Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tòa án Thụy Sĩ giữ nguyên phán quyết tham nhũng đối với ông trùm khai thác mỏ Steinmetz

Hoài Phương

Thứ năm, 06/04/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Một tòa phúc thẩm Thụy Sĩ đã giữ nguyên bản án đối với ông trùm khai thác mỏ Beny Steinmetz về tội tham nhũng. Steinmetz bị kết án ở Geneva 2 năm trước tại một trong những vụ tranh chấp pháp lý nổi tiếng nhất của ngành khai thác mỏ.

Tỷ phú người Israel Beny Steinmetz đến tòa án để tự bảo vệ mình trước các cáo buộc tham nhũng và giả mạo liên quan đến các hợp đồng khai thác mỏ ở Guinea, tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 11/1/2021. Ảnh: REUTERS/Denis Balibouse

Phán quyết ngày 28/3, được công bố sau 7 ngày (ngày 4/4).

Theo Hãng tin Reuters, Steinmetz cho biết sẽ kháng cáo phán quyết lên tòa án liên bang cao nhất của Thụy Sĩ. Steinmetz, hiện đang ở Israel, gọi quyết định này là "không công bằng và có động cơ chính trị".

Vụ việc được đưa ra xét xử hồi tháng 8, tháng 9/2022. Tại đó, Steinmetz và 2 bị cáo khác phản đối một phán quyết của tòa án trước đó khi cho rằng, đã trả hoặc sắp xếp thanh toán hối lộ để có được giấy phép thăm dò cho một trong những mỏ sắt có giá trị nhất toàn cầu ở Guinea, và giả mạo tài liệu để che đậy việc này.

Khi ấy, 3 thẩm phán của tòa án cấp cao hơn đã giảm bản án 5 năm tù giam của Steinmetz xuống còn 3 năm, trong đó phải chấp hành 18 tháng. Khoản tiền phạt 50 triệu franc Thụy Sĩ (55 triệu USD) trước đó vẫn được giữ nguyên.

Trong quá trình kháng cáo, các luật sư của Steinmetz đã kêu gọi sự tha bổng hoàn toàn cho thân chủ, hoặc kết thúc vụ án với lý do Thụy Sĩ không phải là địa điểm thích hợp để phán quyết, vì các tội danh bị cáo buộc không được thực hiện ở đây.

Tỷ phú người Israel Beny Steinmetz (trái ảnh) và luật sư Marc Bonnant rời tòa án sau phán quyết về tội tham nhũng, tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 22/1/2021. Ảnh: REUTERS/Denis Balibouse

Trong phán quyết vào tháng 1/2021, một tòa án ở Geneva cho rằng, Steinmetz và 2 người khác đã trả hoặc sắp xếp khoản thanh toán 8,5 triệu USD hối lộ, trong thời gian từ năm 2006 đến 2012 cho một trong những người vợ của cựu Tổng thống Guinea Lansana Conte, bà Mamadie Toure, để có được giấy phép hoạt động thăm dò quặng sắt bên dưới dãy núi Simandou ở Guinea.

Nơi ở của bà Toure hiện vẫn chưa được xác định và Reuters không thể liên lạc với bà để đưa ra bình luận.

Tại phiên điều trần kháng cáo năm 2022, luật sư của Steinmetz, Daniel Kinzer, nói rằng, bà Toure chỉ đơn thuần "vận động" chồng cấp giấy phép khai thác mỏ cho Beny Steinmetz Group Resources (BSGR - tập đoàn khai khoáng tại Guinea của tỷ phú Beny Steinmetz).

Theo Daniel Kinzer, điều đó có nghĩa là khả năng tồi tệ nhất mà thân chủ của ông có thể bị buộc tội là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” (influence-peddling), đây không phải là tội theo luật Thụy Sĩ.

Trưởng Công tố Yves Bertossa của Geneva gọi những lập luận này là không đúng và lặp lại đề nghị giữ nguyên bản án ban đầu.

Beny Steinmetz, 67 tuổi, cũng được biết đến là 1 trong 10 tỷ phú kim cương giàu nhất thế giới.

Steinmetz từng là cư dân Geneva, đã quay trở lại Israel vào năm 2016. Ông đã có mặt tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Steinmetz khẳng định trước tòa rằng, chưa bao giờ mua chuộc bất kỳ ai.

Steinmetz chưa phải ngồi tù, theo các quy tắc của Thụy Sĩ cho phép các bị cáo không phải là cư dân thường trú được đi lại một cách an toàn.

Người phát ngôn của Steinmetz cho biết, ông không bắt buộc phải chấp hành bản án trong khi chờ phán quyết của tòa án liên bang.

Bản án tham nhũng đối với 2 bị cáo khác bị kết tội cùng với Steinmetz cũng được giữ nguyên, họ được hưởng án treo hoàn toàn.

Cả 3 được trắng án về tội giả mạo giấy tờ.

Dự án Simandou trị giá 20 tỷ USD từng là một trong những dự án khai khoáng đáng giá nhất thế giới. Các nhà phân tích ước tính khu vực núi Simandou, ở Đông Nam của Guinea, là mỏ quặng sắt khổng lồ, chứa hơn 2 tỷ tấn quặng. Tuy nhiên, các tranh chấp pháp lý và chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng khiến nó không được khai thác suốt gần 3 thập kỷ kể từ khi được khám phá.

Simandou đã thu hút một số công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới và các cố vấn giàu quyền lực bao gồm nhà đầu tư George Soros và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Cũng tại đây đã nảy sinh những hành vi không được pháp luật thừa nhận.

Cách đây hơn 10 năm, vào tháng 1/2013, một ban hội thẩm ở New York (Mỹ) đã mở cuộc điều tra các vi phạm có thể có theo Đạo luật Chống tham nhũng tại nước ngoài và chống tội phạm rửa tiền của Mỹ, liên quan đến việc chuyển nhượng quyền khai thác mỏ Simandou.

Năm 2014, Frederic Cilins, một người Pháp có quan hệ với Steinmetz và Tập đoàn BSGR bị kết án 2 năm tù vì đã cản trở công tác điều tra của ban hội thẩm. Các công tố viên buộc tội Frederic Cilins hối lộ một nhân chứng để phá hủy tang chứng và nói dối các nhà điều tra Mỹ.

Guinea cũng là quốc gia nằm trong danh sách các nước có tình trạng tham nhũng khu vực công cao, theo đánh giá chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

Báo cáo mới nhất của TI cho thấy, năm 2022, Guinea chỉ đạt 25 điểm CPI (trên thang điểm 100), giảm 3 điểm so với năm 2020, xếp ở vị trí 147/180 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm