Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân

Bảo Anh

Thứ tư, 19/07/2023 - 11:00

(Thanh tra) - Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) nhấn mạnh, thời gian qua, công tác PCTN, tiêu cực trong toàn ngành có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngày càng công khai, minh bạch, đạo đức công vụ được nâng cao, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, tiêu cực.

Trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh: https://lawnet.vn/

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN, tiêu cực vẫn còn có mặt hạn chế, như: Một số cán bộ chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc các quy định về PCTN, tiêu cực; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về PCTN, tiêu cực có lúc, có nơi chưa kịp thời, đầy đủ. Một số ít công chức trong ngành KSND còn vi phạm; công tác phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực có nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao…

Để làm tốt công tác PCTN, tiêu cực trong ngành KSND thời gian tới, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí yêu cầu toàn ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực “phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác PCTN” và “đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, chí công vô tư”.

Viện trưởng viện kiểm sát các cấp, thủ trưởng các đơn vị quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước và của ngành về PCTN, tiêu cực; tăng cường công tác quản lý, giáo dục công chức, viên chức, người lao động, nêu cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, gương mẫu trong công việc và xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ để răn đe, giáo dục. Gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng ngành, đơn vị và đánh giá cán bộ gắn với kiểm điểm trách nhiệm của người đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực: Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị trong ngành KSND; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn phù hợp với quy định của pháp luật và của ngành; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng; thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo quy định và yêu cầu công tác, nhiệm vụ phân công. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thủ trưởng các đơn vị, viện trưởng viện kiểm sát các cấp tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra trong nội bộ đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, chủ động tự phát hiện và xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với bị can, bị cáo, đương sự, người khiếu nại, tố cáo và người có liên quan. Tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh PCTN, tiêu cực; bảo vệ người khiếu nại, tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý người có hành vi lợi dụng tố cáo để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không chủ động và thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra viện kiểm sát các cấp có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước và của ngành về PCTN, tiêu cực.

Cơ quan Điều tra, Viện KSND Tối cao; Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát quân sự Trung ương kịp thời xác minh, điều tra để xử lý nghiêm các vụ, việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Tăng cường phối hợp với thủ trưởng các đơn vị, viện trưởng viện kiểm sát các cấp trong việc phát hiện vi phạm, tội phạm, xác minh thông tin, kiểm tra nguồn tin, điều tra các vụ án về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.

"Thủ trưởng các đơn vị, viện trưởng viện kiểm sát các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo", chỉ thị nêu rõ.

Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, viện kiểm sát các cấp chú trọng rà soát, tổng hợp những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kịp thời kiến nghị khắc phục, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế để không thể bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực. Khen thưởng, động viên kịp thời, bảo vệ những người dũng cảm đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Viện kiểm sát các cấp thực hiện các giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị có chức năng phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tương trợ tư pháp, bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm