Theo dõi Báo Thanh tra trên
Theo Hồng Anh/VOV.VN
Thứ hai, 22/02/2021 - 08:54
Tân Tổng thống Mỹ Biden luôn muốn tạo ra hình ảnh đối lập với người tiền nhiệm, dù chính phủ của ông đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: The White House.
Dấu ấn khác biệt so với người tiền nhiệm
Khi ông Biden lần đầu tiên bước vào phòng Bầu Dục với tư cách là tổng thống của nước Mỹ cách đây 1 tháng, ông đã ký kết một loạt sắc lệnh hành pháp bằng chiếc bút được dành riêng cho tổng thống. Nó được đặt bên trong một chiếc hộp gỗ cao cấp, cùng với con dấu tổng thống và con dấu chữ ký của ông.
Điều này hoàn toàn trái ngược so với những gì diễn ra cách đây 4 năm. Ở thời điểm đó, Nhà Trắng đã khẩn trương chuẩn bị chiếc bút mạ vàng cho Tổng thống Trump trong ngày đầu ông nhậm chức. Nhưng ông Trump lại thích sử dụng những chiếc bút dạ Sharpie có kích thước lớn thay vì những chiếc bút do chính phủ cấp.
Việc lựa chọn bút viết chỉ là một chi tiết nhỏ cho thấy sự khác biệt giữa Tổng thống Biden và người tiền nhiệm. Về cơ bản, ông Biden muốn chứng minh rằng, kỷ nguyên Trump cùng với chu kỳ của những quyết định gây bất ngờ đã kết thúc và sự tức giận có thể được kiềm chế. Nói cách khác, tổng thống mới có thể đảo ngược các di sản của “tổng thống cũ” - cụm từ ông Biden dùng để gọi ông Trump.
Tân Tổng thống Mỹ muốn xóa bỏ chủ nghĩa Trump, từ chính sách, biểu tượng đến phong cách, chẳng hạn như vấn đề biến đổi khí hậu, nhập cư, dịch bệnh Covid-19. Nhiều nhà phân tích cho rằng, giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ của ông Biden có thể không ồn ào và không gặp nhiều rắc rối như của người tiền nhiệm. Nhưng “kỳ trăng mật” của ông Biden tại Washington có thể không kéo dài.
Thách thức đối với ông Biden là liệu những thay đổi về chính sách có phù hợp với tình hình thực tế và có mang lại hiệu quả rõ rệt hay không bởi chúng khó có thể đo lường được trong thời gian 1 tháng. Hơn nữa, Joe Biden phải kế thừa một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc và nhiều thành viên của đảng Cộng hòa cho rằng, ông đã quá nhượng bộ phe cánh tả của đảng Dân chủ.
Tại phòng Bầu Dục, chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, ông Biden được nhìn thấy đang đeo khẩu trang ngồi sau bàn Kiên định. Điều này hoàn toàn khác biệt so với phong cách của cựu Tổng thống Trump – người hiếm khi đeo khẩu trang.
Mặc dù ông Biden thường đeo khẩu trang trong chiến dịch tranh cử, nhưng việc ông thực hiện hành động này tại phòng Bầu dục đã tạo ra một thông điệp khác. Tân Tổng thống Biden mong muốn tạo ra hình ảnh đối lập với người tiền nhiệm, dù chính phủ của ông đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Chiến lược xóa bỏ di sản của cựu Tổng thống Trump đã được đội ngũ của ông Biden lên kế hoạch trước cuộc bầu cử và giờ đây ông chính thức bắt tay thực hiện với việc ký kết một loạt sắc lệnh hành pháp. Mục đích rất rõ ràng: thay đổi chương trình nghị sự về vấn đề nhập cư, ứng phó với đại dịch Covid-19, tái gia nhập các liên minh quốc tế và trấn an các đồng minh lâu đời của Mỹ rằng Washington là một đối tác đáng tin cậy.
Thông điệp của chính quyền mới
Robert Gibbs, từng là thư ký báo chí dưới thời Tổng thống Barack Obama nhận định: “Thông điệp ẩn sau mỗi hình ảnh mà chúng ta đang thấy ở Nhà Trắng là biểu ngữ: 'Bên dưới vai trò lãnh đạo mới'”.
“Cho dù được thể hiện một cách công khai hay tế nhị, thông điệp mà họ đang cố gắng truyền tải là khiến mọi người hiểu rằng, mọi thứ sẽ được vận hành theo cách khác biệt và hy vọng kết quả cũng sẽ khác so với trước kia”.
Ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã đảo ngược đường lối của ông Trump về môi trường, đưa đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare trở thành tâm điểm trong cách ứng phó dịch bệnh và gia hạn thời gian đăng ký cho chương trình bảo hiểm mà ông Trump từng cam kết sẽ chấm dứt. Thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn bị cựu Tổng thống Trump từ bỏ, cũng được xem xét khôi phục lại. Bên cạnh đó, Mỹ đã tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Việc tái gia nhập các tổ chức quốc tế chỉ là bước đi khởi đầu. Hiện giới quan sát đang xem xét ông Biden thực sự tiến xa đến đâu trong thực hiện các mục tiêu về khí hậu, liệu ông có thực hiện được cam kết tăng cường giúp đỡ các nước nghèo hơn đối phó với dịch bệnh và củng cố sự đoàn kết trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay không. Chưa hết, Tổng thống Biden còn phải đối mặt với một thực tế là trong bốn năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực lấp đầy khoảng trống Mỹ để lại về mặt thương mại và các đồng minh đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.
Trong tháng đầu của nhiệm kỳ, ông Trump đã gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn các thành viên cho nội các mới, cố vấn an ninh quốc gia và bộ trưởng lao động đầu tiên của ông đã từ chức do liên quan đến một số vụ bê bối. Đội ngũ nhân sự của ông Trump luôn có nhiều biến động, với một loạt các trợ lý bị sa thải, từ chức hoặc bị chỉ trích. Một số thành viên trong nội các đã tiết lộ những thông tin mật hoặc phản đối các chính sách của ông. Các tiết lộ đã dẫn đến cuộc điều tra của FBI về cáo buộc có sự liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông với các quan chức tình báo Nga và tiếp đến là một phiên tòa luận tội tại Thượng viện.
Trái lại, tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Biden diễn ra thuận lợi hơn. Nhiều đề cử thành viên nội các của ông được thông qua và không có những biến động lớn về nhân sự. Sau 40 năm sinh sống tại Washington, trong đó có 8 năm đảm nhận chức vụ Phó Tổng thống và thực hiện 3 chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden có lẽ đã dành cả cuộc đời để suy nghĩ về dấu ấn mà ông muốn để lại trên cương vị mới và cách thức duy trì dấu ấn này.
Thước đo thành bại
Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức được đặt ra: những diễn biến sau phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump, Thượng viện ngày càng bị chia rẽ sâu sắc hơn và những tranh cãi liên quan đến việc ông Biden đề cử bà Neera Tanden - nhân vật từng đăng tải một loạt dòng Tweet chỉ trích các thượng nghị sỹ Cộng hòa và một số thành viên đảng Dân chủ, làm giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách.
Kế hoạch của Tổng thống Biden là tạo ra sự thay đổi lớn so với thời Donald Trump cả về mọi phương diện. Đảng Dân chủ cho rằng, tháng đầu tiên của ông là thời điểm để “hàn gắn linh hồn” của đất nước, xây dựng Nhà Trắng trở thành biểu tượng của sự ổn định và sự tin tưởng.
Bằng sự khéo léo của mình, ông Biden đã hành động để xoa dịu những mâu thuẫn giữa các đảng phái, tách biệt khỏi tiến trình luận tội cựu Tổng thống Trump vốn gây ồn áo suốt thời gian dài. Tuy vậy, những nỗ lực ban đầu của ông nhằm thuyết phục phe Cộng hòa về gói cứu trợ Covid-19 vẫn chưa đạt tiến triển.
Thêm vào đó việc triển khai tiêm phòng vaccine đang bị đình trệ do thiếu hụt nguồn cung. Kế hoạch mở cửa trường học và những tuyên bố trái ngược về vấn đề này đã vấp phải nhiều chỉ trích. Hàng triệu người dân Mỹ không có việc làm và vị thế của Mỹ trên toàn cầu đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Khủng hoảng này chưa qua thì khủng hoảng khác đã đến. Trong tuần qua, trận bão tuyết lịch sử đã làm tê liệt bang Texas, khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh mất điện nước và phải chống chọi với thời tiết giá lạnh khắc nghiệt. Tổng thống Biden đã ban bố tình trạng thảm họa và yêu cầu dồn nguồn lực liên bang để hỗ trợ cho Texas.
Giới phân tích cho rằng, cách ông Biden ứng phó với các cuộc khủng hoảng sẽ tác động rất lớn đến vị thế chính trị của ông. Một trăm ngày đầu tiên luôn được coi là thước đo ban đầu của thành công vì các tổng thống thường được đánh giá qua khả năng điều hành, thực hiện các chính sách và sử dụng các chế tài liên bang một cách hiệu quả.
Nhiều tổng thống Mỹ đã bị sụt giảm tỷ lệ ủng hộ vì thất bại khi ứng phó với các cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn, Tổng thống George H.W. Bush đã mất sự ủng hộ trong cuộc bầu cử năm 1992 vì ông không hủy động đủ nguồn lực để đối phó với cơn bão Andrew tàn phá bang Florida. Con trai ông, Tổng thống George W. Bush, cũng bị sụt giảm tín nhiệm do thất bại trong ứng phó với cơn bão Katrina vào năm 2005. Tổng thống Barack Obama đã phải đối mặt với những rắc rối về chính trị khi việc triển khai trang web cho Đạo luật Chăm sóc Y tế giá cả phải chăng gặp phải vấn đề kỹ thuật. Còn Tổng thống Trump sụt giảm uy tín nghiêm trọng do những sai lầm trong đối phó đại dịch Covid-19.
Nếu Tổng thống Biden không thể xử lý các thách thức, thì đảng của ông dễ bị yếu thế trước phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022. Trái lại, nếu ông có thể hỗ trợ kịp thời cho bang Texas, đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn quốc và thúc đẩy gói kích thích kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD, ông sẽ gây dựng được uy tín lớn, củng cố di sản, mang lại thắng lợi tiếp theo cho đảng Dân chủ và thúc đẩy đất nước đi lên. Tiếp quản một đất nước trải qua nhiều sóng gió trong suốt 4 năm qua, ông Biden cam kết sẽ đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhiều người tin tưởng rằng với kỹ năng về bề dày kinh nghiệm làm chính trị, ông Biden có thể đối phó một cách hiệu quả với các cuộc khủng hoảng./.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Hương Giang
Lê Hữu Chính
Lâm Ánh
Hương Giang
Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền