Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Anh
Thứ sáu, 01/04/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Đây là một trong 5 nhiệm vụ vừa được Bộ Nội vụ đề ra tại kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022.
Bộ Nội vụ yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách theo quy định. Ảnh minh họa: PA
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022, Bộ Nội vụ đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả; tổ chức sinh hoạt chuyên đề để quán triệt nội dung các văn bản về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sinh hoạt chi bộ. Tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, triển khai có hiệu quả văn bản chỉ đạo Đảng và Nhà nước và của Bộ Nội vụ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ phải gương mẫu, quyết liệt và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật liên quan đến tham nhũng (nếu có). Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội của Bộ; cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và đối ngoại về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Chính phủ.
Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách theo quy định. Việc bình xét thi đua, khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị phải được đánh giá cả tiêu chí hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính
Theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, các cơ quan, đơn vị tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ. Rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức cán bộ; thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.
Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định pháp luật và của Bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng; thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; thực hiện nghiêm quy định về tặng quà, nhận quà tặng và có chế tài nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Về kiểm soát tài sản, thu nhập, Bộ Nội vụ yêu cầu tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm việc kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, chế độ báo cáo về kê khai, công khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật và Kế hoạch số 954/KH-BNV ngày 10/3/2021 của Bộ Nội vụ. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định. Quy định các nội dung công khai, hình thức công khai tại đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Tiếp tục thực hiện việc trả lương qua tài khoản tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
Tăng cường thanh tra, giám sát, phòng ngừa
Bộ Nội vụ yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đảm bảo công khai, minh bạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung; tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng. Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng; chủ động ngăn ngừa, xử lý sớm các vấn đề kéo dài có thể tạo ra bức xúc, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người, đình công liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống tham nhũng; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các vi phạm và kết quả xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ban Nội chính Trung ương, thanh tra các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Bộ Nội vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 của Bộ Nội vụ cũng yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật và nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; thực hiện công khai các quy trình, thủ tục, chế độ và trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động trong hoạt động của Bộ Nội vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát.
Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
Bên cạnh đó, xác định trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những người có hành vi tham nhũng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng; ngăn chặn, xử lý, đẩy lùi các hiện tượng, hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ năm 2019 đến nay, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã thực hiện 5 cuộc thanh tra trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế của các đơn vị.
Nhật Minh
13:57 22/11/2024(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.
Phương Anh
06:00 22/11/2024Hoàng Nam
20:19 21/11/2024Trần Kiên
20:01 21/11/2024Thu Huyền
16:26 21/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương