Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lý do khiến nước Mỹ lại "gọi tên" Barack Obama

Thứ năm, 08/11/2012 - 21:00

"Cảm ơn các bạn, chiến thắng này có được là nhờ các bạn," dòng chữ nhắn nhủ này được Tổng thống Mỹ Barack Obama đăng trên Twitter ngay sau khi các phương tiện truyền thông Mỹ xác định ông đã đánh bại đối thủ Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney, trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2012.

Tổng thống Barack Obama. (Nguồn: AFP)

Không cần chờ kết quả kiểm phiếu tại bang Florida - nơi từng được dự đoán là trận chiến cuối cùng của 2 ứng viên, ông Obama đã giành 303 phiếu đại cử tri, vượt xa mức 270 phiếu cần thiết để giành chiến thắng và bỏ xa con số 206 của đối thủ Romney. Năm 2008, ông Obama làm nên lịch sử khi trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.

Giờ đây, ông lại là tổng thống đầu tiên kể từ thời Franklin D. Roosevelt tái đắc cử trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong nước cao hơn mức 7,4% và nền kinh tế vẫn đang chống chọi với những hậu quả của suy thoái.

Vậy, ông Obama đã giành chiến thắng bằng cách nào?

Trước hết, nếu nhìn vào kết quả kiểm phiếu ngày 6/11, có thể thấy thắng lợi của ông Obama là thắng lợi của một chiến lược tranh cử rất hiệu quả, đặt trọng tâm vào các bang then chốt và hướng vào các cử tri truyền thống của đảng Dân chủ.

Khi cuộc bám đuổi vào thời điểm nước rút, ông chủ đương quyền của Nhà Trắng đã liên tiếp giành trọn số phiếu đại cử tri tại một loạt bang chiến trường quan trọng như Ohio, Pennsylvania, Michigan, Colorado, Iowa, New Hamsphire... Nỗ lực của ông Romney đã thất bại khi vấp phải "bức tường lửa" Trung Tây này.

Nhìn lại chiến dịch tranh cử vừa qua, cả hai ứng cử viên Obama và Romney trong những ngày cuối đều dốc toàn lực để vận động tranh cử tại các bang trung lập được đánh giá là quyết định kết quả bầu cử, đặc biệt là bang Ohio nơi có nhiều đại cử tri. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, chưa từng có ứng cử viên nào đánh mất bang này mà lại giành chiến thắng chung cuộc.

Lần này, không may cho đảng Cộng hòa, ông Obama đã bỏ xa ông Romney tại bang Ohio trong suốt mùa tranh cử. Và như đã thấy, chiến thắng đã được xác định ngay sau khi ông Obama một lần nữa giành trọn 18 phiếu đại cử tri tại đây, giúp ông tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa.

Trong các buổi vận động ở Ohio, khẩu hiệu được Tổng thống Obama nhắc đến nhiều nhất là "Thêm 4 năm nữa!". Ông chủ Nhà Trắng thừa nhận những thay đổi mà ông từng cam kết 4 năm trước đã không đến nhanh như mong đợi. Tuy nhiên, ông kêu gọi người dân cho ông thêm 4 năm để tiếp tục hoàn thành những mục tiêu cải thiện kinh tế, tạo việc làm, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như tầng lớp trung lưu, đẩy mạnh chất lượng giáo dục…

Quả thực trong 4 năm qua, Chính quyền Tổng thống Obama chưa kịp đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước, nhưng cũng đã làm được nhiều việc để khắc phục khủng hoảng. Một cử tri trẻ ở bang Ohio đã phát biểu: “Kinh tế còn khó khăn nhưng đang dần phục hồi, đó là chưa kể tình hình tồi tệ này là do lỗi của chính quyền tiền nhiệm George W. Bush.”

Thật vậy, dù kinh tế là vấn đề được cử tri quan tâm nhất và cũng là tiêu điểm chỉ trích của ông Romney nhằm vào vị tổng thống của đảng Dân chủ, nhưng nhiều người cho rằng đó là do "di sản" của cựu Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa và ông Obama đang đi đúng hướng để giúp kinh tế Mỹ phục hồi. Có thể nói cử tri Mỹ khá thực dụng và họ thấy được rằng dưới thời Obama, dù nền kinh tế không tăng trưởng nhanh nhưng đã được cải thiện dần dần qua từng năm. Chưa kể có thể người dân Mỹ cũng không muốn phiêu lưu với "ẩn số" Romney.

Gia đình tổng thống Barack Obama. (Nguồn: AFP)

Chiến thắng của ông Obama có thể không gây bất ngờ, nhưng như lời ông John Sides, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Washington (Mỹ), "lẽ ra ông ấy (Obama) đã không bao giờ có được một chiến thắng áp đảo như thế". Ông Obama đã có những động thái lớn để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng dường như các nỗ lực của ông đã không gây nhiều ấn tượng trong con mắt cử tri. Các cuộc thăm dò cho thấy dư luận có những quan điểm trái chiều về thành tích của các gói kích thích kinh tế trong năm 2009 mà chính quyền Obama đã thực hiện cũng như nỗ lực cải cách hệ thống tài chính-ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Obama đã khôn ngoan khi tích cực nhấn vào một điểm quan trọng - đó là việc ông đã giải cứu ngành chế tạo ô tô ở bang Ohio, nơi có 1/8 số việc làm liên quan đến ngành công nghiệp này. Người dân bang Ohio vốn có xu hướng thiện cảm hơn với đảng Cộng hòa, nhưng ông Obama vẫn vượt qua được chướng ngại đó để đánh bại đối thủ, có lẽ một phần là nhờ việc ông đã đưa ra gói cứu trợ ngành ôtô cách đây 3 năm.

Gói cứu trợ này đã tạo cú huých đáng kể cho ông Obama không chỉ tại bang Ohio mà còn ở một số bang khác cũng phụ thuộc vào ngành này. Điển hình nhất là chiến thắng có phần bất ngờ tại bang Michigan - bang nhà của đối thủ Romney và cũng được coi là bang chiến trường với các cử tri dao động trước cuộc bỏ phiếu. Thất bại này là nỗi đau với ông Romney bởi Michigan là nơi ông sinh ra, và cha ông từng giữ chức Thống đốc bang.

Tuy nhiên, kết quả này có thể hiểu bởi đây là quê nhà của ngành công nghiệp ôtô Mỹ. Một cử tri của đảng Cộng hòa thậm chí cho rằng nếu ông Romney chọn Thượng nghị sĩ bang Ohio Rob Portman làm ứng cử viên Phó Tổng thống trong liên danh tranh cử thay vì Hạ nghị sĩ trẻ Paul Ryan, phe Cộng hòa đã có thể giành chiến thắng.

Một lý do nữa giúp ông Obama ở lại Nhà Trắng là nhờ ông nắm cơ quan hành pháp và có quyền điều tiết việc công bố các chỉ số kinh tế sao cho có lợi nhất. Những báo cáo được công bố trong vòng một tháng trước ngày bầu cử cho thấy nền kinh tế Mỹ đã phát đi những tín hiệu đủ thuận lợi để giữ ông Obama ở lại Nhà Trắng. Mặc dù thừa nhận nền kinh tế Mỹ chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, song nó đang được cải thiện một cách ổn định trong những tháng cuối năm. Lịch sử cho thấy cử tri Mỹ thường cho phép tổng thống đương nhiệm đảm nhận tiếp nhiệm kỳ hai nếu như ông ta tạo ra sự tăng trưởng kinh tế (ngay cả khi cực kỳ khiêm tốn) trong năm bầu cử. Và ông Obama đã làm được điều đó.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng chiến thắng của ông Obama còn nhờ sự tiếp sức của một “liên minh rộng lớn” gồm phụ nữ, người thiểu số và tầng lớp thanh niên - ba thành phần đã từng giúp ông bước chân vào Nhà Trắng 4 năm trước.

(Theo TTXVN)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm