Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ sáu, 22/07/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Theo khảo sát mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), có tới 98% công dân Hy Lạp cho rằng, tham nhũng đang phổ biến ở đất nước của họ.
Một báo cáo mới của EU cho thấy 98% người Hy Lạp tin rằng tham nhũng đang là vấn nạn phổ biến ở đất nước. Ảnh: greekreporter
Tỷ lệ này được đánh giá là cao hơn nhiều so với mức bình quân 68% số người được hỏi trong tất cả các quốc gia thành viên EU có cùng cảm nhận.
Cuộc khảo sát về tình hình tham nhũng trên khắp EU do Eurobarometer thực hiện.
Eurobarometer được tạo ra vào năm 1973, là công cụ thăm dò chính thức được sử dụng bởi Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và các tổ chức, cơ quan khác của EU để thường xuyên theo dõi tình hình dư luận ở châu Âu về các vấn đề liên quan đến EU, cũng như thái độ về các chủ đề chính trị hoặc xã hội.
Trong cuộc khảo sát mới nhất này, Eurobarometer đã tiến hành phỏng vấn 26.500 người trên 27 quốc gia thành viên EU. Riêng đối với Hy Lạp, hơn 1.000 công dân nước này đã tham gia phỏng vấn. Thời gian khảo sát kéo dài từ ngày 22/3 đến 16/4/2022.
Kết quả khảo sát cho thấy, tương tự người Hy Lạp, các công dân Síp và Croatia cũng nghĩ rằng, tham nhũng có chiều hướng ngày càng lan rộng. 2 quốc gia này ghi nhận 94% người được hỏi cho rằng tham nhũng là phổ biến.
Trong khi đó, con số này tại Hungary là 91% và tại Bồ Đào Nha là 90%.
Ở phía ngược lại của danh sách, chỉ 16% người dân Đan Mạch tin rằng tham nhũng tràn lan ở đất nước của họ. Các nước được nhìn nhận là trong sạch tiếp theo trong báo cáo bao gồm: Phần Lan (17%), Thụy Điển (32%), Luxembourg (36%) và Estonia (43%).
Cuộc khảo sát cho thấy, về tổng thể, tham nhũng vẫn là mối lo lắng nghiêm trọng đối với công dân EU ở tất cả 27 quốc gia thành viên.
Vấn nạn này tập trung ở các tổ chức công quốc gia, nơi 74% người được hỏi tin rằng tham nhũng đang phổ biến. Tiếp theo là các đảng chính trị (58%) và các chính trị gia địa phương, khu vực, quốc gia (55%).
Bên cạnh đó, người dân châu Âu còn tỏ ra khá bi quan về các hành động được thực hiện ở cấp quốc gia để coi tham nhũng là một tội phạm.
Số ít (37%) cho rằng, các biện pháp chống tham nhũng được áp dụng một cách vô tư và không có động cơ phía sau. Trong khi, 34% số người được hỏi trên khắp EU đánh giá việc truy tố thành công đủ để ngăn chặn tham nhũng. Chỉ 31% tin rằng, những nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ quốc gia họ có hiệu quả. Và, 31% nhận định, có đầy đủ sự giám sát minh bạch đối với nguồn tài chính của các đảng phái chính trị ở quốc gia của họ.
Tại Hy Lạp, 92% số người được hỏi tin rằng có tham nhũng trong các cơ quan địa phương hoặc khu vực. Trong khi con số trung bình của tất cả các nước thành viên EU là 72%.
Trong một ví dụ Eurobarometer đưa ra, cảnh sát Hy Lạp vào cuối năm ngoái đã xác định, có ít nhất 30 sĩ quan dính líu vào một vụ "làm tiền" liên quan đến quyền công dân một cách bất hợp pháp. Sau cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, các sĩ quan được cho là đã cung cấp cho công dân nước ngoài giấy tờ và căn cước bất hợp pháp để đổi lấy các "khoản phí".
Cũng tại Hy Lạp, 94% người được hỏi trả lời rằng, có tham nhũng trong các tổ chức công quốc gia. Trong khi, kết quả khảo sát bình quân ở EU là 74%.
88% người Hy Lạp đồng ý rằng, chủ nghĩa thiên vị và tham nhũng cản trở cạnh tranh kinh doanh ở nước họ. Kết quả của cùng câu hỏi trên toàn EU nói chung là 77%.
Khi tiến hành khảo sát về trải nghiệm cá nhân đối với tham nhũng, hối lộ, các câu trả lời đã tiết lộ một câu chuyện khác.
Với câu hỏi, các cá nhân từng trải qua hoặc chứng kiến một vụ án tham nhũng trong 12 tháng qua hay chưa, 85% người Hy Lạp cho biết "chưa từng" trong khi 14% nói rằng "có".
Tính trên toàn EU, 94% người được khảo sát nói rằng chưa trải qua tham nhũng hoặc chứng kiến một vụ tham nhũng, trong khi chỉ 6% nói rằng có.
Theo Eurobarometer: “Có nhiều hình thức tham nhũng, từ hối lộ và gây ảnh hưởng, đến các hình thức ít rõ ràng hơn như gia đình trị, xung đột lợi ích hoặc sự bắt tay giữa khu vực công và tư nhân”.
Báo cáo cho biết thêm rằng, tham nhũng làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng, làm xói mòn lòng tin của công dân đối với các tổ chức công, làm suy yếu quản trị tốt và công bằng xã hội, đồng thời tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhà nước pháp quyền, dân chủ và các quyền cơ bản.
Trong sự so sánh với các kết quả khảo sát trước đó, Eurobarometer cho biết, kể từ tháng 12/2019, tỷ lệ người trả lời trong cuộc khảo sát cho rằng tham nhũng phổ biến ở quốc gia của họ đã giảm ở 20 quốc gia. Niềm tin rằng tham nhũng phổ biến gia tăng ở 5 quốc gia. Không có sự thay đổi về quan điểm ở 2 nước Slovenia và Đức.
Hy Lạp là cái tên được đặc biệt nhấn mạnh trong báo cáo khảo sát của Eurobarometer năm nay. Trong khi đó, nước này cũng tụt 8 bậc về đánh giá Chỉ số Quy định pháp luật (Rule of Law Index) của Dự án World Justice Project (WJP) - một báo cáo toàn cầu hàng năm đo lường sự tuân thủ các nguyên lý cơ bản của một chính phủ và xã hội mở, hành động.
Cụ thể, Hy Lạp được xếp hạng thứ 48 trong số 139 quốc gia được khảo sát, theo Chỉ số Quy định pháp luật năm 2021. Trước đó, quốc gia này đứng ở vị trí thứ 40. Cuộc khảo sát của WJP cung cấp điểm số và xếp hạng dựa trên 8 hạng mục, đó là: Các ràng buộc về quyền lực của chính phủ, không có tham nhũng, chính phủ mở, các quyền cơ bản, trật tự và an ninh, thực thi quy định, tư pháp dân sự và tư pháp hình sự.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh