00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sữa bột giả, hệ lụy thật

Ngọc Diễm

Thứ hai, 14/04/2025 - 22:04

(Thanh tra) - Vụ án sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn, bị lực lượng Công an triệt phá mới đây đã dấy lên hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Đặc biệt nguy hiểm, đối tượng bị những kẻ làm hàng sữa bột giả nhắm tới lại là những người cần được bảo vệ nhất trong xã hội: Trẻ em, người bệnh, người già và phụ nữ mang thai.

Các hộp sữa bột giả bị công an phát hiện. Ảnh: VTV

Khi sức khỏe và tính mạng bị đem ra đánh đổi

Theo kết quả điều tra, các đối tượng sản xuất sữa bột giả đã thành lập hai công ty là Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, sau đó sản xuất, đóng gói và phân phối sữa bột giả dưới 573 nhãn hiệu khác nhau. Các loại sữa bột giả này được quảng cáo có chứa các thành phần quý như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, nhân sâm, bột macca, bột óc chó... và dành riêng cho người mắc bệnh tiểu đường, người suy thận, phụ nữ mang thai, trẻ sinh non, thiếu tháng…

Tuy nhiên, sự thật được phơi bày sau quá trình kiểm nghiệm, những thành phần "quý" kể trên trong các hộp sữa bột giả hoàn toàn không có trong sản phẩm. Nguyên liệu đã bị thay thế bằng các chất rẻ tiền, thậm chí không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm thấp hơn mức công bố, có mẫu chỉ đạt dưới 70% tiêu chuẩn – đủ điều kiện xác định là hàng giả.

Trong vòng gần 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ lượng lớn sữa bột giả ra thị trường, thu về doanh thu gần 500 tỷ đồng – một con số khổng lồ cho thấy mức độ tiêu thụ lớn và hậu quả tiềm ẩn tới hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước.

Sức khỏe là tài sản quý giá nhất. Một cộng đồng mạnh khỏe chỉ có thể được xây dựng khi người dân biết bảo vệ chính mình, biết nói không với hàng giả – hàng kém chất lượng.

Việc sử dụng sữa bột giả không đảm bảo chất lượng có thể dẫn đến hàng loạt hậu quả khôn lường như trẻ em và trẻ sơ sinh sẽ dễ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến trí tuệ và miễn dịch.

Sữa chuyên dụng cho người tiểu đường, suy thận nếu bị làm giả có thể khiến đường huyết hoặc chức năng thận xấu đi nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Thiếu dinh dưỡng từ sữa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, làm tăng nguy cơ sinh non, thai suy, dị tật hoặc thai lưu.

Và, hậu quả do sữa giả gây ra không chỉ là vấn đề cá nhân, mà có thể tổn hại cho cả một cộng đồng, cả thế hệ tương lai.

Mỗi người dân là một “lá chắn” chống hàng giả

Từ vụ việc sữa bột giả nêu trên, có thể thấy rõ sự phối hợp tinh vi giữa các đối tượng: Từ việc lập công ty, tạo thương hiệu, thiết kế bao bì đẹp mắt đến quảng bá trên mạng xã hội để tạo lòng tin. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết rằng, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không nên tin tưởng một cách mù quáng vào lời quảng cáo, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến.

Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng, sữa bột, đặc biệt ở các khu vực dân cư đông đúc, cửa hàng nhỏ lẻ, kênh bán hàng online. Các chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất và tiêu thụ hàng giả cũng cần được siết chặt hơn, nghiêm minh hơn, có tính răn đe cao để bảo vệ người tiêu dùng.

Một trong những bài học lớn từ vụ việc này chính là vai trò của người dân trong việc nhận diện, tố giác và ngăn chặn hàng giả. Nếu ai cũng cảnh giác, tỉnh táo và không dễ dàng bị dụ dỗ bởi quảng cáo hào nhoáng hoặc giá rẻ, thì hàng giả sẽ khó có đất sống. Sự tiếp tay vô tình của người tiêu dùng dễ dãi, chính là mắt xích giúp cho đường dây tội phạm phát triển.

Mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức để phân biệt thật – giả, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ. Sự chủ động của người tiêu dùng tố cáo tới các cơ quan chức năng, khi phát hiện thấy hàng giả sẽ góp phần cứu hàng trăm người khác không bị rơi vào bẫy sữa giả. Khi toàn xã hội chung tay, sẽ hình thành một mạng lưới “lá chắn” vững chắc, khiến hàng giả bị loại bỏ ngay từ gốc rễ.

Sữa bột giả không chỉ là một sản phẩm gian lận thương mại, mà là mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng. Hành vi sản xuất và tiêu thụ sữa giả không chỉ phải trả giá bằng pháp luật, mà còn phải bị lên án mạnh mẽ bởi lương tri xã hội. Bảo vệ sức khỏe cộng đồng không phải là trách nhiệm của riêng ai. Mỗi người dân cần trở thành người tiêu dùng thông thái, tích cực, góp phần chung tay xây dựng một thị trường thực phẩm an toàn, nhân văn và đầy trách nhiệm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Tích cực khắc phục hậu quả vụ xe khách lật khiến 3 người chết ở Tam Đảo

Vĩnh Phúc: Tích cực khắc phục hậu quả vụ xe khách lật khiến 3 người chết ở Tam Đảo

(Thanh tra) - Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào sáng 26/4 tại km 19 + 250 (đường lên thị trấn Tam Đảo) khiến 3 người tử vong và nhiều người bị thương nặng. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả và điều tra nguyên nhân vụ việc.

Chính Bình

21:16 26/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm