và thực hiện theo quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền địa phương.
Trụ trì các chùa, cơ sở tự viện có trách nhiệm chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc không để xảy ra các tình trạng tập trung đông người.
Đặc biệt, theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, điểm mới trong chỉ đạo của Giáo hội lần này là trụ trì các chùa sẽ phải chịu trách nhiệm trước Giáo hội và pháp luật nếu để xảy ra các tình trạng không kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Đức Phật là sứ giả của chân lý về từ bi và trí tuệ. Tổ chức đại lễ Phật đản là sự kiện thiêng liêng đối với những người đi theo dấu chân Đức Phật, để tưởng niệm, nhắc nhớ cuộc đời và những thông điệp vượt thời gian, không gian của ngài, để thực hiện những lời Phật dạy, mang đến an lạc, hạnh phúc cho mọi người, sự phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước và hòa bình cho nhân loại.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Hội và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác văn phòng Hội Nhà báo khu vực phía Bắc”.
Phương Anh
21:55 22/11/2024(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Lê Hữu Chính
08:59 22/11/2024Thái Hải
21:03 21/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương