Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơn thịnh nộ của "những người bị lãng quên" và sự bất ổn ở Peru

Hoài Phương

Thứ ba, 20/12/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Tại Peru, những bất mãn của cử tri được nung nấu từ lâu, qua nhiều năm chính trị đầy biến động. Peru có 6 tổng thống trong 5 năm. Hầu hết các cựu lãnh đạo đã bị bỏ tù hoặc bị điều tra về tội tham nhũng.

Những người biểu tình yêu cầu giải tán Quốc hội sau vụ lật đổ và bắt giữ cựu Tổng thống Pedro Castillo, ngày 15/12/2022. Ảnh: REUTERS/Miguel Gutierrez Chero

Bất chấp việc Chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp toàn quốc, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn tại Peru, nhiều sân bay đã phải đóng cửa. Quốc gia Nam Mỹ rơi vào bất ổn nghiêm trọng.

Leopoldo Huamani, 60 tuổi, một nông dân đến từ thị trấn Chalhuanca ở miền Nam Peru, đã đi 3 ngày để đến Thủ đô Lima và tuần hành ủng hộ nhà lãnh đạo bị lật đổ Pedro Castillo.

Theo Reuters, Huamani là một trong những người bị "lãng quên" ở Peru, thuộc nhóm nông thôn mà ông Castillo đã đại diện. Như dầu đổ vào lửa, vụ lật đổ, bắt giữ ông Castillo ngày 7/12 đã làm bùng lên sự giận dữ của họ, đe dọa một Chính phủ mới mong manh non trẻ và một Quốc hội đang nhận vô số chỉ trích.

Tình hình căng thẳng đã diễn ra trong 2 tuần qua. Những người biểu tình chặn đường cao tốc, đốt cháy các tòa nhà và chiếm giữ sân bay. Các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã xảy ra và có không ít thương vong. Trước tình hình này, 2 bộ trưởng trong chính quyền mới của Peru đã tuyên bố từ chức.

Trong số những người biểu tình, một số ủng hộ ông Castillo và những người khác chỉ đơn giản là tức giận vì cảm thấy bị các nhà lãnh đạo chính trị "phớt lờ". Họ nói rằng, ông Castillo, một cựu giáo viên xuất thân trong một gia đình nông dân, mặc dù có nhiều khuyết điểm, nhưng ít nhất từng là một người trong số họ.

“Bây giờ, không còn ai đại diện cho chúng tôi”, Huamani nói.

Nhiều người biểu tình giống như nông dân này đổ lỗi cho Quốc hội cùng tân Tổng thống Dina Boluarte (cựu Phó Tổng thống dưới quyền ông Castillo) về những thương vong trong cuộc biểu tình và yêu cầu bà từ chức.

Một chiếc trực thăng bay qua những người biểu tình trên đường băng sân bay ngày 15/12/2022. Ảnh: REUTERS/Miguel Gutierrez Chero

Cảnh sát và các lực lượng vũ trang bị cáo buộc sử dụng vũ khí chết người và thả bom khói từ trực thăng. Trong khi chính quyền Peru chỉ trích một số người biểu tình lợi dụng quyền hạn để tấn công cảnh sát và có các hành động phá hoại. Quân đội cũng cho biết, những người biểu tình đã sử dụng vũ khí tự chế và chất nổ.

Tổng tuyển cử sớm hiện là hướng đi được kỳ vọng có thể giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Nam Mỹ.

Bà Boluarte, nữ tổng thống đầu tiên của Peru đã kêu gọi Quốc hội bình tĩnh và đề xuất sửa Hiến pháp, tổng tuyển cử để giải quyết khủng hoảng. Bất chấp những áp lực, bà Boluarte khẳng định sẽ không từ chức.

Dư luận Peru cùng nhiều chính khách ủng hộ tổ chức tổng tuyển cử sớm để bầu tổng thống và quốc hội mới. Tuy nhiên, cuối tuần qua, Quốc hội Peru đã không thông qua đề xuất sửa Hiến pháp, đồng nghĩa nước này sẽ không thể tổ chức tổng tuyển cử sớm vào năm 2023.

Trước tình hình này, Liên hợp quốc đã phải lên tiếng quan ngại về các báo cáo thương vong và giam giữ người tại Peru. Dự kiến trong tuần này, Ngoại trưởng Peru sẽ gặp Cao ủy Liên hợp quốc để giải đáp các quan ngại.

Năm 2021, ông Castillo bất ngờ trở thành Tổng thống Peru nhờ làn sóng ủng hộ từ các cử tri nông thôn - những người đã chán ngấy với tình trạng tham nhũng trong giới tinh hoa chính trị ở Lima.

"Tôi đã được chọn bởi những người đàn ông và phụ nữ bị lãng quên ở Peru...", ông Castillo nói trong một lá thư viết tay từ nơi giam giữ. Cựu Tổng thống đang phải thụ án 18 tháng giam giữ trước khi xét xử, trong khi bị điều tra về các tội danh âm mưu nổi loạn - điều mà ông đã phủ nhận.

Là một "người mới" trong giới chính trị, ông Castillo đã giành được sự ủng hộ của cử tri Peru với các cam kết cải cách Hiến pháp, phân phối lại nguồn tài nguyên khổng lồ và trao quyền cho các nhóm bản địa bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, ông đã thất bại trong nhiều lời hứa. Ông và các cộng sự của mình phải đối mặt với một loạt cuộc điều tra tham nhũng.

Ông Castillo đã bị luận tội 3 lần. Trong lần cuối cùng, ông đã bị bỏ phiếu bãi nhiệm sau nỗ lực giải tán Quốc hội không thành.

Tuy nhiên, hầu hết người dân Peru vẫn đổ lỗi cho Quốc hội về những khó khăn chính trị của đất nước. Bị cáo buộc tham nhũng và tư lợi, Quốc hội chỉ có tỷ lệ ủng hộ là 11%, theo nhà thăm dò ý kiến Datum. Tỷ lệ ủng hộ ông Castillo là 24% trước khi bị phế truất.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm