Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lo ngại "nợ xấu lòng tin" trong phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 08/11/2013 - 09:57

(Thanh tra) - Đó là ý kiến đề xuất giải pháp của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đối với lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tại phiên thảo luận ngày 7/11 tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Trong phiên thảo luận, đánh giá về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, trước đó Chính phủ đã có báo cáo trình Quốc hội khẳng định: Với những nỗ lực của lực lượng công an, công tác phòng, chống tội phạm đã có chuyển biến tích cực, các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng, chống tội phạm mà Quốc hội đề ra trong Nghị quyết 37 đã cơ bản đạt được. Bộ Công an đã tiếp nhận 98.945 tố giác, tin báo tội phạm, tăng 30,54% so với năm 2012. Hầu hết tin báo đã được giải quyết, đạt tỷ lệ 90,5%, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 37.

Báo cáo cũng chỉ rõ nguyên nhân diễn biến tội phạm phức tạp, trong đó tình hình kinh tế khó khăn, số lượng người thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng tới an sinh xã hội; tác động tiêu cực từ các ấn phẩm đồi trụy, các trò chơi bạo lực trên mạng Internet; công tác phòng ngừa của các lực lượng chức năng có phần hạn chế, trách nhiệm thi hành công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu…

Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhìn nhận, các hoạt động về phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, đất đai, đầu tư công còn nhiều sơ hở, buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, tình hình tai nạn giao thông không giảm…

Phòng bệnh hơn chữa bệnh


Thảo luận tại hội trường, nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng thuận cao với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Mặc dù đánh giá cao sự nỗ lực của các lực lượng đấu tranh trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, nhưng đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) vẫn còn băn khoăn về tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm trong năm 2013 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, tội phạm có xu hướng trẻ hóa, tội phạm trong thanh, thiếu niên gia tăng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về an ninh mạng. Do đó, đại biểu Huyền đề xuất một số giải pháp, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng; chú trọng cải cách thực chất, chế độ tiền lương; thực hiện chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức trong một số lĩnh vực đặc thù.

Về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, triển khai liên tục các đợt cao điểm, tập trung đấu tranh trấn áp các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, đâm thuê, chém mướn, điều tra nhanh, khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và các tội phạm có tổ chức, không để tình trạng buông lỏng, thiếu trách nhiệm, xử lý nghiêm những biểu hiện bảo kê, tiếp tay, dung túng để xảy ra các hành vi vi phạm, nhất là không để bất ngờ, khi xảy ra rồi thì chính quyền địa phương mới biết. Trong đó, đề nghị nâng cao trách nhiệm của công an, của xã, phường, công an cơ sở, của chính quyền cấp xã trong quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa, xử lý vi phạm. Thực tế cho thấy ở địa phương nắm rất rõ, vấn đề là có xử lý hay không, cho nên đề nghị nâng cao trách nhiệm trong vấn đề này.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt vấn đề tại sao tình hình tội phạm ngày càng tăng và phức tạp, phải chăng hệ thống các văn bản pháp luật chưa đủ sức răn đe hay chưa thực sự đấu tranh quyết liệt, chưa có giải pháp cụ thể, đồng bộ để phòng ngừa, ngăn chặn, các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, còn xem nhẹ, còn buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát. Trách nhiệm này thuộc về ai, đề nghị cần làm rõ trách nhiệm trong báo cáo của Chính phủ.

Bà Thúy đề xuất một số giải pháp như tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với những ngành, nghề mà tội phạm dễ lợi dụng, hoạt động hoặc có ảnh hưởng đến môi trường lành mạnh của xã hội; chú trọng thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các chủ cơ sở hoạt động không đúng quy định, không để các băng nhóm thanh, thiếu niên tụ tập thực hiện hành vi phạm tội và tệ nạn xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhiều đại biểu cũng ghi nhận việc triển khai Nghị quyết 37 của Quốc hội cơ bản đạt yêu cầu đề ra, song vẫn bày tỏ lo ngại trước diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm pháp luật và tham nhũng.

Góp ý triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khẳng định rằng qua gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội, bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. Để Nghị quyết tiếp tục được quán triệt và triển khai có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, ông Học nhấn mạnh Nghị quyết số 37 của Quốc hội cần được quán triệt và triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ trong quá trình phát hiện và xử lý cán bộ sai phạm. Bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Yêu cầu, đòi hỏi của người dân là phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm số cán bộ vòi vĩnh, nhũng nhiễu, thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật và có cả cán bộ bao che, bảo kê, tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm nhưng vẫn còn tồn tại, vẫn còn làm việc trong các cơ quan công quyền. Điều quan trọng hơn cả là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, vì cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ cán cân công lý chỉ được giữ nghiêm khi có được đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đề nghị tiếp tục ban hành nghị quyết và một số các chỉ tiêu. Trong Nghị quyết cần nêu rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan và quy trách nhiệm cụ thể. Trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng cần nên có một nghị quyết chuyên đề và đưa vào nghị quyết này, để chúng ta tổ chức triển khai thực hiện rõ nét hơn và sẽ đạt kết quả cao hơn.

“Lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng”

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã băn khoăn như vậy khi thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng. Theo ông Tiến, gần đây hiện tượng đáng buồn là người dân đã thờ ơ không mấy mặn mà, thiếu lửa, giảm nhiệt trong phòng, chống tham nhũng bởi những lý do khi người dân phát hiện tham nhũng, cung cấp thông tin cho các cơ quan có trách nhiệm nhưng không được xử lý cũng không phản hồi, im lặng đáng sợ. Người dân đấu tranh phòng, chống tham nhũng đôi khi lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng, bởi kẻ tham nhũng vốn sẵn tiền và quyền lực, không từ một thủ đoạn đê hèn nào như dùng xã hội đen để dằn mặt, chủ động gây ra những vụ tai nạn giao thông để trả thù, ngụy tạo chứng cứ, tố cáo ngược người chống tham nhũng. Trên thực tế, nhiều người đứng ra tố cáo tham nhũng trở thành những người "đơn thương, độc mã", tạo ra tâm lý "người ngay sợ kẻ gian".

Đề xuất giải pháp, ông Tiến kiến nghị bên cạnh các cơ quan điều tra hiện có, cần thành lập Cục Điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, với cơ chế đặc biệt được trao "thượng phương bảo kiếm" có quyền điều tra độc lập.

Đồng tình với kiến nghị của đại biểu Tiến, đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cho rằng cần thành lập lực lượng chuyên trách điều tra công tác phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội hoặc Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng. Lực lượng này phải tinh nhuệ, đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ và nghiệp vụ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, như vậy mới đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng lớn, không để kéo dài như hiện nay, không cho bị can, bị cáo có thời gian chạy án, tránh gây hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ.

Nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về việc xử lý dường như mới dừng lại ở những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty. Trong khi tập đoàn, tổng công ty không thể tự mình gây thất thoát tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, nhiều triệu đô la. Nếu không có sự buông lỏng quản lý, sự tiếp tay, tiếp sức, tiếp mưu, đồng hành, đồng lõa, đồng phạm của một số cán bộ, công chức các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Lợi ích nhóm được hình thành từ liên minh ma quỷ đó và hệ lụy là tiền thuế của nhân dân, ngân khố quốc gia ngày ngày bị bòn rút, đục khoét, sói mòn, thâm hụt thì dường như những người này đang đứng ngoài cuộc, vô can.

Một số ý kiến cho rằng việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở cơ sở, nhất là các địa phương chưa nghiêm, trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận công chức còn yếu, thậm chí vì vụ lợi nên đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, “bịt kín” các kẽ hở trong pháp luật hình sự, phòng, chống tội phạm; tăng cường trách nhiệm thanh tra, quản lý; tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, khắc phục những kẽ hở về cơ chế trong phòng, chống tham nhũng.

Hôm nay (8/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Nghị trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012.

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm