Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều quốc gia hành động chưa đủ để ngăn cản hối lộ ở nước ngoài

Hoài Phương

Thứ sáu, 14/10/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Mặc dù có một số tiến triển đột phá, thế nhưng thực tế hiện nay, các công ty đa quốc gia hối lộ để mở đường vào thị trường nước ngoài vẫn hầu như không bị trừng phạt và việc bồi thường cho nạn nhân là rất hiếm.

Ảnh: Shutterstock

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), toàn cầu hóa đã ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của các quốc gia, tạo thuận lợi cho các công ty có thể kinh doanh xuyên biên giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu cây cầu mới đắt tiền trong thành phố của bạn được xây dựng bởi một công ty nước ngoài không đủ tiêu chuẩn? Hoặc nếu hóa đơn tiền điện của bạn bị tăng cao một cách bất thường do thỏa thuận kinh doanh được thực hiện ở hậu trường, không công khai? Những rủi ro này trở nên cao hơn nếu bạn sống ở một quốc gia có mức độ tham nhũng trong chính phủ lớn.

Các quan chức nhà nước đòi hoặc nhận hối lộ từ những công ty nước ngoài không phải là thủ phạm duy nhất của kế hoạch tham nhũng. Các công ty đa quốc gia - thường có trụ sở chính ở quốc gia có mức độ tham nhũng trong khu vực công thấp - là phần còn lại của kế hoạch, cần phải chịu trách nhiệm tương tự.

Cách đây 25 năm, cộng đồng quốc tế đã thống nhất rằng, các quốc gia thương mại (trading country - quốc gia mà thương mại quốc tế chiếm một tỷ lệ lớn trong nền kinh tế) có nghĩa vụ trừng phạt các công ty hối lộ công chức nước ngoài để giành được hợp đồng chính phủ, giấy phép khai thác và các giao dịch khác (nói cách khác là tham gia hối lộ ở nước ngoài). Tuy nhiên, rất ít quốc gia đã thực hiện đầy đủ cam kết của họ.

Báo cáo mới của TI có tên “Xuất khẩu tham nhũng năm 2022”, đánh giá hiệu quả hoạt động của 47 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, bao gồm 43 quốc gia là thành viên Công ước Chống hối lộ các công chức nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong việc ngăn chặn hành vi hối lộ ở nước ngoài của các công ty từ quốc gia của họ.

Kết quả đánh giá cho thấy sự "đi xuống" hơn bao giờ hết.

Những kết quả nổi bật

TI đã theo dõi độc lập tiến trình của các nước thương mại lớn trong việc thực thi chống hối lộ ở nước ngoài kể từ năm 2009.

Báo cáo 2 năm một lần của TI đã chấm điểm các quốc gia dựa trên hiệu suất công việc ở các giai đoạn thực thi khác nhau - từ số cuộc điều tra được khởi động và bản án cho những trường hợp được kết luận với các biện pháp trừng phạt - trong thời hạn 4 năm. Sau đó, TI phân loại theo 4 mức độ thực thi: Tích cực, trung bình, hạn chế, ít hoặc không.

"Bức tranh xuất khẩu tham nhũng đang dần trở nên tồi tệ hơn kể từ nghiên cứu năm 2018 của chúng tôi, chạm mức thấp mới trong năm nay", TI cho biết.

Báo cáo Xuất khẩu tham nhũng năm 2022 của TI cho thấy, chỉ có Thụy Sĩ và Mỹ nằm trong danh sách thực thi tích cực; 7 quốc gia được đánh giá thực thi trung bình; còn lại 38 quốc gia, vùng lãnh thổ thực thi hạn chế, ít hoặc không thực thi. Nguồn: TI

Theo bà Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch TI: "Các mạng lưới doanh nghiệp xuyên quốc gia tham nhũng và những người hỗ trợ họ đã để lại "con đường tắt" nguy hại - đánh bại các đối thủ cạnh tranh, bỏ qua các quy định và rút cạn nguồn lực của ngân sách công".

Báo cáo của TI chỉ ra, hiện chỉ có Thụy Sĩ và Mỹ nằm trong danh sách thực thi tích cực. Israel và Vương quốc Anh đã sụt giảm từ mức thực thi tích cực xuống mức trung bình.

5 quốc gia được đánh giá thực thi trung bình còn lại là: Australia, Pháp, Đức, Latvia, Na Uy.

38 quốc gia, vùng lãnh thổ còn lại (chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu) thực thi hạn chế, ít hoặc không thực thi. Tại đó, các hành vi lạm dụng hối lộ ở nước ngoài không bị trừng phạt. Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong danh sách này, vẫn chưa có luật hình sự hóa tội hối lộ ở nước ngoài.

Kể từ kỳ đánh giá trước (năm 2020), chỉ có 2 quốc gia là Latvia và Peru tăng một bậc, trong khi 9 quốc gia (bao gồm Đan Mạch và Ý) giảm xuống.

Theo TI, đại dịch COVID-19 chắc chắn đã gây ra trở ngại lớn trong mọi giai đoạn thực thi từ điều tra đến truy tố, nhưng ở nhiều quốc gia, xu hướng giảm xuất hiện từ trước cuộc khủng hoảng, và bức tranh hiện nay làm dấy lên những lo ngại đáng kể.

Điều gì dẫn đến kết quả không như mong đợi?

TI nhận thấy rằng, hầu hết quốc gia đều có những bất cập trong luật pháp và thể chế. Điều này cản trở việc thực thi chống hối lộ ở nước ngoài.

Những vấn đề này bao gồm: Các vấn đề liên quan đến bảo vệ người tố giác, mức độ trừng phạt, thiếu đào tạo và nguồn lực, thiếu nguồn vốn của các cơ quan thực thi chính, sự phối hợp giữa các cơ quan kém, và sự thiếu độc lập của các cơ quan công tố và tòa án.

