Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Biến tướng nghi lễ Hầu đồng: Đưa ca khúc của Lào vào Hát văn

Thứ ba, 28/07/2015 - 14:28

Tín ngưỡng thờ Mẫu và Hầu đồng đang có chiều hướng phát triển, xã hội cũng có cái nhìn cũng cởi mở hơn., song bên cạnh đó, việc làm biến dạng và lợi dụng nghi lễ Hầu đồng đang là những vấn đề được nhắc đến nhiều,

Nghi thức hầu đồng tại lễ hội đền Lộ, xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bên cạnh những vấn đề về thương mại hóa, sân khấu hóa, sai lệch trong nghi lễ Hầu đồng thì vấn đề về lễ phục, Hát văn cũng đang đặt ra câu hỏi, làm thế nào để bảo tồn đúng giá trị truyền thống khi thực hành nghi lễ Hầu đồng, đặc biệt trong bối cảnh nghi lễ Hầu đồng đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Đưa cả ca khúc nước ngoài vào nghi lễ Hát văn 

Theo các nhà nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu và Hầu đồng, trong quá trình bùng nổ nghi lễ chầu văn, bên cạnh những nghệ nhân truyền thống, hiện nay đội ngũ những người hát chầu văn khá phức tạp.

Nhiều nghệ sỹ chèo, cải lương vì kế sinh nhai đã chuyển sang Hát văn, những người mới học nghề vài ba tháng cũng gia nhập đội ngũ Hát văn, dẫn đến tình trạng biến dạng nhiều lời hát, vần điệu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các buổi lên đồng. 

Trước đây, cung văn chỉ có 1-2 người, nhưng ngày nay, ban cung văn phát triển đến 5-6 người có cả phối âm, phối khí, diễn xướng. Với số lượng cung văn đông, cộng với thiết bị âm thanh chuyên dụng được mở hết công suất, không gian của từng cung hầu chật hẹp, cung nọ lấn át cung kia tạo nên khối tiếng ồn hỗn độn, mất đi vẻ tôn nghiêm nơi bản đền, bản phủ.

Nhiều ban cung văn còn đưa cả âm nhạc múa sạp của Tây Bắc, ca khúc"Tiếng chày trên sóc Bom Bo," "Em đi chùa Hương…," thậm chí cả các ca khúc của Lào như "Hoa Chămpa," "Em là cô gái Lào" vào nghi lễ chầu Văn của đạo Mẫu. Đây chính là sự lai căng kệch cỡm làm ảnh hưởng lớn đến giá trị đích thực của văn hóa thờ Mẫu. 

Đồng quan điểm giữ lấy giá trị truyền thống của Hát văn, cung văn Chu Đức Duyệt, trú tại 27 Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng bày tỏ: “Mong rằng mọi người cố gắng giữ lấy nguồn gốc quý giá của cha ông để lại, không nên vì lợi ích cá nhân mà làm mai một vốn truyền thống trong Hát văn. Nếu cứ như này, tôi e nó sẽ mai một nguồn gốc quý báu trong Hát văn dân gian cổ truyền.”

Lễ phục Hầu đồng sai lệch nghi thức đạo Mẫu

Giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, người đã nhiều năm tìm hiểu về nghi lễ Hầu đồng, cho biết trong những năm gần đây, trên thị trường lễ phục Hà Nội xuất hiện “lễ phục thời trang lên đồng” và được coi là dấu hiệu của quá trình “hiện đại hóa” nghi lễ lên đồng. 

Nếu nhiều dân tộc trên thế giới dùng mặt nạ để thể hiện sự hiện diện của các vị thánh, thì lên đồng ở Việt Nam dùng lễ phục để thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh. 

Các trang phục lên đồng về màu sắc, khăn, mũ, áo và thắt lưng... từ lâu đã được chuẩn hóa theo tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, hiện nay ở Hà Nội có một số cửa hàng đã đưa yếu tố thời trang vào lễ phục lên đồng làm thay đổi về hình dáng lễ phục cũng như hoa văn trang trí.

Nhiều lễ phục đã bị thay đổi một cách thái quá khiến người xem không nhận ra chủ nhân của bộ lễ phục đó là vị thần nào. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân làm sai lệch các lễ thức trong đạo Mẫu. 

Một thanh đồng thực hiện nghi lễ lên đồng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Thực tế, trong nhiều giá chầu có thể thấy, trang phục lối cổ gần như đã mai một, chẳng hạn như giá chầu ông Hoàng Mười, thanh đồng lại khoác thêm áo choàng ngoài mà điều đó là không đúng. Hay Chầu Cô Bé mặc áo tứ thân khăn lam, áo lục mà không mặc áo năm thân cài khuy cạnh và có thanh đồng lại mặc áo và khăn đen. Hầu Cô Đôi thượng ngàn, có thanh đồng mặc áo dài theo lối người Trung Châu, không mặc theo lối Thượng ngàn sơn trang. Hầu Cô Sáu lên khăn củ ấu, chân quấn xà cạp chứ không lên khăn tết bông hoa. Rồi có thanh đồng giá chầu đệ Tứ lại lên khăn củ ấu giống chầu Thượng…

Ngay cả trang sức cũng được các thanh đồng sử dụng chưa hợp lý. Chẳng hạn, trong các giá chầu Thượng ngàn, thanh đồng lại dùng kiềng vàng mà lẽ ra là phải dùng kiềng bạc. Các giá quan, có thanh đồng lại quên đeo thẻ ngà. Hầu như không có bộ xà tích được dùng trong việc hầu thánh… 

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Tất Kim Hùng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thờ Mẫu và Hát văn Hà Nội cho rằng đó là do sự thay đổi cuộc sống, trang phục nghi lễ Hầu đồng ngày càng phong phú, đa dạng. 

Tuy nhiên, các thành đồng cần phải bảo tồn những sắc thái cơ bản trong khăn áo truyền thống của các bậc tiền bối xưa. Việc phát huy cần đúng mức độ để không bị biến tướng, đồng thời các thanh đồng cần phải dựa vào những câu Hát văn miêu tả trang phục của các vị thánh để có sắc màu, hình thái trang phục cho phù hợp, không nên thay đổi theo ý thích riêng của mình.

Để quốc tế thừa nhận nghi lễ Hầu đồng là nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam, vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa là làm thế nào để nghi lễ này đi đúng quỹ đạo của nó. 

Rất nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để tìm hướng đi cho phù hợp, nhưng thiết nghĩ, trước hết vẫn phải là kiến thức, ý thức của các thanh đồng, cung văn về nghi lễ Hầu đồng truyền thống bởi họ là những người thực hành nghi lễ, nắm giữ nghi lễ, giới thiệu giá trị văn hóa của Việt Nam đến với đông đảo nhân dân cả trong nước và thế giới./.

Theo ĐINH THỊ THUẬN (TTXVN/VIETNAM+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm