Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 12/10/2015 - 08:51
Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, một trong những cơ quan quốc tế uy tín vừa bị chấn động bởi vụ bê bối tham nhũng lên đến hàng triệu USD.
GOPAC kêu gọi LHQ lập tòa án quốc tế chống tham nhũng. Ảnh: Jakartapost
Ngày 6-10, cựu chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) John Ashe bị bắt vì đã nhận hối lộ gồm cả tiền mặt và các món hàng xa xỉ lên đến 1,3 triệu USD từ một tỉ phú Trung Quốc. Reuters dẫn lời của các công tố viên New York khẳng định John Ashe và những đồng phạm đã biến LHQ thành nơi để kiếm chác. Cụ thể, John Ashe bị tố ra tay giúp trùm bất động sản Ng Lap Seng đạt được các hợp đồng chính phủ. Trong khi đó, thông tin mới nhất từ hãng thông tấn AP cho hay luật sư của Ashe đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc đối với thân chủ.
Rất có thể sẽ bắt thêm người
Ngay sau khi vụ bê bối vỡ lở, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói ông bị “sốc và cảm thấy vô cùng bối rối” trước những cáo buộc “không thể tin được” đối với ông John Ashe. Bởi lẽ đây là vấn nạn chấn động vốn chưa từng có bất kỳ tiền lệ nào trong lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của LHQ.
Công tố viên liên bang Preet Bharara nhận định: “Để sở hữu những chiếc đồng hồ Rolex, một sân bóng rổ, những bộ đồ may riêng (đắt đỏ và xa xỉ), John Ashe đã bán chính bản thân mình, thể chế toàn cầu mà ông lãnh đạo”. Đáng nói hơn, ngoài ông John Ashe và ông Ng Lap Seng còn có đến bốn người khác cũng bị bắt vì dính líu hối lộ quan chức LHQ và có âm mưu rửa tiền, trong đó có nhà ngoại giao Francis Lorenzo thuộc Cộng hòa Dominica, hai công dân Mỹ đang sống ở Trung Quốc. Preet Bharara cho biết thêm vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra. Có nhiều khả năng thời gian tới ngành chức năng sẽ phát hiện thêm các nghi phạm và tiến hành bắt giữ thêm người.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Stephane Dujarric nhấn mạnh rằng tham nhũng không phải là chuyện có thể dễ dàng và thường xuyên xảy ra tại LHQ. Vị này cho biết phía LHQ không biết chuyện này vì không nhận được thông báo gì từ phía văn phòng biện lý của Mỹ. “Văn phòng phụ trách pháp lý và các lãnh đạo cấp cao LHQ đã không hay biết về vụ việc cho đến khi báo chí đưa tin. Tất nhiên, chúng tôi sẽ liên lạc với các nhà chức trách của Mỹ có liên quan, đồng thời hợp tác với họ để làm rõ vụ việc” - Stephane Dujarric nói.
Cựu chủ tịch Đại Hội đồng LHQ John Ashe bị cáo buộc nhận khoản hối lộ khoảng 1,3 triệu USD từ một tỉ phú Trung Quốc. Ảnh: Reuters
“Không khoan nhượng cho bất kỳ ai”
Ông Stephane Dujarric ngày 9-10 cũng cho biết ông Ban Ki-moon đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành một cuộc điều tra nội bộ một cách chi tiết về các giao dịch giữa LHQ với hai công ty có liên quan đến vụ bê bối hối lộ nghiêm trọng gắn với cái tên John Ashe. Cụ thể, ông Ban Ki-moon yêu cầu Văn phòng Dịch vụ Giám sát Nội bộ (OIOS) ngay lập tức khởi động một cuộc kiểm toán các giao dịch hợp tác giữa LHQ và Quỹ Phát triển bền vững toàn cầu (GSF) và Tập đoàn Sun Kian Ip và việc sử dụng các khoản tiền mà LHQ nhận từ các tổ chức này.
“Tổng Thư ký LHQ (Ban Ki-moon) rất quan ngại về tính chất nghiêm trọng của các cáo buộc (tham nhũng của John Ashe), trở thành vấn đề trọng tâm của LHQ cũng như các nước thành viên” - người phát ngôn cho hay. Ông Ban khẳng định nhiều lần rằng sẽ không có bất kỳ sự khoan dung nào cho những ai tham nhũng tại LHQ hay dù chỉ liên quan đến cái tên của tổ chức LHQ. Vị tổng thư ký cam kết sẽ đảm bảo các nguồn tiền (mà LHQ) nhận từ các thực thể tư nhân đều được xử lý một cách đúng quy định, chiếu theo các luật lệ và nguyên tắc liên quan đến tài chính của LHQ.
Tham nhũng tại LHQ ngày càng tồi tệ
Hãng thông tấn AP có bài xã luận của Cara Anna với nội dung “vị trí cao, mắc cạm bẫy hối lộ và rủi ro đã hiện hình tại LHQ”, với nội dung cho rằng cơ chế giám sát lỏng lẻo quyền hành vị trí chủ tịch đại hội đồng khiến tình trạng tham nhũng tại LHQ ngày càng báo động. Bài viết nhận định vụ bê bối John Ashe cho thấy đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ ai hay cơ quan nào gấp rút cải cách, khắc phục điểm yếu của LHQ liên quan đến quản lý vấn đề tham nhũng, hối lộ. Cara Anna cho rằng “chiếc ghế” chủ tịch Đại Hội đồng LHQ, đại diện cho 193 quốc gia thành viên, đã trở thành một “mảnh đất màu mỡ” ẩn chứa các hành vi sai trái (mà Ashe là một điển hình).
Vị chủ tịch đại hội đồng có thể cùng lúc thao túng nhiều công việc khác nhau mà không để lộ bất kỳ điều gì; toàn quyền quyết định về việc phân bổ ngân sách với số tiền 330.000 USD mỗi năm của văn phòng LHQ; có thể nhận thêm các khoản tiền từ các nước thành viên mà không cần thông báo đến bất kỳ ai. Trong khi đó, lại không có bất kỳ hoạt động kiểm soát chính thức nào của LHQ đối với công việc của vị trí chủ tịch đại hội đồng.
Nhận định về vấn đề này, Alejandro Salas, Giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, cho rằng: “Vị trí chủ tịch đại Hội đồng thật sự quá hấp dẫn. Điều đầu tiên hiển hiện trong đầu tôi chính là thực trạng (chiếc ghế chủ tịch) được trao cho sự tự do trong việc vận động hành lang nội bộ (Đại Hội đồng LHQ)”. Alejandro Salas cho biết thêm tổ chức Minh bạch quốc tế chưa thể hoàn thành được thứ mà vị này gọi là “bản đồ rủi ro” đối với LHQ. Tuy nhiên, sau vụ bê bối John Ashe, “chúng tôi cần phải tập trung nhiều hơn để giải quyết việc này” - Alejandro Salas nhấn mạnh.
Kêu gọi LHQ lập tòa án quốc tế chống tham nhũng
Tổ chức Các nghị sĩ toàn cầu chống tham nhũng (GOPAC) mới đây đã lên tiếng kêu gọi LHQ thành lập một tòa án quốc tế về vấn đề tham nhũng sau vụ bê bối John Ashe. Phó Chủ tịch GOPAC Osei Kyei Mensah Bonsu phát biểu trong một sự kiện hôm thứ Năm (8-10) rằng: “Để ngăn chặn và chiến đấu chống lại tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng quy mô lớn, thế giới cần các cơ chế quốc tế, sự liên kết và hợp tác thật sự có trọng lượng”.
Bonsu nói thêm: “Chúng tôi đề nghị LHQ xem xét thành lập một nghị định thư mới nằm trong Công ước của LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) nhằm thiết lập một tòa án quốc tế về tham nhũng phục vụ việc truy tố các vụ tham nhũng quy mô lớn”. Lời kêu gọi này của Osei Kyei Mensah Bonsu nhận được sự tán đồng của tất cả thành viên GOPAC.
Tân Chủ tịch GOPAC Fadli Zon nói rằng GOPAC đặc biệt chú trọng đến UNCAC - vũ khí trong cuộc chiến chống tham nhũng quy mô lớn. GOPAC cũng sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ chính trị vững chắc hơn và mạnh mẽ hơn từ những quốc gia tham gia UNCAC.
Biến tiền hối lộ thành tiền lương Bài xã luận của AP mô tả John Ashe, công dân đảo quốc Antigua Barbuda đã nhận hơn 3 triệu USD từ các chính phủ và cá nhân nước ngoài, sau đó tự ký vào các tấm séc như thể đó là lương của ông ấy. Ông Ashe giữ chức vụ chủ tịch đại hội đồng trong một năm, từ tháng 9-2013. Mỹ cáo buộc Ashe nhận hối lộ để đổi lấy việc ủng hộ đề án xây dựng trung tâm hội nghị LHQ tại Macau, một ý tưởng của ông Ng Lap Seng. Ngoài các món đồ khác xa xỉ và đắt tiền, ông Ashe nhận hơn 500.000 USD từ ông Ng Lap Seng. Theo các công tố viên Mỹ, đề án trên được đưa ra trong giai đoạn 2011-2014, tức bao gồm cả giai đoạn ông Ashe giữ chức chủ tịch đại hội đồng. Bên cạnh đó, ông Ashe còn tổ chức nhiều cuộc họp với các quan chức chính phủ đảo quốc Antigua Barbuda, Kenya để giúp những nhà đầu tư bất động sản giành được hợp đồng phát triển kếch xù. Mặt khác, ông Ashe cũng bị cáo buộc trốn thuế với khoản tiền tham nhũng ông nhận được và cho phép các doanh nhân trả tiền cho ông cùng gia đình ở tại một khách sạn giá 850 USD mỗi đêm ở New Orleans (bang Louisiana, Mỹ). |
Theo Hoài Thương/PLO
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Chính Bình
Nam Dũng
Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm
Nam Dũng