00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất cơ cấu mới của Thanh tra Chính phủ sau khi sắp xếp

Thái Hải

Thứ hai, 14/04/2025 - 21:40

(Thanh tra) - Theo Tờ trình về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ gửi Bộ Tư pháp nghiên cứu, thẩm định, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp nhận 12 thanh tra bộ, sáp nhập nhiều đơn vị và thành lập mới các cục có chức năng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý sau thanh tra.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu mới của Thanh tra Chính phủ sau khi sát nhập. Ảnh: PV

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thanh tra của 12 thanh tra bộ.

Do đó, Dự thảo Nghị định quy định về vị trí, chức năng của Thanh tra Chính phủ như sau: “Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định cụ thể các biện pháp kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra.

Quy định cụ thể mối quan hệ công tác của hệ thống cơ quan thanh tra các cấp, giữa Thanh tra Chính phủ với bộ, ngành, địa phương, giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống các cơ quan thanh tra.

Dự thảo nghị định bổ sung cho Thanh tra Chính phủ các nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của bộ không có thanh tra bộ và thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ không có thanh tra bộ (điểm b, điểm c khoản 5 Điều 2); thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp do bộ, cơ quan ngang bộ đại diện chủ sở hữu (điểm đ khoản 5 Điều 2).

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn về phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí trong giai đoạn hiện nay.

“Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phòng, chống lãng phí thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền” – Tờ trình nêu.

8 cục thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo lĩnh vực trên cơ sở tổ chức, hoạt động của 12 thanh tra bộ sẽ được thành lập; 3 vụ thanh tra theo ngành, lĩnh vực hiện tại của Thanh tra Chính phủ (Vụ I, Vụ II, Vụ III) sẽ được tổ chức lại thành cục, mỗi cục có 80-200 công chức.

Trung tâm Thông tin được đề xuất sáp nhập vào Văn phòng để thực hiện tinh gọn bộ máy của Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của Trung ương. Văn phòng tiếp nhận chức năng chuyển đổi số và quản lý Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ nhằm gắn việc chuyển đổi số với công tác cải cách hành chính.

3 cục thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo địa bàn như hiện nay gồm Cục I, Cục II, Cục III, được Thanh tra Chính phủ đề xuất giữ nguyên.

Cục Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra dự kiến được sắp xếp, tổ chức lại thành 2 Cục, gồm: Cục Giám sát và thẩm định, Cục Theo dõi, đôn đốc và xử lý sau thanh tra.

Sau khi sắp xếp 12 thanh tra bộ về Thanh tra Chính phủ, theo tờ trình dự thảo, sẽ khiến khối lượng công việc giám sát, thẩm định và theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay.

Cụ thể, hàng năm Thanh tra Chính phủ bình quân giám sát, thẩm định khoảng 25 cuộc thanh tra; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và xử lý sau thanh tra khoảng 200 kết luận thanh tra.

Thanh tra 12 bộ bình quân giám sát thẩm định khoảng 125 cuộc thanh tra và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và xử lý sau thanh tra khoảng 1.000 kết luận thanh tra.

Sau khi sắp xếp, Thanh tra Chính phủ sẽ tăng bình quân giám sát, thẩm định khoảng 125 cuộc; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và xử lý sau thanh tra khoảng 1.000 kết luận thanh tra.

Ngoài ra, dự thảo đề xuất hợp nhất Trường Cán bộ thanh tra và Viện Chiến lược và khoa học thanh tra thành Trường Cán bộ thanh tra theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tạp chí Thanh tra sáp nhập vào Báo Thanh tra.

Trong cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ tại dự thảo nghị định trên không tổ chức Văn phòng Đảng - Đoàn thể. Việc tổ chức đơn vị này thực hiện theo quy định của Trung ương và hướng dẫn của Đảng ủy Chính phủ.

Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ được đề xuất sẽ bao gồm 22 đơn vị: Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Văn phòng; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực phía Bắc (Cục I); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực miền Trung (Cục II); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực miền Nam (Cục III);

Cục Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ( Cục IV); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực nội chính, nội vụ, dân tộc, tôn giáo (Cục V); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực tài chính, ngân hàng (Cục VI); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực xây dựng (Cục VII); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (Cục VIII);

Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực công thương (Cục IX); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực y tế, giáo dục (Cục X); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, ngoại giao (Cục XI); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực khoa học và công nghệ (Cục XII);

Cục Giám sát và Thẩm định (Cục XIII); Cục Theo dõi, đôn đốc và xử lý sau thanh tra (Cục XIV); Ban Tiếp công dân Trung ương; Báo Thanh tra; Trường Cán bộ Thanh tra.

Ban Tiếp công dân Trung ương trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo dự thảo Luật Thanh tra, hệ thống ngành Thanh tra sau khi sắp xếp được đề xuất gồm bốn đơn vị.

(1) Thanh tra Chính phủ

(2) Thanh tra tỉnh, TP trực thuộc Trung ương

(3) Cơ quan thanh tra trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân; Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu.

(4) Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên (Thanh tra theo điều ước quốc tế).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 76 của Chính phủ

Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 76 của Chính phủ

(Thanh tra) - Ngày 18/4/2025, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sĩ Bảy đã ký, ban hành Kế hoạch số 661/KH-TTCP về thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 10/4/2025 của Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 1313/NQ-UBTVQH15 ngày 25/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 (viết tắt là Kế hoạch số 661).

Đan Quế

13:09 21/04/2025
Luật Thanh tra (sửa đổi): Cơ sở pháp lý cho việc đổi mới mang tính cách mạng về tổ chức và hoạt động thanh tra

Luật Thanh tra (sửa đổi): Cơ sở pháp lý cho việc đổi mới mang tính cách mạng về tổ chức và hoạt động thanh tra

(Thanh tra) - Đó là nhấn mạnh của Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt tại hội thảo hoàn thiện Luật Thanh tra (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương tổ chức ngày 17/4.

Thái Hải

13:08 17/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm