Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gây lo ngại toàn cầu vì làm ăn chộp giật

Thứ sáu, 06/01/2012 - 09:24

(Thanh tra) - Sau nhiều thập kỉ hội nhập, các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đã không ngừng lớn mạnh và vươn ra toàn cầu. Bên cạnh nhiều DN mang tầm cỡ thế giới và được tôn trọng thì cũng có không ít DN nước này đã tạo ra những mối lo ngại khi đầu tư ở các châu lục.

Công nhân châu Phi đang phải cạnh tranh với công nhân Trung Quốc ngay tại bản địa

Nhiều DN của Trung Quốc ở châu Mỹ Latin và châu Phi đã bất chấp mọi thủ đoạn để kí kết được hợp đồng xây dựng nhưng cho ra những sản phẩm kém chất lượng, bên cạnh đó là phá hoại môi trường và cạnh tranh không lành mạnh. Còn tại Mỹ, họ đã bơm phồng báo cáo tài chính để phát hành cổ phiếu, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nhà đầu tư. Ở châu Âu thì họ có những khoản đầu tư mờ ám, có thể biến tàu sân bay thành sòng bạc phục vụ quân đội Mỹ...

Chủ nghĩa thực dân mới ở châu Phi

Có thể nói, Trung Quốc đang là “ân nhân” lớn nhất đối với châu Phi. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và lục địa đen chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.

Theo thống kê, năm 2010, kim ngạch thương mại của hai bên đã tăng hơn 40%, đạt gần 127 tỷ USD. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, chiếm 14% tổng kim ngạch thương mại. Hoa lục cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi và dự báo có thể đạt 50 tỷ vào năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số đầy tự hào đó thì đằng sau lại là một “bí hiểm”. Cách đây không lâu, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã đưa ra lời cảnh báo về “chủ nghĩa thực dân mới” ở châu Phi khi mà các DN và chính phủ nước ngoài đang tìm cách “đô hộ”, biến nơi đây thành một địa điểm tiêu thụ và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Và, không ai khác, Mỹ ám chỉ đó là Trung Quốc.

Thực chất, các DN Trung Quốc vung hàng tỷ USD đầu tư vào châu Phi chủ yếu là xây dựng, khai thác tài nguyên thiên nhiên và đưa người sang sinh sống. Ngày nay, trong các chuyến bay tới thủ đô các nước châu Phi thường có các hành khách Trung Quốc. Tới đây là những công nhân, giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, giới ngoại giao, thương gia và cả nông dân Trung Quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm qua, có hơn 1 triệu người Trung Quốc đã tới châu Phi để làm việc và sinh sống. Không còn bất kì chỗ nào ở châu Phi mà không có sự hiện diện của người Hoa. Trong số 53 quốc gia của châu lục đen thì Trung Quốc đã có đại diện ngoại giao ở 49 nước.

Có điều, sự xuất hiện của người Trung Quốc ở đâu là có rắc rối ở đó! Trước đây, người dân châu Phi chỉ phải đối mặt với hàng hoá giá rẻ mà các DN Trung Quốc mang đến, làm cho nhiều tiểu thương và DN bản địa bị phá sản. Giờ đây, người dân châu lục này còn phàn nàn về việc phải cạnh tranh lao động giá rẻ đến từ Trung Quốc. Ngay cả những công nhân rẻ mạt nhất thế giới là châu Phi cũng có nguy cơ mất cạnh tranh với người Hoa.

Tờ Libération của Pháp cho biết, DN Trung Quốc mang đến châu Phi những lao động làm việc chăm chỉ như cỗ máy: 7 ngày trong tuần, từ sáng đến tối và có thể huy động làm ca đêm. Họ ăn ở tại những ngôi nhà tập thể xây ngay tại công trường.

Trớ trêu là, trong khi rất nhiều người lao động châu Phi bị thất nghiệp thì Trung Quốc đang ngày càng đưa nhiều người sang đây. Do vậy, thời gian qua đã xảy nhiều cuộc xung đột giữa người Hoa và người bản địa. Ở Zambia, đỉnh điểm là vào ngày 15/10/2010, một đốc công của mỏ Collum do người Trung Quốc làm chủ đã bắn và làm ít nhất 11 công nhân bị thương. Nhiều người lo ngại, nếu tình trạng này tiếp diễn, có thể sẽ có những cuộc biểu tình quy mô lớn.

Chưa hết, các thương gia ở Dakar, thủ đô Senegal đã phải giơ biểu ngữ phản đối doanh nhân Hoa. Đồng thời, lên án tình trạng bán phá giá hàng hoá và cạnh tranh không lành mạnh.

Châu Âu cũng bày tỏ lo ngại

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ nghiêm trọng đang diễn ra ở châu Âu, việc Trung Quốc vung tiền hỗ trợ tài chính thời gian gần đây là một động thái “cứu giúp” đầy ý nghĩa.

Tuy nhiên, gần đây mối nghi ngờ việc Trung Quốc đầu tư vào phương Tây với mục đích khác đang tăng lên. Điển hình là triệu phú Huang Nobu, người Trung Quốc đã đề nghị một thoả thuận trị giá 85,8 triệu USD để mua khu đất rộng 300km2 ở Iceland làm nhiều người lo ngại. Mặc dù doanh nhân này khẳng định khu đất chỉ được dùng để xây khách sạn, sân golf và các dịch vụ giải trí khác, song nhiều người tỏ ra nghi ngờ về một chiến lược lớn hơn của người Trung Quốc nhằm tạo ảnh hưởng ở khu vực Bắc Cực giàu tài nguyên thiên nhiên này. Nhiều người nghi ngại, có thể Trung Quốc sẽ coi đây là bàn đạp để ngấm ngầm thăm dò tài nguyên ở Bắc Cực trước khi vung tiếp tiền đầu tư hợp thức hoá nguồn tài nguyên đó khi thấy tiềm năng.

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng, chính sự giàu có và mong muốn đa dạng hoá của Trung Quốc đã thúc đẩy nước này can dự sâu hơn vào châu Âu.

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ACFR) cho rằng, không dễ để đánh giá được “âm mưu” thực sự của DN Trung Quốc trong các hoạt động đầu tư ở châu Âu. Nhiều công ty của Trung Quốc đang hoạt động thông qua các trung tâm tài chính thiếu minh bạch khiến cho việc theo dõi họ gần như mất tác dụng. Theo ACFR, từ tháng 10/2010 - 3/2011, các công ty và ngân hàng của Trung Quốc đã kí kết rất nhiều hợp đồng với châu Âu, trị giá lên đến 64 tỷ USD. Hầu hết các nguồn tài chính gần đây của Trung Quốc đổ vào các nước gặp khủng hoảng, trong đó 30% là đổ vào Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha; khoảng 10% là rót vào khu vực Trung và Đông Âu.

Theo nhận định của một số nhà chiến lược, nhiều dự án của Trung Quốc, về dài hạn là vượt quá phạm vi kinh doanh. Các dự án cảng biển ở TP Piraeus, Hy Lạp và Naples, Italia đã khiến bộ ngoại giao và bộ quốc phòng một số quốc gia châu Âu hết sức bất an. Xin nói thêm, Naples là nơi có trụ sở của chỉ huy quân sự Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Và, “có thể Trung Quốc tiếp cận gần đó nhằm mục đích do thám và đánh cắp thông tin”, một nhà phân tích cảnh báo.

Ông Alan Mendoza, Giám đốc Điều hành của Trung tâm Tư vấn Henry Jackson Society ở London (Anh) chuyên nghiên cứu về các vấn đề an ninh quốc gia nhận định: Vấn đề ở đây là các quốc gia phương Tây, khi quan hệ với Trung Quốc thì chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, đặc biêt là trong bối cảnh mà họ đang “khát” nguồn tài chính như hiện nay. Họ xem Trung Quốc là những nhà tài chính giàu có (nhờ nguồn dự trữ ngoại hối hơn 3.000 tỷ USD) và phớt lờ những vấn đề mang tính dài hạn. Trên thực tế thì nhiều nước châu Phi và châu Mỹ Latin hiện nay đã rơi vào tay người Hoa, do vậy mà châu Âu cần phải nghiêm túc xem xét tác động đó. Đặc biệt trong bối cảnh các nước phương Tây ngày càng lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc cùng với đó là những vụ bị cho là đánh cắp bản quyền, tin tặc, tiền tệ cũng như nhiều vấn đề nóng bỏng khác.

Cần nhắc lại rằng, Trung Quốc đang là chủ nợ của nhiều nước châu Âu thông qua trái phiếu chính phủ và trái phiếu công ty. Đối với doanh nhân Huang, ông có thể nhận thấy mối lo ngại từ các nước châu Âu khi hồi tháng trước (11/2011), Hãng tin Interfax (Nga) cho biết, chính quyền Iceland đã bác bỏ đề nghị của ông về việc bán cho 300km2 đất.

Còn nhớ, hồi đầu năm 2011, chính quyền Anh đã bác bỏ đề nghị của một doanh nhân Trung Quốc muốn mua chiếc máy bay cũ HMS Invicible. Lý do là Trung Quốc từng mua tàu sân bay của Ukraina nhưng thực chất là biến nó thành một sòng bạc nhằm phục vụ lực lượng hải quân Mỹ.

Đáng nói là, từ lâu đã có những nghi ngờ rằng, bất kì các quân trang nào mà Trung Quốc mua đều nhằm mục đích hoạt động tình báo. Nigel Inkster, cựu Phó Giám đốc Tình báo Hoàng gia Anh (MI6), hiện đang nghiên cứu về mối đe doạ xuyên quốc gia cũng như những rủi ro chính trị tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London nói: Có những lý do hợp lý để nghi ngờ rằng, những hoạt động bề ngoài giống như các phi vụ thương mại thông thường có thể lại nhằm những mục đích hoàn toàn khác!

Những cú lừa ngoạn mục ở Mỹ

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, vào ngày 9/9, Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã gửi đơn kiện lên Toà án Liên bang ở thủ đô Washington buộc Công ty Longtop Financial Technologies Ltd (LFT) phải giao nộp đầy đủ về báo cáo tài chính bị bóp méo.

Công ty LFT đã giải thể vào tháng 5/2011 sau khi bị phát hiện có nhiều mờ ám trong sổ sách. Chính Chủ tịch Longtop Jia Xiao Gong thừa nhận là công ty của ông đã tô hồng báo cáo tài chính bằng cách tăng lượng tiền mặt lớn trong bảng cân đối kế toán. Việc bóp méo này đã giúp cho LFT phát hành thành công chứng khoán ở Thị trường Chứng khoán New York (NYSE) năm 2007 và cho đến tháng 10/2010, giá trị cổ phiếu của công ty này đã đạt 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ khi bị phát hiện, công ty này đã bị loại khỏi danh sách niêm yết.

Vào tháng 6/2011, cổ phiếu của Sino-Forest thì bị “bốc hơi” hơn 64% sau khi có một báo cáo kết luận công ty này đã thổi phồng tài chính.

Một công ty khác là China Mediaexpress chuyên về lắp đặt TV trên xe bus cũng bị điều tra vì đã “bơm” số lượng khách hàng lớn hơn rất nhiều so với những gì DN có.

Đánh bóng sổ sách kế toán thực ra ở đâu cũng có, ở Mỹ điển hình là Enron và Worldcom. Nhưng, trong nỗ lực lành mạnh hóa thị trường của SEC thì không thể chấp nhận được khi ngày càng nhiều công ty Trung Quốc “bán giấy” ăn tiền ở Mỹ - nơi mà thị trường minh bạch nhất thế giới.

Nhật báo Phố Uôn (Mỹ) cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư Mỹ đã “chết cay, chết đắng” sau khi bị mất hàng tỷ USD do các công ty của Trung Quốc thổi phồng thông tin. Ít nhất đã có 15 trong số 19 cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Nasdaq bị ngừng giao dịch. Rất nhiều người Mỹ giờ đây cảm thấy sợ và cảnh giác với các công ty Trung Quốc vì ngay cả các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới cũng bị họ qua mặt!

Và, văn hóa “tất cả đều giá trị” tại Mỹ Latinh

Nhiều doanh nhân và chuyên gia thương mại phàn nàn về việc các DN Trung Quốc chỉ nhập khẩu nguyên liệu thô và từ chối mua những sản phẩm có giá trị gia tăng. Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn cho biết, các công ty của Hoa lục đang đưa vào khu vực này những phương thức thương mại đáng ngờ vực. Cùng với đó là tình trạng bóc lột sức lao động địa phương và huỷ hoại môi trường.

Ông Rubens Barbosa, Giám đốc Hội đồng Ngoại thương Liên đoàn Công nghiêp Sao Paulo, Brazil chỉ rõ: Trung Quốc đang ngày càng tăng cường sức mạnh đầu tư tại khu vực Mỹ Latin. Đồng thời, mang đến nơi đây một phong cách văn hoá “tất cả đều giá trị”, kể cả việc dùng vũ lực trong sử dụng lao động.

Ông Barbosa cho rằng, nhiều DN trung Quốc đang phá hoại môi trường nơi đây để đào bới nguồn tài nguyên thiên nhiên, phá rừng làm đất nông nghiệp và vi phạm những quy định về an toàn lao động.

Nhiều người làm việc cho các công ty Trung Quốc than phiền rằng, họ phải làm việc ngoài giờ quá nhiều. Các buổi họp hành kéo dài đến quá nửa đêm thường xuyên diễn ra. Các kế hoạch đề ra mặc dù không thực tế nhưng không được quyền thoả hiệp. Chính vì vậy mà có tới 42% cán bộ điều hành người Brazil làm việc cho các công ty Trung Quốc quyết định bỏ việc trong năm đầu.

Việc các công ty Trung Quốc gây sức ép này cũng có lý do của nó, mục đích là để hợp thức hoá việc đưa người lao động Trung Quốc sang Brazil càng nhiều càng tốt. Vì lương phải trả ít hơn và không phải chịu nhiều những quy định về pháp luật lao động (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và y tế).

Mặt khác, các công ty Trung Quốc muốn xâm nhập vào thị trường Mỹ Latin nên sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích, kể cả hối lộ cho các quan chức địa phương. Chính vì vậy mà nhiều công trình hạ tầng giao thông và bệnh viện do các công ty Trung Quốc thi công đã không đạt chất lượng và nhanh xuống cấp nghiêm trọng. 

Từ thực tế này, ông Barbosa đã đề xuất cơ quan chức năng, các tổ chức công đoàn và Hiệp hội DN Brazil cũng như Mỹ Latin cần phải lưu ý đến cách làm thương mại của người Trung Quốc để rút ra được những bài học cần thiết.


Phú Quang (Tổng hợp từ AFP/Time/Net)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm