Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ ba, 17/05/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Bà Gillian Dell, người đứng đầu bộ phận Công ước của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho rằng, Ủy ban về Ngăn ngừa tội phạm của Liên hợp quốc nên hỗ trợ thành lập một nhóm chuyên gia để chung tay chống tham nhũng lớn.
Biểu tình chống tham nhũng, ngày 20/8/2019 tại Panama City, Panama. Ảnh: Lourdes Quintero / Shutterstock
Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) sẽ tròn 20 tuổi vào năm tới. Đây là một thành tựu mang tính bước ngoặt khi được thông qua và cùng với cơ chế đánh giá ngang hàng, đã ban hành luật chống tham nhũng trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, theo bà Gillian Dell, có những điểm yếu và lỗ hổng quan trọng hiện nay cần khắc phục.
Đặc biệt, cộng đồng quốc tế phải hành động nhiều hơn nữa để cùng nhau giải quyết loại tham nhũng gây nguy hại trên diện rộng. Đó là những vụ việc có quy mô lớn liên quan đến các quan chức cấp cao, hay còn được gọi là tham nhũng lớn.
Từ Brazil đến Gambia, từ Malaysia đến Mozambique..., các vụ án tham nhũng liên quan đến khối lượng lớn tài sản đã bộc lộ những lỗ hổng trong khuôn khổ pháp lý và những thiếu sót trong thực thi khiến cho tham nhũng lớn phát triển.
Liên hợp quốc gần đây đã thừa nhận sự cần thiết phải giải quyết các mạng lưới tham nhũng có tổ chức lan tràn, thường bao gồm các chính trị gia, công chức, khu vực tư nhân và các thành viên của tổ chức tội phạm.
Liên hợp quốc cũng chỉ ra những hậu quả khủng khiếp của tham nhũng phức tạp, đa khu vực pháp lý, trong đó bao gồm đói nghèo và xung đột.
Có thể thấy, ở những nơi có tham nhũng lớn, các quỹ lẽ ra có thể được sử dụng cho y tế, giáo dục, giao thông công cộng, chương trình xã hội và các lợi ích khác để cải thiện cuộc sống của người dân sẽ bị bòn rút vào tài khoản ngân hàng của giới tội phạm.
Tuy nhiên, dù gây ra những tác động tàn khốc, các thủ phạm tham nhũng lớn thường trốn tránh được sự trừng phạt, trong khi nạn nhân bị từ chối các biện pháp khắc phục hậu quả. Điều này là do thủ phạm có quyền lực và sức ảnh hưởng để cản trở các khuôn khổ pháp lý trong nước có hiệu lực, trong khi các khu vực pháp lý khác không trang bị cho hành động đó.
Tại Phiên họp đặc biệt đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNGASS) năm 2021 đã đưa ra hy vọng về việc các cơ quan của Liên hợp quốc sẽ bắt đầu giải quyết nạn tham nhũng lớn. TI và các đối tác đã thúc đẩy việc thành lập một nhóm công tác bao gồm các chuyên gia để chuẩn bị những đề xuất cụ thể cho các khuôn khổ và cơ chế mới nhằm giải quyết các lỗ hổng trong UNCAC.
Tuyên bố chính trị của UNGASS 2021 cũng đã thừa nhận, có thể còn những lỗ hổng chưa được khắc phục trong khuôn khổ quốc tế về chống tham nhũng, nhưng Tuyên bố này không đủ khả năng giao nhiệm vụ cho một nhóm công tác chuyên trách đưa ra các giải pháp và chỉ yêu cầu Hội nghị các quốc gia thành viên UNCAC (CoSP) giải quyết chúng - vào một thời gian nào đó trong tương lai.
Theo người đứng đầu bộ phận Công ước của TI, Phiên họp của Ủy ban về Ngăn ngừa tội phạm và Tư pháp hình sự (Commission on Crime prevention and Criminal Justice - CCPCJ) của Liên hợp quốc họp tại Vienna, diễn ra từ ngày 16-20/5/2022 sẽ mang đến một cơ hội khác để nhóm chuyên gia được đề xuất thành công cũng như tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hiệp ước Liên hợp quốc.
Phối hợp công việc về UNCAC với các thỏa thuận quốc tế khác
UNCAC là văn kiện quốc tế đầu tiên có hiệu lực đối với các thành viên ở phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 31/10/2003; bao gồm 8 chương, 71 điều quy định về các biện pháp mang tính phòng ngừa và xử phạt, hợp tác quốc tế và thu hồi tài sản tham nhũng nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở tất cả các thành viên.
Mặc dù tiềm năng của Công ước để giải quyết tình trạng tham nhũng lớn chưa được khai thác hết - chẳng hạn như quy định về việc thực thi quyền lực pháp lý toàn cầu ở những nơi có khoảng cách về thẩm quyền liên quan đến tội phạm nghiêm trọng - điều quan trọng là phải thừa nhận rằng các biện pháp quốc gia mà UNCAC yêu cầu chưa đủ trong việc giải quyết tình trạng tham nhũng lớn.
Bà Gillian Dell cho rằng, để đạt được kết quả tốt hơn, có thể thông qua một cách tiếp cận chống tham nhũng liên kết, chẳng hạn như kết hợp các biện pháp của UNCAC với các biện pháp được yêu cầu theo Công ước của Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC)... Vì vậy, bước đầu tiên phải là sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa UNCAC CoSP và các cơ quan liên quan khác của Liên hợp quốc.
UNTOC nên được coi là để bổ sung cho UNCAC, với một số quy định có khả năng mạnh mẽ hơn đối với các khía cạnh xuyên quốc gia, có mạng lưới, có tổ chức của tham nhũng lớn.
Hai công ước có quy định chung về các chủ đề như hối lộ, rửa tiền, hợp tác quốc tế và bổ sung cho nhau trong các lĩnh vực khác.
Ví dụ, UNTOC bao gồm các biện pháp bổ sung về việc lạm dụng các công ty, vai trò của các trung gian khu vực tư nhân trong tội phạm xuyên biên giới và bồi thường cho các nạn nhân. Các yếu tố này cần được đưa vào trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát các khuôn khổ quốc gia về chống tham nhũng.
Do đó, việc phối hợp hoạt động của UNCAC và UNTOC thông qua các cuộc họp chung của các hội nghị, nhóm công tác và các cơ chế đánh giá việc thực hiện sẽ tạo ra những biện pháp quốc gia mạnh mẽ hơn chống lại tham nhũng lớn.
Tương tự, sự phối hợp giữa UNCAC và các cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc và quá trình giám sát của họ sẽ giúp đảm bảo rằng các yếu tố được xem xét trong việc đánh giá các nỗ lực chống tham nhũng quốc gia.
Bám sát Tuyên bố chính trị của UNGASS
Người đứng đầu bộ phận Công ước của TI cũng cho rằng, các nỗ lực chống tham nhũng lớn còn có thể được cải thiện thông qua việc bám sát Tuyên bố chính trị UNGASS 2021.
Tuyên bố bao gồm các cam kết của quốc gia thành viên Liên hợp quốc đối với bầu cử tự do và công bằng, ra quyết định có sự tham gia ở cấp quốc gia, sự giám sát của quốc hội đối với ngân sách và bảo vệ các nhà báo - đây là những cam kết không có trong UNCAC.
Bên cạnh đó, Tuyên bố cũng bao gồm các cam kết về minh bạch quyền sở hữu có lợi, kê khai tài sản thu nhập của các quan chức nhà nước... Nhưng Tuyên bố không thiết lập một quy trình tiếp theo chính thức mà dựa vào UNCAC CoSP để xử lý các bước kế tiếp.
Một nghị quyết năm 2021 của Hội nghị các quốc gia thành viên UNCAC lần thứ 9 (CoSP 9) nói rằng, các cơ quan con của CoSP nên bám sát Tuyên bố của UNGASS - tuy nhiên, lại không nêu rõ điều đó sẽ xảy ra như thế nào. Nghị quyết này cũng kêu gọi một cuộc họp không chuyên trách về Tuyên bố và sự đệ trình tự nguyện của các quốc gia thành viên về việc thực hiện UNCAC cũng như Tuyên bố chính trị. Song, nghị quyết không thiết lập được quy trình giám sát đối với Tuyên bố - lẽ ra, sẽ khuyến khích bên ký thực hiện các cam kết UNGASS của mình.
"Đối với những lỗ hổng và thách thức còn tồn tại trong khuôn khổ quốc tế về chống tham nhũng, chúng ta có thể thấy Tuyên bố của UNGASS sẽ thúc đẩy những nỗ lực giải quyết tham nhũng trong thời gian tới. Trong khi đó, nên bắt đầu công việc chuẩn bị về cách giải quyết tốt hơn đối với tình trạng tham nhũng lớn do tính cấp bách và phức tạp của thách thức", bà Gillian Dell cho biết trên một bài đăng tại website của TI.
Nhấn mạnh việc thành lập một nhóm chuyên gia để chung tay chống tham nhũng, bà Gillian Dell cho rằng, nhóm công tác cần xem xét một khuôn khổ mới để hình sự hóa hành vi tham nhũng lớn và quy định rõ các biện pháp tố tụng quốc gia đặc biệt áp dụng trong những trường hợp này. Ví dụ, việc thực thi quyền tư pháp chung sẽ là chìa khóa trong các vụ án tham nhũng lớn để khắc phục khoảng cách thẩm quyền. Các điều khoản cũng có thể được đưa ra để dỡ bỏ quyền miễn trừ, các quy định giới hạn, các biện pháp khắc phục cũng như thỏa thuận đặc biệt để thu hồi và hoàn trả tài sản quốc tế...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình