Theo dõi Báo Thanh tra trên
Văn Thanh
Thứ bảy, 30/10/2021 - 22:23
(Thanh tra) - Đồng bào dân tộc Mường Thanh Hoá hiện có khoảng 364.622 người, chiếm gần 59% các dân tộc thiểu số trong tỉnh, sống tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thuỷ và Như Thanh…
Đồng bào dân tộc Mường, huyện miền núi Cẩm Thủy trong trang phục truyền thống dệt bằng thổ cẩm. Ảnh: VT
Từ lâu, đồng bào Mường xứ Thanh đã định canh, định cư ở các vùng núi thấp, nơi có nhiều đất sản xuất và gần đường giao thông thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp, làm ăn, buôn bán. Ngành nghề chủ yếu của đồng bào Mường là sản xuất thâm canh cây lúa nước kết hợp với nương rẫy và phát triển chăn nuôi. Trước đây, đồng bào Mường trồng lúa nếp nhiều hơn lúa tẻ và gạo nếp là lương thực ăn hằng ngày, nay tùy thuộc vào đặc điểm thổ nhưỡng ở từng địa phương để canh tác trồng các loại cây trồng phù hợp. Ngoài ra, đồng bào Mường còn có nghề phụ là khai thác tre, nứa, mây, song, ươm tơ dệt vải, đan lát, tromg đó người phụ nữ có vai trò quan trọng các ngành nghề truyền thống này.
Đời sống văn hóa người Mường xứ Thanh khá phong phú, có tục cưới xin gồm có các bước dạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới và đón dâu. Khi có người sinh nở trong nhà thì rào cầu thang chính lên nhà từ hàng tuần, đến hàng tháng, trẻ em đầy năm mới đặt tên; thi hài người già chết được liệm nhiều lớp vải và quần áo trang phục rồi đưa vào quan tài, bên ngoài phủ áo quan... Tuy nhiên, đến nay nhiều tục lệ ở các bản Mường đã bỏ dần và thực hiện theo quy ước, hương ước thôn bản trong công cuộc xây dựng nếp sống văn hoá mới.
Người Mường xứ Thanh có Sử thi "Đẻ đất, đẻ nước" là các thể loại thơ ca tục ngữ truyện dân gian, hát ru em, hát đố, đồng dao, trong đó độc đáo nhất là lễ hội Pôồn Pôông, thể hiện đặc điểm văn hóa ấn tượng của đồng bào Mường trong đời sống văn hóa giản dị hằng ngày với phong cách riêng biệt được thể hiện thông qua các làn điệu dân ca, múa, diễn xướng được thể hiện trong những dịp Tết đến, Xuân về với mong muốn thời tiết mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu ở các bản Mường.
Nét đặc trưng nhà sàn của người Mường Thanh Hóa cũng thể hiện tính cổ truyền và bản sắc văn hóa riêng biệt. Nhà sàn ở các bản Mường hiện đang được bảo tồn và phát huy giá trị có ý nghĩa quan trọng, bởi đó chính là giá trị phi vật thể, là vốn quý của ông cha để lại từ bao đời nay. Khi xây dựng nhà sàn, người Mường rất chú ý đến những nét hoa văn trang trí, tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia chủ mà thiết kế nội thất giản đơn hay cầu kỳ. Một số nếp nhà sàn có tuổi đời lâu năm thường đạt tới giá trị cao về yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật. Chẳng hạn, hoa văn, họa tiết trang trí trên các con tiện chắn song cửa sổ, trên bát trụ, thượng lương, chếnh... được thể hiện tinh xảo, đường nét, màu sắc tươi tắn.
Bên cạnh đó, nhà sàn của đồng bào Mường còn có giếng trời cùng nhiều ô cửa sổ xung quanh để đón không khí, ánh sáng vào nhà, tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ, giúp đồng bào có cuộc sống sinh hoạt mát mẻ và an cư .
Đặc biệt, hiện nay đồng bào Mường Thanh Hóa còn duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm đã có từ rất lâu đời. Với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và niềm đam mê của những cô gái Mường đã làm cho nghề dệt thổ cẩm trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Do đó, trên các bộ sản phẩm được làm ra từ nghề dệt thổ cẩm đều có nhiều gam màu sặc sỡ như màu xanh của núi rừng, màu trắng, hồng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời... Những đường nét hoa văn trên các sản phẩm thổ cẩm còn thể hiện nét đẹp tâm hồn và cuộc sống đặc trưng của người phụ nữ Mường xứ Thanh.
Trong những năm qua, việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mường Thanh Hóa đã giúp các bản bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào nơi đây. Đặc biệt, để giữ gìn văn hóa truyền thống, trong những năm gần đây huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp đào tạo nghề, trong đó chú trọng nghề dệt thổ cẩm.
Các huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các dịp lễ, Tết. Ngoài ra, để các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống có thể vươn xa tới nhiều thị trường trong nước và quốc tế, các huyện miền núi Thanh Hóa, nơi có đồng bào Mường sinh sống đang quyết tâm thực hiện các tiêu chí theo quy định để đưa sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào trở thành một trong các sản phẩm đặc trưng, đồng thời có những chính sách đầu tư, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nghề dệt thổ cẩm ngày càng có chỗ đứng, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, xây dưng bản làng đồng bào Mường ngày càng giàu đẹp.
Theo bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: Để bảo tồn và phát giá trị phi vật thể liên quan đến nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Mường phục vụ phát triển du lịch, trong tháng 10/2021, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện tổ chức lớp tập huấn phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mường tại xã Xuân Thái. Tham gia lớp tập huấn nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống có 60 học viên là phụ nữ đồng bào Mường. Lớp tập huấn đã truyền đạt các giá trị truyền thống, bản sắc của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giới thiệu các chuyên đề về nguồn gốc, giá trị trang phục và nghệ thuật tạo hình hoa văn truyền thống dân tộc Mường ở Thanh Hóa; cách thức bảo tồn, lưu giữ trang phục truyền thống dân tộc Mường; hướng dẫn từng công đoạn cho những người tham gia lớp tập huấn làm nên những bộ trang phục truyền thống được cha ông truyền lại. Với hình thức truyền dạy này đã giúp đồng bào hiểu biết hơn nữa các bước dệt nên tấm vải thổ cẩm, qua đó góp phần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
“Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa đã được tỉnh Thanh Hóa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực về công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể được chú trọng. Sau các buổi tập huấn, các nghệ nhân, người được truyền nghề sẽ phát huy hết khả năng, năng lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường. Thông qua những lớp tập huấn này, tỉnh và huyện mong muốn đồng bào Mường sẽ giữ gìn, phát huy ngành nghề truyền thống, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn được bản sắc văn hóa, làm phong phú thêm nét đặc sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Đây không chỉ là việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương” Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh Lê Thị Hoa nói.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Hội và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác văn phòng Hội Nhà báo khu vực phía Bắc”.
Phương Anh
21:55 22/11/2024(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Lê Hữu Chính
08:59 22/11/2024Thái Hải
21:03 21/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương