Theo dõi Báo Thanh tra trên
Văn Kế
Thứ năm, 18/11/2021 - 11:20
(Thanh tra) - Đến với Lục Ngạn, để được thưởng thức những sản vật nổi tiếng của địa phương như vải thiều, hồng không hạt, mật ong rừng, mỳ Chũ, được tham quan các di tích lịch sử văn hoá đã có từ lâu đời như: Đền Hả; đền Cầu Từ; chùa Am Vãi…
Soong hao đang được gìn giữ và bảo tồn với tất cả những tinh hoa đặc sắc của người Lục Ngạn. Ảnh: N. Dương
Có lẽ sẽ là thiếu sót nếu như không về xã Kiên Lao nghe hát dân ca Soong hao của đồng bào dân tộc Nùng, thưởng thức rượu Kiên Thành và du ngoạn trên hồ Khuôn Thần - một trong những thắng cảnh thiên nhiên đẹp nổi tiếng ở Bắc Giang.
Huyện Lục Ngạn có 8 dân tộc anh em (Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao, Cao Lan) sinh sống đan xen, tạo nên sự giao thoa văn hoá đặc sắc. Nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể ở đây còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn, như: trang phục, phong tục, các làn điệu dân ca Soong hao, Sli, lượn, hát đối…
Các bản người Nùng ở xã Kiên Lao như: Bản Hà, Khuôn Thần, An Toàn... thường nằm rải rác men theo những sườn đồi, núi thấp, nhà này cách nhà kia qua những thung lũng nhỏ, con suối hay vạt rừng. Đây cũng là nơi còn lưu truyền nhiều làn điệu dân ca Soong hao đằm thắm; không gian văn hóa Soong hao còn trải dài ở nhiều xã của huyện Lục Ngạn, như: Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Xa Lý, Phong Vân, Biên Sơn, Kim Sơn, Giáp Sơn…
Thăm những bản làng người Nùng ở xã Kiên Thành và Kiên Lao, đi qua những con suối nhỏ chảy róc rách bên những nương lúa vào mùa chín rộ, giữa sắc xanh núi rừng, được nghe những điệu dân ca Soong hao mới thấy được nhịp cầu đôi lứa, lời tâm tình đưa duyên đằm thắm của các chàng trai, cô gái người Nùng.
Người Nùng ở Lục Ngạn vẫn có câu hát truyền khẩu “Soong hao pây lỉn xuân hát lượn, pú lượn là pú vui” (hai ta đi chơi Xuân hát lượn, không lượn là không vui).
Nếu ai từng ở Lục Ngạn những năm 1990 trở về trước, chắc hẳn sẽ còn rất nhớ hình ảnh tới đâu cũng gặp sắc màu chàm của bà con dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí. Màu chàm những chiếc khăn trên đầu thiếu nữ, màu chàm những tà áo thướt tha ngày hội. Và càng không thể không nhắc tới điệu soong hao dặt dìu mỗi độ giêng hai. Vào mùa Soong hao người Nùng ở Lục Ngạn thường mời người Nùng ở Lạng Sơn cùng các vùng lân cận xuống chơi dự hội.
Ở vùng cao Lục Ngạn mỗi độ Xuân về là không khí đón xuân lại tưng bừng náo nhiệt. Tục hát Soong hao của người Nùng được bắt đầu từ Tết Nguyên đán kéo dài đến hết mùa Xuân. Chính hội là ngày 18 tháng 2 Âm lịch hàng năm. Trong tiết trời ấm áp và lất phất mưa, nhưng ngay từ sáng sớm những con đường vào hội đã rộn ràng, bởi tiếng hát Sloong hao trầm bổng của các đôi nam nữ. Từ những cụ già tóc bạc đến những em bé còn đang được bế ẵm cũng về hội góp vui. Các thanh niên nam nữ thì trang điểm thật rạng rỡ và trưng diện những bộ trang phục đẹp nhất để đi hội. Ban đầu, từng nhóm, từng nhóm bao gồm cả người già và trẻ nhỏ hát với nhau, trong đó người già sẽ là chủ đạo cho nhóm hát, còn lớp trung niên và thanh niên đi theo sau khi đã hát tập thể, nếu tìm được bạn ưng ý thì các nhóm tách nhau ra để hát đôi. Lúc này, họ lại hát những bài mang tính tâm sự, thổ lộ nỗi lòng và những lời sâu kín từ trái tim mình với bạn.
Những chàng trai, cô gái xúng xính trong sắc áo chàm xanh ngắt, tìm nhau qua câu hát Sloong hao. Ngày hội cũng chính là phiên chợ tình của người dân vùng cao, còn gọi là "chợ tình" bởi mỗi năm chợ chỉ họp duy nhất một lần trong năm vào đúng ngày 12 đến ngày 14 tháng Giêng và người đến chợ không chỉ để trao đổi, mua bán hàng hóa mà để hò hẹn, giao duyên. Họ hát với nhau ở bất kỳ địa điểm nào có thể hát, mới đầu họ hát theo từng đoàn để làm quen, sau họ bắt đầu hát riêng thành từng cặp. Những câu hát Sloong hao mượt mà, chữ tình, tha thiết bay bổng đã giúp cho các chàng trai, cô gái thổ lộ được tâm tư của mình, để rồi họ hiểu nhau, nên duyên vợ chồng.
Tục hát Soong hao của người Nùng, nam nữ phải đối đáp theo các bước: Làm quen, chào hỏi, xin phép, kết bạn và hẹn hò. Thường thì mọi người vẫn hát những bài hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản, phong tục sản xuất, ca ngợi bốn mùa. Qua lời hát, các cặp đôi gửi cho nhau những lời nhắn nhủ yêu thương, ngỏ ý giao duyên kết tình. Mỗi mùa Soong hao về lại có biết bao cặp nam nữ nên duyên đôi lứa. Hết hội vùng này lại tới hội vùng kia, bạn soong hao lần lượt mời nhau về dự hội ở địa phương mình.
Mở màn cho hội Soong hao vùng Lục Ngạn là ngày 12 tháng Giêng - ngày chợ phiên Thác Lười (Tân Sơn). Từ Cấm Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp và tận bên kia đèo Quao (Lạng Sơn) các chàng trai, cô gái cùng rủ nhau tìm về. Họ say sưa câu hát, từ Thác Lười đến Phong Vân về Tân Hoa, Biển Động, xuôi Chũ xong lại vòng về Bắc Lệ, Chi Lăng. Soong hao cứ vui như thế cho đến hết Xuân.
Sẽ còn gì thú vị bằng được du ngoạn ngắm cảnh hồ Khuôn Thần và nghe hát dân ca Soong hao. Hồ Khuôn Thần rộng 240ha. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban cho vẻ đẹp thanh bình. Mặt hồ rộng, nước trong xanh quanh năm, không khí thoáng đãng, trong lành mát mẻ, xung quanh hồ là núi, đồi với những rừng thông, vườn vải xanh tốt quanh năm. Lòng hồ có 5 đảo nhỏ được trồng thông xanh có tuổi từ 15-20 năm. Bao bọc quanh hồ là rừng Khuôn Thần có diện tích khoảng 800 ha. Tại đây, du khách có thể thuê thuyền máy để du ngoạn ngắm cảnh hồ, lên chòi quan sát của kiểm lâm để phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh khu vực hồ và những rừng thông xanh mát của Lục Ngạn từ trên cao. Rồi có thể ghé thăm các đảo nổi trên hồ như đảo: Tình yêu, đảo hẹn hò, đảo…. Nhiều cặp uyên ương cũng đã chọn nơi đây là nơi chụp ảnh kỷ niệm sự kiện trọng đại của cuộc đời…
Sẽ là thiếu sót nếu đến với vùng đất này mà không thưởng thức rượu Kiên Thành. Theo nhiều người thì ngay từ thời vua Lý Nhân Tông, vị quan đem gạch từ Thăng Long về Động Giáp để xây lăng mộ cho phò mã và công chúa đã được biếu tặng những hũ “Nùng tửu”. Từ đó, “Nùng Tửu” thường dùng để tiến vua, đó chính là rượu của vùng đất Kiên Thành ngày nay. Theo nhiều người thì ngay từ thời vua Lý Nhân Tông, vị quan đem gạch từ Thăng Long về Động Giáp để xây lăng mộ cho Phò mã và Công chúa đã được biếu tặng những hũ “Nùng tửu”.
Có lẽ, ai đã từng một lần đến với Lục Ngạn được nghe hát Soong hao và được thưởng thức đặc sản rượu Kiên Thành chắc sẽ không bao giờ quên được nét đẹp về văn hóa và hương vị của rượu nơi đây. Và cũng chính vì hương vị đặc trưng của núi rừng Lục Ngạn, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa nơi đây mà mỗi du khách khi đến thăm sẽ còn nhớ mãi về mảnh đất và con người nơi này.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý