Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ VII: Án chung thân cho ông Mubarak

Thứ ba, 03/07/2012 - 06:39

(Thanh tra) - Đầu tháng 6 vừa qua, hàng nghìn người trên khắp đất nước Ai Cập đã xuống đường phản đối các phán quyết trong vụ xét xử cựu Tổng thống Hosni Mubarak, cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib al-Adly và 6 giới chức an ninh cao cấp. Cựu lãnh đạo của Ai Cập bị truy tố về tội tham nhũng và liên quan đến cái chết của hàng trăm người biểu tình (theo báo chí phương Tây là 850 người), chưa kể cáo buộc lạm quyền.

Người biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ tại Quảng trường Tahrir, ngày 2/6/2012. Ảnh: AFP

>> Kỳ VI: Mất hết vì ngoại tình
>> Kỳ V: Nỗi lòng bà Gloria Arroyo
>> Kỳ IV: Đường tới song sắt của “nữ hoàng” cách mạng cam
>> Kỳ III: 7 năm tù cho cựu Tổng thống hiếp dâm
>> Kỳ II: Bê bối tình dục chấn động nước Pháp
>> Kỳ I: Thủ tướng với cáo buộc mua dâm vị thành niên

Không thừa nhận chỉ đạo giết người

Khẳng định ông Mubarak có tội trong vụ giết hàng trăm người biểu tình chống Chính phủ trong tuần lễ đầu tiên của cuộc nổi dậy hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2/2011 dẫn đến sự từ chức của ông sau đó, tuy nhiên, tòa án chỉ tuyên phạt cựu Tổng thống tù chung thân. Theo chánh án phiên tòa, ông Mubarak không trực tiếp chịu trách nhiệm dù đã không ngăn cản được những cái chết của người dân.

Cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib al-Adly cũng bị tòa tuyên có tội và bị xử tù chung thân.

Riêng 6 giới chức an ninh cao cấp thì được trắng án.

Tòa cũng tha bổng ông Mubarak, 2 người con trai là Gamal, Alaa và những bị cáo khác về các tội danh tham nhũng.

Đáng nói là, bất chấp sự phản đối của người dân vì cho rằng mức án chưa tương xứng, cần phải xử lại theo hướng tử hình thì các luật sư của cựu Tổng thống Mubarak vẫn tuyên bố sẽ kháng án.

Đám đông cũng phản đối phán quyết trắng án đối với giới chức an ninh. Không ít người còn bày tỏ sự phẫn nộ về các phán quyết tha bổng đối với các bị cáo về tội tham nhũng.

Trước đó, hồi tháng 1/2012, các công tố viên đã đề nghị tử hình đối với ông Hosni Mubarak. Công tố viên Trưởng Mustafa Suleiman nói với tòa án tại Cairo rằng, cựu Tổng thống có trách nhiệm can thiệp và chặn đứng các cuộc bạo động nhằm vào người biểu tình trong cuộc nổi dậy hồi năm ngoái.

Liên quan đến vụ xét xử cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, hồi tháng 9/2011, Tướng Mansour el-Issawi - Bộ trưởng Nội vụ - đã bị tòa triệu tập để trả lời nội dung như: Các cuộc điều tra nội bộ của cảnh sát có được thực hiện sau việc dùng vũ lực nhằm vào những người phản kháng đòi lật đổ ông Mubarak hồi tháng 2 hay không?

Ngoài ra, cựu Giám đốc Tình báo, cựu Phó Tổng thống Omar Suleiman cũng đã phải đối mặt với những câu hỏi về việc có phải ông Mubarak đã điều hành vụ đàn áp gây chết người nhằm vào người biểu tình hay không?

Khoảng 3.000 binh sĩ và cảnh sát đã được điều động để duy trì trật tự cho phiên toà ở Học viện Cảnh sát Cairo. Lúc đầu, phiên tòa dự định sẽ diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Cairo nhưng giới chức Ai Cập đã quyết định chuyển đến một phòng xử được thiết lập tạm thời bên trong Học viện Cảnh sát do quan ngại về an ninh. Giới chức đã làm những chiếc cũi sắt để giam các bị cáo trước toà.

Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak được đưa vào tòa án
trên chiếc giường đẩy. Ảnh: AFP


Được biết, cuối tháng 5/2011, cựu Tổng thống Mubarak đã bị một tòa án tại Ai Cập tuyên phạt 34 triệu USD vì liên quan tới việc cắt dịch vụ điện thoại di động và internet trong thời gian có biểu tình phản đối chống Chính phủ hồi tháng 1/2011. Hai cựu quan chức cao cấp khác cũng bị phạt. Đây là phán quyết đầu tiên từ tòa án được đưa ra đối với ông Mubarak kể từ khi từ chức.

Cũng chẳng nhận tội tham nhũng

Sau khi bị lật đổ, ông Mubarak và gia đình bị cáo buộc đã tham nhũng nhiều tỷ USD trong gần 30 năm cầm quyền.

Nhiều nguồn tin cho rằng, gia đình ông Mubarak có tài sản rất lớn, có thể lên tới 70 tỷ USD. Phần lớn của khối tài sản khổng lồ này được cất giấu trong các ngân hàng của Anh, Thụy Sĩ và bất động sản tại Anh và Mỹ. Theo Báo Ả Rập Al Khabar, cựu Tổng thống Mubarak có nhiều cơ ngơi ở Manhattan, Beverly Hills (Mỹ).

Con trai cựu Tổng thống là Gamal và Alaa cũng là các tỷ phú.

Lên tiếng sau sự sụp đổ của chế độ Mubarak, Chính phủ Thụy Sĩ khẳng định đã phong tỏa mọi tài sản của Tổng thống bị lật đổ trong các ngân hàng nước này. “Chính phủ (Thụy Sĩ) làm như vậy là để tránh nguy cơ có người biển thủ tài sản của Ai Cập” - Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh.

Nhật báo Mỹ Wall Street Journal dẫn thông tin của Global Financial Integrity - tổ chức chuyên theo dõi tình trạng tham nhũng ở các nước đang phát triển, ước tính, có tới 57 tỷ USD tài sản đã được tuồn bất hợp pháp ra khỏi Ai Cập trong giai đoạn 2000 - 2008.

Năm 2010, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xếp hạng Ai Cập đứng thứ 98 trong số 178 nước được điều tra về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI). Về tự do báo chí, Ai Cập đứng thứ 133/168 nước được Tổ chức Phóng viên Không biên giới xếp hạng.

Vậy nhưng, vào tháng 4/2011, khi bị cơ quan công tố triệu tập, ông Mubarak luôn khẳng định không hề có tài sản hay tài khoản nào ở nước ngoài.

Cựu Tổng thống còn nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào nhằm chứng minh ông không có tài sản ở nước ngoài, không có các trương mục mở ở ngân hàng nước ngoài.

Vài nét về ông Hosni Mubarak

Tên đầy đủ là Muhammad Hosni Sayyid Mubarak

Sinh ngày 4/5/1928

Từng là Tư lệnh Không quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Trở thành Tổng thống Ai Cập vào ngày 6/10/1981 sau khi các phần tử chủ chiến ám sát người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Anwar Sadat trong một cuộc diễn binh tại Thủ đô Cairo.

Dưới thời cai trị của ông Mubarak, Ai Cập duy trì được hòa bình với Israel. Chính phủ của ông là đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ trong nỗ lực xúc tiến tiến trình hòa bình Trung Đông.

Đồng thời, Ai Cập cũng như cá nhân Tổng thống Mubarak đã có những quan hệ mật thiết và nhận được sự hậu thuẫn của phương Tây trong vụ trấn áp phong trào Hồi giáo cực đoan.

Tuy nhiên, với việc đặt đất nước dưới đạo luật khẩn cấp, ông Mubarak đã làm mất lòng dân, hạn chế nhiều quyền tự do cơ bản.

Không chỉ thường xuyên đàn áp bất đồng chính kiến và giới chỉ trích, Tổng thống Ai Cập còn tạo cho cảnh sát có quyền lực tuyệt đối trong việc bắt giữ người.

Và rồi, tình trạng thất nghiệp cao, sự đói nghèo cũng như khoảng cách không gì hàn gắn giữa người giàu và người nghèo... đã dẫn đến các cuộc biểu tình và kết thúc bằng việc từ chức vào ngày 11/2/2011 của ông Mubarak.


Kỳ VIII: Số phận Tổng thống phạm tội ác chiến tranh

Bích Lan - Huy Hoàng
(Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm