Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Viện trưởng Viện KSND Tối cao: “Lãng phí nhiều khi thiệt hại lớn hơn cả hậu quả tham nhũng”

Hương Giang

Thứ bảy, 09/11/2024 - 17:58

(Thanh tra) - Nhấn mạnh “lãng phí nhiều khi rất lớn, thiệt hại hơn cả hậu quả tham nhũng”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu thực tế, có những dự án bất động sản, tài sản rất lớn để “đóng băng” do quy định tố tụng hiện nay chưa cho phép xử lý.

Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, ngày 9/11.

Tại dự thảo nghị quyết, Viện KSND đề xuất thí điểm 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản. Trong đó, có 4 biện pháp áp dụng với vật chứng, tài sản đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa và 1 nhóm biện pháp áp dụng có tính chất “khẩn cấp tạm thời”, có thể áp dụng ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Việc áp dụng thí điểm từ 1/1/2025, thực hiện không quá 3 năm và chỉ áp dụng với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Vụ án xảy ra, máy móc không có tội bị “để đấy” gây lãng phí lớn

Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản chỉ áp dụng với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo là “chưa thể bao quát hết”.

“Tôi ví dụ 1 vụ án buôn lậu trang thiết bị y tế có giá trị lớn, thậm chí hàng trăm tỷ nhưng không có cơ chế xử lý. Đến khi ra tòa, các trang thiết bị này sẽ khó có thể sử dụng được nữa. Trong khi đó, chúng ta biết rằng buôn lậu tài sản là sẽ bị tịch thu, xử lý”, bà Thu nêu.

Bà Thu dẫn chứng vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai là sai phạm trong hoạt động liên doanh, liên kết và hoạt động đấu thầu chứ, hệ thống máy móc “không có tội gì cả”.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình). Ảnh: P.Thắng

Đây là hệ thống trang thiết bị hết sức hiện đại, có giá trị trong chẩn đoán, điều trị, giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh. Khi vụ án xảy ra, toàn bộ hệ thống máy móc này bị “để đấy”.

“Hệ thống máy để đấy 1 - 2 năm không hoạt động, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng còn người bệnh không có được thiết bị hiện đại điều trị. Đây là sự lãng phí vô cùng lớn”, đại biểu Trần Khánh Thu phân tích.

Từ đó, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị quy định theo hướng cho phép thí điểm ở các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nếu quy định như vậy, theo bà Thu, vừa có thể bao quát các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, vừa có thể được phép áp dụng với những vụ án nghiêm trọng khác, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nợ 258 tỷ, sau 8 năm xét xử, lãi phát sinh gần 300 tỷ

Chung mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Phạm Quốc Ấn, Chủ tịch hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh.

Đại biểu Quốc hội Phạm Quốc Ấn. Ảnh: P.Thắng

“Cá nhân tôi, cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng rất mong chờ nghị quyết này ra đời và mở rộng phạm vi”, ông Ấn nói.

Ông cho hay, trong lĩnh vực ngân hàng xảy ra nhiều vụ tương đối nhiều. Ví dụ, vụ án về thủy sản Tây Nam xử cho đến nay hơn 8 năm, dư nợ 258 tỷ, nhưng tiền lãi đã phát sinh gần 300 tỷ. Nhà máy, thiết bị sản xuất về thủy sản bây giờ bán cũng không còn giá trị, nhà cửa để làm siêu thị cũng đóng cửa từ đó năm 2016 đến nay.

“Nếu chúng ta xử lý sớm được vấn đề này thì hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn nghị quyết được mở rộng hơn nữa”, Chủ tịch Agribank nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) thì cho rằng, do các quy định tại dự thảo nghị quyết là vấn đề mới nên bà đồng tình triển khai thí điểm, sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá rồi mới sửa đổi luật.

Theo bà Nga, sau khi hết thời gian thí điểm, nếu thấy hiệu quả, có thể mở rộng áp dụng thêm với các vụ án khác.

“Lãi suất kép” chỉ sau 5-7 năm có thể tài sản mất hoàn toàn

Giải trình sau đó, nhấn mạnh nhiều ý kiến đại biểu rất xác đáng, trách nhiệm, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến bày tỏ đồng tình cần mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cả những vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Bởi theo ông, những năm gần đây, cấp tỉnh đã giải quyết những vụ án rất lớn.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: P.Thắng

“Lãng phí nhiều khi rất lớn và thiệt hại hơn cả những hậu quả từ tham nhũng khi những dự án bất động sản, những tài sản rất lớn để đóng băng, kéo dài do quy định tố tụng hiện nay chưa cho phép xử lý”, ông Tiến nói và nêu thực tế vụ án ở Đà Nẵng, có dự án đang dở dang, “chịu lãi suất kép”.

Với dự án “chịu lãi suất kép” thì chỉ sau 5-7 năm có thể tài sản mất hoàn toàn nếu không được đưa vào khai thác, sử dụng.

Dù rất tâm đắc với ý kiến của đại biểu, khẳng định sẽ nghiên cứu, Viện trưởng Viện KSND Tối cao nói, “vì đây là những vấn đề rất mới, cần hết sức thận trọng, có thí điểm, đánh giá và kết luận của Bộ Chính trị cũng cho phép thí điểm ở diện vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và có báo cáo, đề xuất tiếp trong thời gian tới”, ông Nguyễn Huy Tiến nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Làm rõ một số nội dung liên quan đến dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

Làm rõ một số nội dung liên quan đến dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

(Thanh tra) - Ngày 12/11, Tổ công tác số 11 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Lạng Sơn, do ông Phùng Quang Hội - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ công tác làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh về một số nội dung liên quan đến dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

Chính Bình

21:18 12/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm