Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngọc Anh
Thứ tư, 11/09/2024 - 08:25
(Thanh tra) - Báo cáo rủi ro thế giới (World Risk Report) năm 2024 vừa được công bố, nêu bật những quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất và những gì có thể làm để ngăn ngừa thảm họa cũng như giảm thiểu tác động của chúng.
Báo cáo rủi ro thế giới xếp hạng Philippines là quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất. Ảnh: Jam Sta Rosa/AFP/Getty Images
Đáng chú ý, báo cáo nêu bật, không chỉ có tần suất, cường độ của bão, động đất và hạn hán, mà yếu tố quyết định tới xếp hạng rủi ro thiên tai còn là mức độ dễ bị tổn thương của một quốc gia trước các thảm họa thiên nhiên.
Đôi khi là do nghèo, hoặc có mức độ tham nhũng cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe kém, hay sự chuẩn bị cho thảm họa không đầy đủ.
Philippines đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia có rủi ro thiên tai cao
Báo Deutsche Welle (DW, Đức) dẫn thông tin từ Báo cáo rủi ro thế giới năm 2024 cho biết, ở Philippines thiên tai gần như là một phần của cuộc sống hàng ngày. Gần đây nhất, bão Yagi, được người dân địa phương gọi là Enteng, đã khiến các con sông tràn bờ và gây ra lở đất, khiến ít nhất 16 người thiệt mạng (theo báo cáo của Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa Quốc gia Philippines, tính đến ngày 7/9). Đây là cơn bão thứ năm tấn công Philippines kể từ tháng 5 năm nay.
Yagi đã trở thành siêu bão sau khi rời Philippines, ảnh hưởng đến Hong Kong (Trung Quốc), đổ bộ vào bờ biển tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc vào chiều 6/9 và tiếp tục đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam vào ngày 7/9, gây thiệt hại nặng nề.
Theo bà Katrin Radtke, một nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về phòng ngừa thảm họa tại Đại học Ruhr Bochum ở Đức, Philippines được xếp hạng là quốc gia "có rủi ro rất cao". Bà Katrin Radtke là người chịu trách nhiệm khoa học của Báo cáo rủi ro thế giới hàng năm, do Viện Luật Quốc tế về hòa bình và xung đột vũ trang (IFHV) và liên minh gồm 9 tổ chức phát triển của Đức, Bündnis Entwicklung Hilft, cùng công bố.
Báo cáo bao gồm bảng xếp hạng toàn cầu 193 quốc gia sử dụng mô hình phân tích chỉ số rủi ro thế giới (World Risk Index), cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về một số khía cạnh chính của quản lý rủi ro thiên tai.
Philippines đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia có rủi ro cao năm nay, tiếp theo là Indonesia, Ấn Độ, Colombia và Mexico.
"Những quốc gia này bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên cực đoan xảy ra rất thường xuyên và có cường độ cao", Katrin Radtke nói với DW.
Khi nói đến các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, theo chỉ số rủi ro thế giới, 8 trong số 10 quốc gia nằm ở lục địa Châu Phi. 2 quốc gia còn lại, Afghanistan và Yemen, đã bị kiệt quệ vì chiến tranh trong nhiều thập kỷ.
Ở những đất nước như vậy, có ít nhân viên y tế và giường bệnh hơn, nghĩa là nhiều người có khả năng tử vong hơn trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Có thể giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương
Nếu một quốc gia đầu tư vào công tác phòng ngừa thiên tai, thì thiên tai không nhất thiết sẽ gây ra tác động thảm khốc cho nhiều người.
Điều này giải thích tại sao các quốc gia giàu có như Mỹ hoặc Úc không được xếp hạng rủi ro cao hơn, mặc dù họ phải chịu nhiều thiên tai như hạn hán, động đất và bão.
"Trung Quốc đã chứng minh rằng có thể rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng và thảm họa, qua đó giảm thiểu rủi ro thiên tai nói chung của quốc gia", bà Katrin Radtke cho biết. Quốc gia này hiện đang đứng ở vị trí thứ 22 trong Chỉ số rủi ro thế giới - tốt hơn 12 bậc so với năm ngoái.
Phân tích của báo cáo chỉ ra, phần lớn sự cải thiện là do Trung Quốc đã có thể giảm đáng kể mức độ dễ bị tổn thương của mình khi ứng phó với đại dịch Covid-19. Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, xây dựng bệnh viện mới và triển khai các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, cùng nhiều hoạt động khác.
Xung đột làm trầm trọng thêm các thảm họa thiên nhiên
Chỉ số rủi ro thế giới chỉ bao gồm các thảm họa thiên nhiên, không bao gồm các mối nguy hiểm do con người gây ra như chiến tranh và xung đột.
Nhưng mối liên hệ giữa chúng đang ngày càng rõ rệt. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy số lượng thảm họa thiên nhiên ngày càng tăng, một phần là do biến đổi khí hậu, tấn công vào các khu vực xảy ra xung đột và có tác động bất lợi hơn.
Nghiên cứu cho thấy các nhóm vũ trang phát triển lớn hơn sau các thảm họa thiên nhiên. Họ tuyển dụng những người bỗng nhiên trở nên nghèo đói hoặc phải di dời. Ngoài ra, các cuộc đấu tranh giành nguồn tài nguyên khan hiếm như nước, thực phẩm, năng lượng hoặc hàng cứu trợ có thể gia tăng, trong một số trường hợp khiến xung đột trở nên tồi tệ hơn.
"Các sự kiện thiên nhiên cực đoan cũng có thể tạo ra cơ hội để các bên xung đột đi đến thỏa thuận", bà Radtke lấy ví dụ, khi tất cả các bên liên quan nhận ra rằng họ phải hợp tác để nhận được cứu trợ khẩn cấp và quản lý tái thiết. Đây là cách cuộc nổi loạn kéo dài hàng thập kỷ ở tỉnh Aceh của Indonesia đã kết thúc sau trận sóng thần tàn khốc năm 2004.
Giảm thiểu tham nhũng giúp bảo vệ người dân khỏi những tác động của thiên tai
Khi các quốc gia tìm cách giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương trước các thảm họa thiên nhiên, thì việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa thảm họa cổ điển, chẳng hạn như đập, hệ thống cảnh báo và dịch vụ cứu hộ là chưa đủ.
Bà Radtke cho biết: "Đầu tư vào giáo dục và y tế, và giảm bất bình đẳng xã hội có thể có tác động lớn đến việc giảm mức độ dễ bị tổn thương".
Đáng chú ý, việc giảm thiểu tham nhũng cũng giúp bảo vệ người dân khỏi những tác động của thiên tai.
Báo cáo chỉ ra rằng, có nhiều biện pháp mà chính phủ các nước có thể thực hiện. Nhưng không phải tất cả đều có thể định lượng và mô tả trong một chỉ số.
Ví dụ, ở Philippines, niềm tin, sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng đóng vai trò lớn trong việc phục hồi sau thiên tai.
World Risk Report là báo cáo kỹ thuật thường niên về rủi ro thiên tai toàn cầu do IFHV và Bündnis Entwicklung Hilft cùng xuất bản. Trọng tâm của báo cáo là làm nổi bật mối liên hệ và tương tác giữa các sự kiện thiên nhiên cực đoan, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và giảm thiểu rủi ro thiên tai để đưa ra đánh giá thực tế về rủi ro thiên tai ở cấp độ toàn cầu.
Hàng năm, bài viết của các nhà nghiên cứu và chuyên gia liên ngành trình bày các cách tiếp cận và hành động được khuyến nghị để giải quyết những thách thức hiện tại đối với việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và chính sách phát triển.
Ban đầu, World Risk Index được Đại học Liên Hợp Quốc - Viện An ninh Môi trường và Con người (UNU-EHS) phát triển vào năm 2011 cho Bündnis Entwicklung Hilft để liên kết và liên hệ phân tích hai yếu tố của rủi ro thiên tai - tiếp xúc với các mối nguy hiểm tự nhiên như động đất, bão hoặc hạn hán, và năng lực của xã hội để ứng phó. Phương pháp luận của World Risk Index đã được IFHV liên tục sửa đổi và phát triển kể từ năm 2018. Vào năm 2022, một mô hình mới, được sửa đổi hoàn toàn của WorldRiskIndex đã được công bố, cho phép phân tích chính xác hơn về rủi ro thiên tai bằng cách kết hợp hơn 100 chỉ số, nguồn dữ liệu mới và các phương pháp thống kê mạnh mẽ hơn.Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Hương Giang
Trần Trung
Thái Hải
Hương Giang
Ngọc Phó
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Thanh Lương
Thái Hải
Thái Hải
LA