Hơn nữa, các trường hợp hối lộ ở nước ngoài rất phức tạp và thường đòi hỏi sự hợp tác xuyên biên giới giữa các cơ quan thực thi pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn tồn tại vì nhiều cơ sở không đủ hoặc không tương thích với khuôn khổ pháp lý cũng như nguồn lực hạn chế cho loại hình thực thi này.

Kể từ kỳ đánh giá trước (năm 2020), chỉ có 2 quốc gia là Latvia và Peru tăng một bậc, trong khi 9 quốc gia (bao gồm Đan Mạch và Ý) giảm xuống. Nguồn: TI

Tại các quốc gia thực thi việc chống hối lộ ở nước ngoài, tiền thu được do tham nhũng và các khoản lợi ích trả lại thường được chuyển vào kho bạc của chính họ. Việc bồi thường hiếm khi được thực hiện cho các nhà nước, tập thể, nhóm hoặc cá nhân bị tổn hại trực tiếp.

Theo bà Gillian Dell, Trưởng Ban Công ước tại TI và là tác giả chính của “Xuất khẩu tham nhũng năm 2022”: "Ngay cả ở những quốc gia có thực thi, hối lộ nước ngoài vẫn tiếp tục được coi là một tội ác không có nạn nhân. Điều này có nghĩa là các quốc gia có công ty phạm tội ở nước ngoài làm đầy kho bạc với các hình phạt hàng triệu đô la, trong khi nạn nhân phải chịu tổn thất".

Những tiến bộ với các ván khét tiếng

Báo cáo mới nhất của TI thu hút sự chú ý đến những tiến bộ tích cực trong một số vụ án tiêu biểu của những năm gần đây. Việc bồi thường cho các nạn nhân đã được yêu cầu hoặc đang được xem xét trong một vài trường hợp.

Ngân hàng Đầu tư và Công ty Dịch vụ tài chính Goldman Sachs đã bị ít nhất 14 cơ quan quản lý điều tra về vai trò trong vụ bê bối 1MDB - đã đạt được thỏa thuận dàn xếp toàn cầu với các cơ quan hình sự và dân sự ở Mỹ, Vương quốc Anh và Singapore.

Ngân hàng thừa nhận đã tham gia vào một kế hoạch và đồng ý nộp 2,3 tỷ USD tiền phạt và 606 triệu USD thu hồi lợi ích có được từ sự vi phạm.

Tại Malaysia, Goldman Sachs đã đồng ý một thỏa thuận bao gồm 2,5 tỷ USD tiền phạt cùng với cam kết rằng Chính phủ sẽ nhận được ít nhất 1,4 tỷ USD từ số tiền thu hồi được từ kế hoạch này.

Các cơ quan có thẩm quyền ở Thụy Sĩ, Mỹ và Vương quốc Anh đã đạt được một thỏa thuận phối hợp toàn cầu với Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse về vụ “trái phiếu cá ngừ” hay “nợ ẩn” khét tiếng.

Cùng với việc dàn xếp, Credit Suisse đã miễn cho Mozambique khoản nợ 200 triệu USD. Tuy nhiên, thiệt hại gây ra cho người dân Mozambique ước tính lên tới 11 tỷ USD.

Ngoài ra, Thụy Sĩ đã ký một thỏa thuận bồi thường với Uzbekistan để trả lại 130 triệu USD bị thu giữ trong thủ tục tố tụng hình sự chống lại Gulnara Karimova - con gái của cựu Tổng thống Islam Karimov. Các quỹ được dành để sử dụng "vì lợi ích của người dân Uzbekistan", và việc hoàn trả phải tuân theo các yêu cầu về tính minh bạch và cơ chế giám sát.

Mặc dù có một số đột phá, nhưng nhìn chung, báo cáo mới của TI cho thấy việc thực thi vẫn tiếp tục theo xu hướng giảm đáng báo động trong những năm gần đây. Điều này gây ra thiệt hại và hậu quả rất lớn cho các quốc gia và người dân trên thế giới.

Hối lộ ở nước ngoài làm suy yếu nền dân chủ và nhân quyền, đồng thời cản trở việc đạt được Chương trình Nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững.

Khuyến nghị

TI kêu gọi các quốc gia, bao gồm các nước ký kết Công ước Chống hối lộ các công chức nước ngoài của OECD, và các nhà xuất khẩu lớn khác trên toàn cầu, tập trung vào những hành động chính sau đây để ngăn chặn nạn hối lộ tràn lan ở nước ngoài. Đó là:

1. Khắc phục những điểm yếu trong luật pháp và hệ thống thực thi, bao gồm không đủ nguồn lực và tính độc lập của các cơ quan điều tra, đồng thời ưu tiên cao hơn cho việc thực thi.

2. Công bố công khai các số liệu thống kê về thực thi hối lộ ở nước ngoài, các bản án của tòa án và các quyết định không xét xử.

3. Tịch thu lợi ích từ tham nhũng trong các vụ hối lộ ở nước ngoài vì lợi ích của những người bị hại và áp dụng biện pháp bồi thường cho nạn nhân như một thông lệ tiêu chuẩn.

4. Hỗ trợ các hệ thống quốc gia mạnh mẽ hơn cho hợp tác xuyên biên giới và nghiên cứu sự mở rộng của các cấu trúc quốc tế.

5. Giám sát chặt chẽ việc sử dụng các quyết định không xét xử.

6. Hỗ trợ Nhóm công tác của OECD về giám sát hối lộ và sự tham gia của xã hội dân sự, tạo cơ sở dữ liệu công khai về các cuộc điều tra và trường hợp hối lộ ở nước ngoài.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm