Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thế giới năm 2020: Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN

Theo Bạch Dương/TTXVN

Thứ ba, 15/12/2020 - 21:53

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi và lãnh đạo các nước nhận định, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh khu vực phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 qua hình thức trực tuyến. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt qua một năm 2020 đầy thách thức, đặc biệt là do đại dịch COVID-19, để giữ vững đà hợp tác, đưa ra những định hướng lớn cho Cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực với người dân luôn ở vị trí trung tâm.

Kết quả này thể hiện bản lĩnh và tinh thần đoàn kết của ASEAN, đồng thời mang đậm dấu ấn vai trò dẫn dắt và điều phối của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.

Điều đó đã được khẳng định qua đánh giá của Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi: “Vai trò chủ tịch ASEAN năm nay của Việt Nam rất mẫu mực. Mặc dù phải đối phó với các thách thức COVID-19 trong nước và thiên tai, Việt Nam đã có khả năng lãnh đạo trong việc giữ cho khu vực gắn kết và ứng phó với những thách thức này, đặt vai trò trung tâm của ASEAN và lợi ích của người dân làm trọng tâm.”

Đây cũng là nhận định chung của lãnh đạo các nước thành viên và đối tác, giới chuyên gia và truyền thông quốc tế, cho rằng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, từ công tác chuẩn bị, đến chương trình nghị sự và nỗ lực đưa các hội nghị đến nhất trí nhiều vấn đề quan trọng.

Khi tiếp quản chức Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp thực chất và nhiều hơn nữa vào phát triển Cộng đồng ASEAN hài hòa, tự cường, sáng tạo, gắn kết, bản sắc, trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao.

Nhìn lại một năm ASEAN dưới sự "chèo lái" của Việt Nam, có thể nói chính phương châm tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia ASEAN đã giúp Việt Nam đảm đương thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, mà như lời chúc mừng của Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi thì "Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh khu vực phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.”

Trước hết, phải kể tới vai trò chủ động, linh hoạt của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN vượt qua những một năm đầy thách thức, trong đó có đại dịch COVID-19.

Khi dịch bệnh lan rộng và các nước phải đóng cửa biên giới hồi tháng Ba, Việt Nam đã có sáng kiến chủ động chuyển các sự kiện của ASEAN sang hình thức họp trực tuyến ở các cấp khác nhau, giúp khắc phục những trở ngại, tiết kiệm thời gian đồng thời vẫn bảo đảm hoạt động của ASEAN và đem lại những động lực mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleusay Kommasith cho rằng bất chấp những thách thức to lớn và phải tổ chức các cuộc họp theo cách thức chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của ASEAN, Việt Nam không chỉ thực hiện hết sức hiệu quả vai trò Chủ tịch ASEAN mà còn hoàn thành mọi mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Theo ông Saleumsay, mặc dù đại dịch COVID-19 khiến các chuyên viên, đại biểu và lãnh đạo các nước không thể gặp nhau trực tiếp, Việt Nam vẫn chuẩn bị rất tốt, rất đầy đủ các nội dung, giúp cho các cuộc họp dù chỉ diễn ra theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, đảm bảo nội dung, mục đích trong khi vẫn giữ được vai trò trung tâm của ASEAN.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đánh giá Việt Nam đã thực hiện một công việc đáng khen ngợi trong năm nay trong việc dẫn dắt ASEAN theo chủ đề ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng.”

Ông Don Pramudwinai nhắc lại khi xảy ra dịch COVID-19, nhờ sự lãnh đạo của Việt Nam, ASEAN đã có thể nhanh chóng thành lập Nhóm công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về những tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào tháng Ba để điều phối phản ứng tập thể và toàn diện của ASEAN đối với đại dịch COVID-19, tiếp đó, Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt về COVID-19 diễn ra dưới hình thức trực tuyến đã được triệu tập kịp thời vào giữa tháng Tư.

 Quang cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc lần thứ 11. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Những can dự cấp cao này không chỉ thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ của ASEAN và các đối tác bên ngoài để làm việc cùng nhau, mà còn là minh chứng cho sức mạnh tập thể của ASEAN.

Nói cách khác, với vai trò dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN trở nên mạnh hơn, đoàn kết chặt chẽ hơn để vượt qua thách thức.

Sự thích ứng một cách chủ động trong chủ đề của ASEAN 2020 đã được hiện thực hóa ở một loạt giải pháp mà Việt Nam đã thúc đẩy.

Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleusay Kommasith nhận định nhờ sự lãnh đạo của nước Chủ tịch Việt Nam, ASEAN đã có rất nhiều sáng kiến mà nhiều khu vực khác trên thế giới chưa làm được, như thành lập Quỹ ứng phó với COVID-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực; thông qua Khung phục hồi toàn diện ASEAN và Kế hoạch triển khai, và gần đây nhất là Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN. Ngoài ra, ASEAN đã thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và bệnh mới nổi (AC-PHEED).

Đại sứ Malaysia tại ASEAN Kamsiah Kamaruddin thì cho rằng 2020 đánh dấu một năm “phi thường” đối với ASEAN và toàn thế giới, và Việt Nam đã cho thấy khả năng lãnh đạo trong việc đảm bảo khu vực gắn kết và chủ động thích ứng với những thách thức.

Đại sứ Myanmar tại ASEAN Aung Myo Myint cũng chia sẻ quan điểm trên khi nhấn mạnh rằng bất chấp các thách thức, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Việt Nam trong năm nay, ASEAN đã đạt được những tầm cao mới, cho thế giới thấy rõ hơn về sự đoàn kết và khả năng phục hồi của mình với tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng.

Trong khi đó, báo The ASEAN Post đánh giá trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài trong việc thể hiện vai trò một nhà lãnh đạo hiệu quả, đặc biệt với việc chủ động ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Việt Nam cũng thể hiện xuất sắc vai trò điều phối của Chủ tịch ASEAN một cách linh hoạt và hài hòa. Tổng Thư ký Dato Lim nhận định để giải quyết thách thức COVID-19, Việt Nam đã “tập hợp thành công ý chí và nguồn lực chung” của cả khu vực, đặc biệt là trong việc đồng bộ hóa ứng phó của ASEAN trước đại dịch. Hay như việc các nước thống nhất và tiến hành ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Lào, đây là một trong những thành công mà Việt Nam có vai trò và sự đóng góp rất lớn, đặc biệt là trong công tác tổ chức, tham vấn, điều phối, làm sao để các bên nhất trí và cùng nhau ký kết hiệp định.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Philippines tại ASEAN Noel Servigon khẳng định bất chấp các thách thức, Việt Nam không chỉ triệu tập thành công các cuộc họp ASEAN mà còn duy trì động lực hợp tác với tất cả các đối tác đối thoại và các đối tác bên ngoài của ASEAN, cũng như thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).

Thông qua nhiều mối quan hệ tương tác này, Việt Nam luôn nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, thể hiện rõ rằng ASEAN đóng vai trò chủ đạo và quyết định tiến trình tương lai của khu vực.

Giới chuyên gia cho rằng, bằng những biện pháp khéo léo và linh hoạt, Việt Nam đã giúp ASEAN duy trì được mối quan hệ cân bằng với các nước lớn, điều hòa và giảm thiểu áp lực từ sự cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn đối với ASEAN thông qua việc nhấn mạnh và đề cao các nguyên tắc cơ bản của ASEAN trong quan hệ giữa các quốc gia; tranh thủ sự đoàn kết và đồng thuận của ASEAN để thống nhất cách tiếp cận chung trước các yêu cầu, đề xuất mà các đối tác đưa ra.

Những nỗ lực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch đã giúp ASEAN khẳng định được vai trò trung tâm và nâng cao hơn nữa vị thế của khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleusay Kommasith đặc biệt lưu ý việc trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã cố gắng đưa nhiều vấn đề của ASEAN thảo luận tại Liên hợp quốc, đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an, giúp Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế hiểu hơn về vai trò của ASEAN, điều này không chỉ giúp nâng cao vai trò của Việt Nam mà còn của ASEAN trên trường quốc tế.

Việt Nam cũng tổ chức phiên họp về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN. Đây là lần đầu tiên chủ đề này được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an.

Bộ trưởng Ngoại giao Lào nhấn mạnh: “Việt Nam đã thể hiện năng lực không chỉ trong việc lãnh đạo ASEAN mà còn thể hiện khả năng của mình trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh trên thế giới và khu vực. Đây là minh chứng rõ ràng về vai trò nổi bật của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020.”

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Còn Tổng Thư ký ASEAN khẳng định, giữa những bất ổn về địa chiến lược, vai trò Chủ tịch của Việt Nam cũng giúp tăng cường mối quan hệ hữu nghị và làm sâu sắc thêm lòng tin giữa các quốc gia thành viên cũng như với các đối tác bên ngoài của ASEAN.

Như tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã đưa thành công con tàu ASEAN 2020 vượt qua vùng biển động, dông bão dữ dội của đại dịch COVID-19, bị chao đảo bởi tình hình thương mại, kinh tế suy giảm mạnh, cạnh tranh địa chiến lược quốc tế diễn ra gay gắt tại khu vực…, qua đó Việt Nam trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy trong ASEAN.

Đây cũng chính là nhận định của Tiến sỹ Frederick Kliem, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa đa phương, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singpore): “Việt Nam là thành viên rất được tôn trọng, đáng tin cậy và có tính xây dựng trong ASEAN.”

Cùng những dấu ấn đạt được trong năm Chủ tịch ASEAN 10 năm trước và những đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong 25 năm gia nhập tổ chức khu vực này, thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là một minh chứng nữa cho tuyên bố của Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Philippines tại ASEAN Noel Servigon :"Việt Nam là thành viên quý giá của cộng đồng các nước ASEAN.”/.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm