Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 30/10/2011 - 06:34
(Thanh tra) - Tưởng rằng, viện trợ nước ngoài sẽ giúp các nước nghèo phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Trên thực tế, đa số không mang lại lợi ích gì. Không những thế, nó còn làm trì trệ nền kinh tế của họ. Tham nhũng và bạo lực cũng theo đó mà tăng lên.
Vua Mswati III của Swaziland mua máy bay xịn để đến nước giàu xin viện trợ trong khi nhiều người dân đang chết đói
Mặc dù viện trợ nước ngoài từng giúp nhiều nước thoát khỏi cảnh nghèo đói và vươn lên trở thành những quốc gia công nghiệp mới như Hàn Quốc, Singapore, Argentina… Tuy nhiên, cho đến nay, đa số các khoản viện trợ nước ngoài đều không được sử dụng hiệu quả.
Theo cuốn sách Dead Aid: Why Aid Is Not Working and How There Is A Better Way for Africa của tác giả Dambisa Moyo, chính viện trợ nước ngoài đã làm cho hàng triệu người ở châu Phi rơi vào cảnh nghèo đói. Rõ ràng, viện trợ không chỉ giúp các nước thoát nghèo mà còn làm tăng sự bần cùng. Nếu viện trợ nước ngoài tiếp tục diễn ra thì nó là thảm họa về chính trị, kinh tế và nhân đạo đối với các nước đang phát triển. Vì thế, khi nghe hay đọc được điều này, các chính trị gia, các ngôi sao làm từ thiện như Bono, Algelina Jolie... sẽ rất sốc. Nhưng sự thật thì không thể phủ nhận. Ngay cả Viện Nghiên cứu Fraser danh tiếng cũng như các nhà kinh tế châu Phi đều cho rằng, các chương trình viện trợ dường như là vô bổ.
Cuốn sách của Moyo không chỉ trích việc các nước giàu đã viện trợ các nước nghèo mà chỉ trích những quốc gia nghèo này đã không biết sử dụng đồng tiền viện trợ một cách hiệu quả. Cụ thể, trong số 228 trường hợp được Mỹ viện trợ từ năm 1975 - 1995 thì có tới 96 trường hợp vẫn giậm chân tại chỗ, 69 trường hợp trở nên tồi tệ hơn. Chỉ có 63 trường hợp là có sự dân chủ hơn.
Trong rất nhiều trường hợp, nhất là ở châu Phi, viện trợ nước ngoài chỉ để duy trì và hỗ trợ chế độ độc tài. Một số lãnh tụ độc tài luôn chìa tay xin viện trợ để nuôi sống người dân trong khi lại chuyển nguồn tiền mình làm được ra nước ngoài để mua vũ khí, duy trì quân đội nhằm củng cố chế độ. Một phần trong số đó là bí mật chuyển khoản ra các ngân hàng nước ngoài nhằm hưởng lạc khi nghỉ hưu và nuôi dưỡng cả đời con cháu. Số tiền viện trợ 70 tỷ USD cho Ai Cập sau hàng thập kỉ đã không cải thiện được chất lượng đời sống của người dân nước này mà chủ yếu là làm đầy “kho tiền” nằm trong ngân hàng của cựu Tổng thống Hosni Mubarak.
Theo phát biểu của ông Ron Paul, một ứng cử viên cho chức Tổng thống Mỹ năm tới thì, viện trợ nước ngoài là “lấy tiền từ túi của những người nghèo ở những nước giàu để chia cho những người giàu ở những nước nghèo”. Đây quả là một nghịch lý đáng phê phán.
Những quốc gia nhận viện trợ nhiều nhất của Mỹ hàng năm bao gồm: Afghanistan (4,1 tỷ USD), Israel (2,1 tỷ USD), Pakistan (1,88 tỷ USD), Haiti (1,77 tỷ USD), Ai Cập (1,55 tỷ USD), Iraq (1,11 tỷ USD), Jordani (843 triệu USD), Mexico (758 triệu USD), Kenya (680 triệu USD) và Nigeria (615 triệu USD). Trong số các nước này, chỉ có Israel sử dụng những đồng viện trợ đúng mục đích và giúp người dân phát triển kinh tế đáng kể. Jordani và Kenya thì không có lợi gì. Afghanistan chỉ hòa bình chừng nào quân đội nước ngoài còn ở đó. Ai Cập vẫn đang chìm trong hỗn loạn. Iraq thì vẫn còn bất ổn và bạo lực. Pakistan từ 6 thập kỉ qua được Mỹ xem là đồng minh thân cận và được cấp cho khá nhiều tài chính nhưng hiện có những bất đồng trong chiến dịch chống khủng bố và việc Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden trên đất Pakistan cách đây không lâu đã làm Mỹ ít nhiều nghi ngờ.
Như vậy, không có gì thắng lợi trong chiến dịch xuất khẩu tự do dân chủ của Mỹ đến các nước nói trên. Có lẽ vì thế, mới đây, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã đề cập đến việc thay đổi chiến lược viện trợ nước ngoài. Trước đây, vào thời chiến tranh lạnh, Mỹ gửi tiền viện trợ đến các nước nghèo để mua lòng trung thành của họ nhưng nó đã không đem lại hiệu quả về kinh tế cho các nước này. Ngược lại, nó làm cho chính phủ các nước nghèo phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn là đồng thuế của nhân dân họ.
Vào năm 1970, các nước giàu đã cam kết trích ra khoảng 0,7% GNP (tổng sản phẩm quốc gia) để viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có ít quốc gia là giữ được cam kết này. Ví dụ, Canada chỉ dành khoảng 0,33% GNP cho viện trợ nước ngoài và năm 2006, nước này đứng thứ 16 trong số 22 quốc gia có viện trợ cho nước ngoài nhiều nhất. Trong khi đó, dù đứng đầu về số tiền viện trợ nước ngoài, nhưng Mỹ cũng chỉ đứng thứ 17 nếu tính theo % của GNP…
Việc các nước giàu nhất thế giới không giữ đúng cam kết một phần là do các nước trên gặp phải khủng hoảng kinh tế, thiên tai… nhưng một phần là do các nước nhận viện trợ đã không sử dụng tốt viện trợ. Ví dụ, các khoản viện trợ nước ngoài đã chi khoảng 2 tỷ USD vào việc xây dựng hệ thống đường ở Tanzania trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, hệ thống đường xá của nước này vẫn không được cải thiện bởi vì không có ai duy trì chúng. Vào năm 1970, Tanzania thiếu lương thực trầm trọng. Nhưng, khi được quốc tế viện trợ thì lương thực lại nằm chất đống ngoài sân bay mà không có nỗ lực phân phối. Trong khi đó, nhiều người dân chết đói và sống trong cảnh lầm than.
Hay thời kì nạn đói khủng khiếp ở Ethiopia, người chết nằm ngổn ngang nhưng chính quyền Mengistu vẫn đánh thuế đối với lương thực thu hoạch được để nuôi dưỡng quân đội.
Một trường hợp khác có thể gây sốc cho nhiều người là, vào năm 2002, vua Mswati III của Swaziland đã chi hẳn 45 triệu USD mua máy bay riêng để đến các nước giàu xin viện trợ. Swaziland là quốc gia có tới 65% số dân sống dưới mức nghèo khó theo chuẩn của Liên hợp quốc, 33% số dân bị nhiễm HIV. Vậy nhưng, số tiền mà vua Mswati III chi ra mua máy bay lớn gấp 2 lần ngân sách y tế hàng năm của nước này.
Như vậy, viện trợ nước ngoài đã không mang lại kết quả tốt đẹp. Trong khi đó, nó lại phá hoại sự tự cường, lòng tin và sáng kiến - 3 yếu tố quan trọng để giúp các nước đang phát triển thoát khỏi nghèo khó.
Phú Quang
(Theo Toronto Sun/WSJ/Time)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà