Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trung Hà
Chủ nhật, 30/01/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Với quan niệm "bỏ đi cái rủi của năm cũ, đón tài lộc, may mắn của năm mới", Tết Nguyên đán rất quan trọng trong đời sống của dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng. Trong dịp đón Tết đến, Xuân về, người Tày, Nùng ở Cao Bằng có những phong tục hết sức độc đáo, được gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp cho đến tận ngày nay.
Ngày hội lồng tồng của dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng kết thúc những ngày Tết để bắt đầu cho một năm lao động, sản xuất mưa thuận, gió hòa. Ảnh: Internet
Truyền thuyết cây nêu
Theo quan niệm của dân tộc Tày, Nùng nói chung, ở Cao Bằng nói riêng, năm hết Tết đến có ý nghĩa rất quan trọng là tổng kết, đánh giá kết quả trong một năm về thành quả lao động, sản xuất và dự định những kế hoạch mới.
Để chuẩn bị đón năm mới, cứ đến ngày 25, 26 tháng Chạp hằng năm, mọi người làm bất cứ thứ gì trong nhà đều không vi phạm đến tâm linh, hay tín ngưỡng trong gia đình, dòng họ.
Đúng chiều 30 mỗi gia đình chuẩn bị một cây nêu dựng ngay sàn nhà. Cây nêu thường được chọn từ những cây vầu ngọt hoặc cây vầu đắng thân thẳng, cao và không có sâu, mọt.
Trên thân nêu, cách 1/3 từ ngọn xuống treo tiền giấy bản cùng 3 nén hương và một cây vầu nhỏ được buộc ngay ngắn thẳng đứng vào đoạn gốc của cây nêu như cây mẹ cây con, thể hiện sự kế thừa, phát triển theo quy luật tự nhiên.
Với người Tày, Nùng, việc cắm cây nêu để loại trừ ma quỷ, giữ đất, giữ nhà. Chuyện xưa kể rằng: Khi con người mới xuất hiện trên mặt đất, lúc ấy còn rất yếu thế. Quỷ dữ là bóng đen bao trùm, nắm giữ sức mạnh và toàn bộ đất đai. Người muốn làm nhà phải xin quỷ cho khoảnh đất bằng, nhưng quỷ không cho.
Sau đó, người năn nỉ cho phép cắm một cây vầu trên mặt đất, lúc mờ sáng và nói với quỷ là, không dám xin nhiều đất mà chỉ vẻn vẹn chỗ cắm cây và cái bóng của cây. Quỷ nghe nói “lọt tai”, nên ưng thuận. Đến khi mặt trời lên và lúc về chiều nắng xiên khoai thì bóng cây cao vút bỗng trải dài, bóng cây đến đâu thì đất của người đến đó. Quỷ thua tài trí thông minh của người, phải "xa chạy, cao bay", nhường đất đai cho con người.
Cây nêu chính là biểu tượng của cây và rừng cây đánh đuổi tà ma, quỷ dữ. Còn tiền giấy và hương là để cảm tạ thần đất, thần thành hoàng và các vị thần thánh thiện đến chứng kiến chủ quyền của con người, giúp đuổi quỷ giữ và trừ tà.
Còn cây vầu con cũng được chọn tương tự như cây nêu để làm chổi quét đuổi tà ma, xua tan ám khí trong nhà. Chủ nhà cầm cây quét, huơ khắp nơi, vừa đi vừa lẩm nhẩm, đại ý là: Cái xấu thì đi ngay, cái tốt thì về. Khi quét ra đến ngoài cửa, chủ nhà trân trọng cầm cây vầu nhỏ buộc thẳng đứng vào phần thân gốc cây nêu. Nhiều nơi để cây nêu cho đến ngày hội lồng tồng (hội xuống đồng) mới tháo dỡ để cạnh nhà.
Lấy nước đầu năm
Người Tày, Nùng sống ở nhiều địa bàn trong tỉnh Cao Bằng có tục lấy nước mới vào đêm Giao thừa. Truyền thống này duy trì từ xa xưa và được lưu truyền đến nay.
Thời khắc Giao thừa đến, khi con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên, mỗi gia đình cử một thành viên mang dụng cụ là ống tre đến mỏ nước hoặc giếng nước để lấy nước mang về nhà đặt lên bàn thờ.
Trước khi đi lấy nước, gia chủ sẽ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên xin phép cử một thành viên đại diện đi lấy nước đón lộc đầu năm. Những người đi lấy nước chỉ cần là thành viên trong gia đình, không phân biệt già, trẻ, gái, trai.
Người Tày, Nùng quan niệm, những ai lấy nước sớm nhất khi thời khắc Giao thừa đến sẽ càng nhận được nhiều may mắn nên có nhiều người đi từ rất sớm. Những thứ cần mang theo là 3 que hương được thắp sẵn tại nhà (nếu nhà xa có thể mang hương đến mỏ nước rồi mới thắp) và ống tre để đựng nước mới.
Phong tục ngày Tết
Chiều 30 Tết, mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị đồ ăn phục vụ cho ngày Tết như: Bánh chưng, bánh khảo, chè lam... theo phong tục, ngoài các món ăn truyền thống không thể thiếu con gà thiến để cúng.
Khi đã hoàn thành các món ăn, mâm cúng được bày lên bàn thờ chính, nhiều gia đình còn lập thêm mâm cúng được đặt bên ngoài nhà vì quan niệm để dành cho những linh hồn tha phương.
Mọi thủ tục cúng xong, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau thưởng thức bữa cơm tất niên - bữa cơm sum họp gia đình và là điều kiện để họ hàng, anh em tụ tập với nhau tâm sự và đúc kết kinh nghiệm trong một năm lao động sản xuất.
Năm mới đến, các gia đình tổ chức thành từng nhóm đến xông nhà nhau. Khi đến nhà của hàng xóm, mọi người chúc gia chủ những điều tốt đẹp nhất về sức khỏe và gia đình gặp nhiều may mắn.
Đoàn chúc Tết đến gia đình nào cũng được chủ nhà đặt lên mâm cơm mời khách hoặc mời uống một chút rượu. Tuy nhiên, do quan niệm, người đến nhà đầu tiên trong năm mới là đàn ông thì gia đình họ sẽ gặp nhiều may mắn và nhiều tài lộc nên đoàn chúc Tết thường để đàn ông xông nhà. Ngày mùng một Tết, đa phần phụ nữ ở nhà lo cơm nước và tiếp khách.
Sang ngày mùng hai, mọi thành viên trong gia đình đều háo hức đi chúc Tết bên ngoại, tiếng địa phương gọi là “pây tái”, có nghĩa đến cảm ơn đối với người đã sinh thành, dạy dỗ vợ của mình được như ngày hôm nay.
Sang thăm ngoại, từ sáng sớm mọi người chuẩn bị gà, bánh chưng, bánh khảo, bỏng (khẩu sli)... để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Nhà ngoại đón tiếp con rể chu đáo và làm cơm mời anh em trong dòng họ đến cùng tham dự, tạo không khí ấm cúng trong gia đình.
Khi con cháu về, bên ngoại sẽ mừng tuổi cho các cháu bằng những đồng tiền được gói trong tờ giấy đỏ, mang ý nghĩa ban phát tài lộc cho con cháu. Đồ lễ đem sang ngoại để cúng tổ tiên trước khi về được chia phần, thể hiện tình cảm chân thành giữa hai bên thông gia…
Lễ hội lồng tồng
Lễ hội lồng tồng (còn gọi là lễ xuống đồng) là lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức trong các bản làng để cầu cúng thần nông - vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, bản làng yên lành.
Lễ hội lồng tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng. Thường diễn ra từ ngày mùng 2 đến 30 tháng Giêng Âm lịch để mở mùa gieo trồng mới (tùy theo từng địa phương).
Trong hội lồng tồng cũng có phong tục đi lấy nước mới, người trong xóm sẽ cử trưởng xóm đi lấy nước mới mang về thờ ở “pú xửa” (thành hoàng làng) là ông tổ chung của làng, khi làm lễ xong, trưởng xóm sẽ hất ống nước lên mái của “pú xửa” cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, cả làng bình an.
Sau khi hội lồng tồng kết thúc, mọi người trở về dỡ cây nêu, dỡ xong thắp hương, đốt tiền giấy. Khi đã hoàn tất mọi thủ tục, gia chủ sẽ đem bình đựng các cây lộc ném những cành cây lên mái nhà trước rồi hắt nước lên mái nhà với mong ước năm mới sẽ mưa thuận, gió hòa để người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp.
Ngày Tết của các làng, bản người Tày, Nùng trong tỉnh Cao Bằng không giống nhau, còn phải phụ thuộc vào ngày hội lồng tồng của mỗi khu dân cư. Ngày hội lồng tồng được chọn kỹ lưỡng, phải là ngày con gà (một số nơi có ngày cố định) nên ngày Tết ở đây có thể kéo dài từ 3 - 15 ngày.
Những ngày trong dịp Tết, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian như đánh quay, đánh yến, tung còn... diễn ra sôi nổi tạo không khí vui tươi cho dân làng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024(Thanh tra) - Sáng 22/11, giải chạy địa hình LAAN Ulltra Trail 2024 và hành trình chinh phục đỉnh cao do Công ty Cổ phần Lâm An Lạc Dương tổ chức đã chính thức khai mạc.
Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Lê Hữu Chính
08:59 22/11/2024Thái Hải
21:03 21/11/2024N. Phê - L. Bình
16:20 21/11/2024Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền