Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chu Vĩnh Khang giàu cỡ nào trước khi “ngã ngựa“?

Chủ nhật, 17/08/2014 - 20:52

Cuộc điều tra tham nhũng chưa có tiền lệ nhằm vào Chu Vĩnh Khang làm dấy lên những suy đoán về khối tài sản khổng lồ mà gia tộc ông này "vơ vét" được trước khi bị "ngã ngựa".

Chu Vĩnh Khang (giữa) thời còn làm lãnh đạo công an.

Tuy nhiên, chỉ có một số tài sản nhỏ là có liên hệ trực tiếp đến ông Chu. Là người đứng đầu gia đình, ông Chu không dại gì dính dáng trực tiếp đến các giao dịch kinh doanh. Ít nhất 37 công ty, trải dài đến tận Bắc Mỹ, là thuộc sở hữu của gia đình họ Chu - theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. Những công ty này hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, bất động sản, thủy điện, du lịch... Hãng tin Reuters cho rằng, tổng giá trị tài sản của gia đình ông Chu có thể lên đến 90 tỉ nhân dân tệ. Nếu xác thực, đây là con số "khủng khiếp" - theo ông Hu Xingdou, một nhà bình luận chính trị tại Viện Công nghệ Bắc Kinh. Trước đó, các học giả đã nói đến "thu nhập xám" và nguồn tiền tham nhũng - chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc.

Chu Bân: Từ công ty vô danh đến tập đoàn hàng trăm triệu tệ

Con trai cả của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân, 42 tuổi, là một trong những người nắm giữ đế chế kinh doanh. Bà Zhan Minli, mẹ vợ của Chu Bân, là một mắt xích quan trọng khác, cùng với cháu trai Chu Phong và em dâu Zhou Lingying. Các thành viên này điều hành đế chế kinh doanh hùng mạnh, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua những người từng chịu ơn Chu Vĩnh Khang về chính trị hoặc tiền bạc. Chu Bân, hiện đang bị giam giữ, điều hành kinh doanh chủ yếu thông qua nhà vợ và các đối tác khác, cố gắng ẩn mình càng kỹ càng tốt. Những người biết Chu Bân nói rằng anh ta chẳng có tài cán kinh doanh gì và cũng không thể so sánh được với cha. Nhưng trong 10 năm, Chu Bân đã phát triển kinh doanh từ một công ty vô danh tới một tập đoàn trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ.

Với tấm bằng thạc sĩ về nghiên cứu quản lý quốc tế từ Đại học Texas ở Dallas, Chu Bân trở về Trung Quốc từ đầu những năm 2000, và năm 2003 lập nên công ty Beijing Zhongxu Sunshine Technology tại ngôi nhà mượn của mẹ vợ. Một năm sau, bà mẹ vợ tung ra 4 triệu tệ để lập một công ty khác, Zhongxu Sunshine Energy Technology, nắm giữ tới 80% cổ phấn. Ít lâu sau, công ty mới này trở thành nguồn kiếm tiền chính cho Chu Bân, bắt đầu thực hiện các dự án với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nơi Chu Vĩnh Khang từng là chủ tịch. Trong số này phải kể đến dự án nâng cấp hệ thống quản lý bán lẻ 8.000 cây xăng ở một số tỉnh, không thông qua đấu thầu. Các nguồn tin cho hay, chiến thuật kinh doanh của Chu Bân thường là mua các dự án của chính phủ với giá rẻ, sau đó bán lại với giá cao hơn - một "chiến thuật" chỉ có thể thực hiện được dưới sự đảm bảo của cha.

Theo tạp chí Caixin, từ năm 2007-2008, Chu Bân thu lợi được 500 triệu nhân dân tệ bằng cách bán lại các dự án mỏ dầu ở Thiểm Tây. Đến năm 2011, Zhongxu Sunshine Energy Technology có tổng tài sản trị giá 139 triệu tệ, lãi hàng năm gần 33 triệu tệ. Ở Tứ Xuyên, nơi Chu Vĩnh Khang từng là bí thư từ năm 2000-2002, Chu Bân nhanh chóng bước vào ngành công nghiệp thủy điện cũng như các dự án phát triển bất động sản và du lịch. Thu nhập hàng năm từ việc bán điện lên đến 900 triệu tệ. Chu Bân còn làm ăn với tên trùm khai thác mỏ Lưu Hán, kẻ vừa nhận án tử hình vì tội giết người, tổ chức sòng bạc và điều hành băng đảng mafia. Trước đó, Chu Vĩnh Khang nhờ Lưu Hán "chăm sóc" con trai mình. Chu Bân bán một công ty du lịch cho Lưu Hán vào năm 2004 với giá 12 triệu tệ, mặc dù giá trị thực của nó chỉ bằng một nửa.

Một người làm quan, cả họ được nhờ

Hoàng Uyển - vợ Chu Bân cũng là một nhân vật quan trọng trong đế chế kinh doanh. Chẳng hạn, khi Hoàng Uyển nói hứng thú với việc làm phim, một hãng phim đã ra đời năm 2009 trị giá 50 triệu tệ dưới tên của mẹ đẻ của cô. Hãng phim này sản xuất một vài bộ phim truyền hình và điện ảnh. Đến năm 2011, hãng có khối tài sản là 128 triệu tệ.

Chu Bân không phải là thành viên duy nhất trong gia đình dựa hơi Chu Vĩnh Khang để làm giàu. Anh trai Chu Vĩnh Khang là Chu Nguyên Hưng và em trai là Chu Nguyên Thanh cũng trở thành những kẻ chuyên móc nối cho các quan chức trong chính quyền chạy chọt trên con đường thăng tiến. Năm 2007, vợ con Chu Nguyên Thanh bỏ 50 triệu tệ để thành lập một công ty đầu tư ở Bắc Kinh, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Sau đó, công ty này mở rộng kinh doanh ở Tứ Xuyên, Trùng Khánh và Tân Cương, thêm về khai thác mỏ, bất động sản và các dự án cải tạo thành phố, với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu tệ. Vợ con Chu Nguyên Thanh còn đầu tư 19 triệu tệ để thành lập đại lý Audi ở Giang Tô, đạt doanh thu 659 triệu tệ vào năm 2012.

Ông Hu Xingdou, một nhà bình luận chính trị cho rằng, mặc dù có ít bằng chứng cho thấy Chu Vĩnh Khang liên quan trực tiếp đến số tài sản "khổng lồ không rõ nguồn gốc", nhưng dư luận Trung Quốc vẫn rất ủng hộ quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang.

Theo V.Anh/Lao Động

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm