Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếp tục cuộc biểu tình "chưa từng có" khi dự luật gây tranh cãi được thông qua vòng 1

Đức Anh

Thứ ba, 11/07/2023 - 21:46

(Thanh tra) - Những người tham gia vào các cuộc biểu tình "chưa từng có" kéo dài suốt gần 7 tháng qua cho rằng, việc thông qua dự luật hạn chế một số quyền lực của Tòa án Tối cao sẽ giảm vai trò giám sát ngăn ngừa tham nhũng và lạm dụng quyền lực ở Israel.

Người biểu tình phản đối cuộc cải cách tư pháp của Chính phủ, tại Tel Aviv, Israel ngày 11/7/2023. Ảnh: REUTERS/Corinna Kern

Ngày 11/7, người biểu tình đã chặn các đường cao tốc chính sau khi Quốc hội Israel thông qua dự luật hạn chế quyền lực của tòa án, một nỗ lực mới nhằm thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi ở nước này.

Dự luật do Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề xuất, với các quy định hạn chế quyền phán quyết của Tòa án Tối cao về "tính hợp lý" trong các quyết định của Chính phủ.

Theo luật hiện tại, tòa án có thể bác bỏ một quyết sách của bộ máy hành pháp, gồm cả Chính phủ, nếu cho rằng nó "thiếu hợp lý" hoặc chưa được cân nhắc đầy đủ, kể cả trường hợp quyết định đó không vi phạm pháp luật.

Những hình ảnh được ghi lại ngày 11/7 cho thấy đám đông người Israel vẫy cờ dừng giao thông buổi sáng tại các giao lộ chính và trên đường cao tốc ở miền Trung Israel, trung tâm kinh doanh Tel Aviv và gần lối vào Jerusalem. Một số nằm trên đường, trong khi những người khác ném pháo sáng.

Cảnh sát đã sử dụng vòi rồng để giải tán một số người biểu tình và dùng vũ lực kéo những người khác đi. Thông tin ban đầu của lực lượng cảnh sát cho biết, 24 người đã bị bắt, Hãng Reuters đưa tin.

Nhiều cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch trên toàn quốc trong suốt ngày 11/7, bao gồm cả tại sân bay quốc tế chính Ben Gurion.

Trước đó, ngày 9/7, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã triệu tập Nội các để họp bàn các vấn đề pháp lý, cho phép cảnh sát áp dụng các biện pháp mạnh tay đối với những người biểu tình gây rối.

Trong một thông điệp qua video trước phiên họp ngày 10/7 của Quốc hội bỏ phiếu thông qua dự luật lần thứ nhất, Thủ tướng Israel khẳng định, Chính phủ không bao giờ hạn chế quyền biểu tình hoặc ủng hộ bạo lực chống người biểu tình. Tuy nhiên, không nên áp dụng các quyền này đối với "những người vi phạm pháp luật làm tổn hại đến các quyền cơ bản của hàng triệu công dân và vi phạm gần như hàng ngày".

Ông Netanyahu lấy ví dụ, Sân bay Quốc tế Ben Gurion và các tuyến giao thông huyết mạch từng bị đóng cửa vì người biểu tình.

Người biểu tình chặn đường cao tốc đến Jerusalem để phản đối cuộc cải cách tư pháp của Chính phủ, ngày 11/7/2023. Ảnh: REUTERS/Ronen Zvulun

Nỗ lực của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm thay đổi hệ thống tư pháp là nguyên nhân của các cuộc biểu tình chưa từng có, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe nền dân chủ của Israel và gây tổn hại cho nền kinh tế.

Dự luật sẽ phải thông qua 3 lần bỏ phiếu tại Quốc hội trước khi chính thức được ban hành.

Ngày 10/7, sau phiên họp Quốc hội sôi nổi, dự luật đã được thông qua ở vòng bỏ phiếu thứ nhất với tỷ lệ 64-56.

Những người phản đối dự luật lập luận rằng, việc tòa án có thể bác bỏ một quyết sách của bộ máy hành pháp là sự giám sát tư pháp giúp ngăn ngừa tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Trong khi những người ủng hộ dự luật nói, sự thay đổi sẽ tạo điều kiện quản lý hiệu quả bằng cách hạn chế sự can thiệp của tòa án, các thẩm phán có những biện pháp pháp lý khác để thực hiện giám sát.

Thủ tướng Netanyahu từng cho rằng, cải cách tư pháp là điều cần thiết nhằm khôi phục lại sự cân bằng giữa các nhánh trong Chính phủ.

Trước làn sóng biểu tình gay gắt và sự chỉ trích ngày càng tăng của các nước, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, hồi tháng 3, Thủ tướng Netanyahu đã ra lệnh tạm dừng kế hoạch cải cách tư pháp để tạo điều kiện cho các cuộc thương lượng với phe đối lập.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã thất bại vào tháng 6, và ông Netanyahu tiếp tục thực hiện nỗ lực để Quốc hội Israel thông qua dự luật.

Cho đến nay, chưa có dấu hiệu Thủ tướng Israel sẽ tạm dừng kế hoạch cải cách một lần nữa và ông cũng đã nỗ lực giảm bớt hậu quả kinh tế từ chiến dịch đã khiến các nhà đầu tư lo sợ, làm suy yếu đồng shekel gần 8% kể từ tháng 1.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.

Ngọc Anh

12:40 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm